Giáo dục châu Á: Vẫn nặng nề với cái cặp quá khổ!

07:00 | 28/07/2015

3,665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ cái sự học trở nên nặng nề - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - bằng lúc này tại châu Á. Cõng trên lưng chiếc cặp trĩu nặng tri thức học đường, học sinh châu Á còn bị đè nặng bởi chương trình học quá ư nặng nề và thậm chí “khủng khiếp”. Còn đâu thời gian để chơi, giải trí và khám phá thế giới tuổi thơ nữa. Mùa tựu trường mới chuẩn bị bắt đầu, học đi, học nữa, học nhiều vào!  

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

Giáo dục Việt Nam đang đứng ở đâu?

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây thì Việt Nam xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục toàn cầu. Việt Nam được đánh giá trên cả các nước có nền giáo dục tốt như Anh, Mỹ, Thụy Điển...Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thứ hạng này quả thực hài hước!

Học cho “ấm” cái thân!

Chương trình “E.M.B.A” được triển khai vào một sáng chủ nhật tại trung tâm Thượng Hải nghe như bất kỳ khóa học nào được thiết kế huấn luyện giới lãnh đạo doanh nghiệp tương lai Trung Quốc. “Chúng tôi cung cấp cho học sinh những công cụ chúng cần để xây dựng sự tự tin” - phát biểu của Vivian Liu, Tổng giám đốc chương trình đào tạo 2 năm với 1.500 học viên. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chương trình Vivian Liu với các khóa quản trị doanh nghiệp khác là học sinh lớp này có thể phản ứng bằng cách giãy nảy khóc và bù lu bù loa gọi mẹ. Tại sao thế? Đơn giản, chúng chỉ là trẻ con.

Giáo dục châu Á: Vẫn nặng nề với cái cặp quá khổ!
Nữ sinh Hàn Quốc dùi mài kinh sử

Chữ “E” trong E.M.B.A ở đây không phải viết tắt của executive (điều hành) mà là early (sớm) và “sinh viên” lớn tuổi nhất trong lớp Vivian Liu chỉ mới lên 6. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn thích gửi con đến chương trình đào tạo “cao cấp” này. He Jiachen gửi đứa con He Xingzhen 3 tuổi đến lớp E.M.B.A trong khi mình và vợ đi học chương trình MBA (thạc sĩ) dành cho người lớn. “Thằng nhỏ học tốt lắm” - He Jiachen khoe - “Trong lớp, nó không ngại phát biểu và nó thích làm thủ lĩnh trong các hoạt động nhóm”.

Sự kỳ vọng vào lớp trẻ không là điều lạ ở Trung Quốc nhưng bây giờ người ta bắt đầu tạo ra sức ép kinh khủng cho các cháu nhỏ tuổi. Phụ huynh sẵn sàng ghi danh cho bọn trẻ học gần như bất cứ gì vào ngày nghỉ cuối tuần. Thậm chí con nít chập chững cũng không được tha. Với học phí 700 USD/tháng, nhiều phụ huynh sẵn sàng gửi đứa con mới 3 tuổi vào Làng nhà trẻ quốc tế Hoa Lan tại thành phố cảng Thiên Tân, nơi chúng sống suốt ngày trong khung cảnh biệt thự nhà vườn được trang bị tivi plasma 42 inch và dương cầm.

Theo Time, 60% gia đình Trung Quốc tại các thành phố lớn hiện dành 1/3 thu nhập cho giáo dục con cái. Bé Xu Yunqiao, con của Li Hongbin, hiện học tại một trường y tá tư ở Bắc Kinh, từ 8 giờ 30 sáng đến 17 giờ. Bé Xu Yunqiao chỉ mới 5 tuổi! Cách đây một thế hệ, có không nhiều những đứa trẻ 6 tuổi biết đọc và làm toán cơ bản nhưng hiện thời, nhiều trường tiểu học tên tuổi Trung Quốc đều muốn học sinh phải biết ít nhất 1.000 chữ Hoa cơ bản…

Với thực trạng nhiều gia đình Trung Quốc có một con nên có thể hiểu được tâm lý đầu tư cho tương lai thế hệ trẻ. Tuy nhiên, tại không ít nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, dù gia đình có nhiều hơn một con, người ta cũng ép con cái học đến chết dở sống dở! Trong nhiều gia đình Hàn Quốc, người mẹ đảm nhiệm vai trò “tư vấn giáo dục” cho con cái. Họ giám sát bọn trẻ từng phút. Học, học nữa, học thêm nữa đi con - đó là câu nói quen thuộc được các bà mẹ Hàn Quốc “tụng” mỗi lúc mỗi nơi. Chẳng khó khăn gì khi thấy cảnh học sinh Hàn Quốc học bài đến nửa đêm. Không như học sinh nhiều nước khác, học sinh Hàn Quốc ghét mùa đông và kỳ hè, bởi đó là thời gian chúng phải đi học thêm. Việc quá lo lắng cho sự học con cái còn dẫn đến nhiều tiêu cực.

Giáo dục châu Á: Vẫn nặng nề với cái cặp quá khổ!

Tại sao bắt học nhiều thế?

Sức ép học vấn - thi cử - đỗ đạt cũng là nỗi khổ thường trực đối với các gia đình nghèo Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng, một gia đình trung lưu phải tốn 700-1.000 USD cho con đi học thêm. Viện Phát triển giáo dục quốc gia Hàn Quốc tính rằng, tổng chi phí cho việc học thêm đã tăng đến 7,12 ngàn tỉ won (6.9 tỉ USD) vào năm 2000; 10,66 ngàn tỉ won năm 2001 và 13,65 ngàn tỉ won năm 2004 (cao nhất khối OECD). Ngân hàng Hàn Quốc ước tính, thị trường dạy tiếng Anh tại nước mình hiện trị giá 4-5 ngàn tỉ won, trong đó có 68,4 tỉ won được chi cho việc học TOEIC (kiểm tra tiếng Anh cho giao tiếp quốc tế) và TOEFL (kiểm tra tiếng Anh như ngôn ngữ nước ngoài).

Thống kê này không đồng nghĩa với việc học sinh Hàn Quốc giỏi tiếng Anh, ngược lại là khác, một phần bởi hầu hết hogwon (trường dạy tiếng Anh) nằm dưới sự quản lý của những người không hề biết tiếng Anh! Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc từng chỉ trích chế độ giáo dục nặng nề tại Hàn Quốc. Học sinh trung học nước này ít khi được phép đi dã ngoại. Thú vui giải trí phổ biến là chơi game hoặc lướt web. Bi kịch ở chỗ dù học ngày học đêm nhưng học sinh Hàn Quốc vẫn “nhét” không “vô”. Và cuối cùng, tình trạng bốc phét thành tích nhà trường bây giờ bắt đầu phổ biến. Nghiên cứu của dân biểu Chin Soo-hee công bố cách đây vài năm cho thấy, có đến 60% trường trung học toàn quốc đã nhào nặn và thổi phồng điểm số học sinh và 22% trường “luộc” lại đề thi cũ từ những năm trước!

Theo tác giả Liam Fitzpatrick (Time), một trong những trả lời có thể giải thích tại sao châu Á ngày càng căng thẳng với sự học là tính bất ổn lịch sử của khu vực. Không chỉ là sự bất ổn chính trị ở vài quốc gia (đảo chính…), còn là những bất ổn của thiên nhiên (lụt lội, bão táp…) và thậm chí kinh tế. Ngoài ra, còn có lý do thuộc về tâm lý cộng đồng - như nhận xét của TS Aruna Broota thuộc Đại học Delhi, chẳng hạn người châu Á thường thích khoe khoang thành tích con cái. Yếu tố kinh tế phát triển cũng là nguyên nhân nữa. Làng mạc đang được đô thị hóa và những người từng sống với bầy gà và đám trâu bây giờ luôn muốn con em phải khá hơn. Mà muốn khá hơn thì chỉ có học và học thật giỏi. Ở góc độ rộng hơn, châu Á còn lao vào sự học như một tự ái trước thành công của phương Tây, đồng thời cũng là tâm lý cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Và thế là tất cả cùng cạnh tranh để tạo một thế hệ mới tài năng hơn.

Singapore chẳng hạn, hiện có đến 90% gia đình cho con học thêm. Tại Hongkong, bé Cheng Hoi-ming 10 tuổi có 34 tiếng học ở trường mỗi tuần, chưa kể ít nhất 3 tiếng học tennis và gần 3 tiếng học thêm toán và khoa học. Cô chị Hoi-ying 13 tuổi phải tham gia 10 chương trình ngoại khóa mỗi tuần trước khi bé học lớp 2. Ngay cả khi buộc con ôm đồm sự học, nhiều phụ huynh vẫn còn chưa hài lòng. Có không nhiều trường hợp như John Au, khi anh quyết định cho cậu con trai Justin nghỉ học Trường Wah Yan (một trong những trường danh giá nhất Hongkong). John không thể chịu nổi cảnh Justin bị “hành hạ” khi hằng ngày cháu phải học đến 23 giờ đêm khi nó mới 7 tuổi. Bi kịch ở chỗ nhiều phụ huynh không nhận thức rõ rằng, mình làm như vậy là đúng hay sai hoặc nên hay không. Chikako Kobayashi - mẹ của hai bé học sinh tiểu học ở Hachioji (ngoại ô Tokyo) - thừa nhận: “Tôi thật sự không biết cái gì là tốt nhất cho bọn trẻ”.

Bài học quan trọng nhất nào đã bị bỏ quên?

Bộ Giáo dục Nhật bắt đầu tiến hành chính sách yutori kyoiku (giáo dục thư giãn), trong đó có việc hủy nửa buổi học ngày thứ Bảy. “Bộ Giáo dục tái đánh giá chính sách mỗi 10 năm và những thay đổi gần đây nhấn mạnh đến yếu tố giúp học sinh khả năng học độc lập, hơn là nhồi nhét thông tin” - phát biểu của phát ngôn viên Bộ Giáo dục Nhật Shunichi Taniai. Hàn Quốc cũng bắt đầu xem lại hiện tượng học nhồi, ngay cả ở những nơi có truyền thống áp dụng chính sách học nặng. Học viện lãnh đạo Minjok Hàn Quốc là ví dụ. Với bất kỳ phụ huynh nào, Viện Minjok là ngọn Olympus chót vót của kiêu hãnh tri thức. Cách Seoul 3 giờ xe, Minjok là trường tư số một Hàn Quốc.

Hầu hết học sinh tốt nghiệp Minjok đều thi đậu vào những đại học tốt nhất như Đại học Yonsei, Đại học quốc gia Hàn Quốc, Viện Khoa học - kỹ thuật cao cấp Hàn Quốc hoặc Học viện Kỹ thuật Pohang - theo ngài Hiệu trưởng Lee Don-hee (nguyên Bộ trưởng Giáo dục). Tại Minjok, học sinh buộc phải nói tiếng Anh từ 7 giờ đến 18 giờ 30; phải tập Thái cực đạo hoặc bắn cung; phải học nhạc cụ dân tộc… Học sinh phải cúi đầu chào khi có khách thăm trường và luôn mặc trang phục truyền thống hanbok. Tuy nhiên, Minjok bây giờ đang áp dụng chương trình học nhẹ hơn. “Nhà trường chúng tôi cố hết sức để giúp học sinh thích thú với việc học chứ không bắt chúng học dưới sức ép” - theo Lee Don-hee. Đúng là học nhồi chưa chắc giúp học sinh giỏi.

Trong khảo sát OECD năm 2014, học sinh 15 tuổi tại Nhật đứng hạng 14 ở phần kỹ năng đọc. Báo cáo Khuynh hướng trong toán học quốc tế và nghiên cứu khoa học cũng làm người Nhật giật mình khi biết rằng, con em mình thua xa Singapore, Hongkong và Hàn Quốc. Một số phụ huynh Nhật bắt đầu lo ngại rằng tình hình còn tồi tệ hơn nếu Bộ Giáo dục áp dụng chính sách yutori kyoiku (giáo dục thư giãn) và họ bắt đầu phản ứng theo cách riêng bằng cách rút con khỏi trường công và đưa vào trường tư, dù học phí đắt (học phí trường Satoe Gakuen tại khu Saitama ngoại ô Tokyo tốn đến 12.000 USD/năm)...

Nếu giáo dục châu Á cần cải cách, cuộc chiến phải được thực thi ngay tại gia đình và từ tâm lý người lớn. Hirohito Komiyama - tác giả nhiều quyển sách về hệ thống giáo dục Nhật - nhấn mạnh: “Học sinh chịu sức ép căng thẳng có khuynh hướng có chỉ số EQ (emotional intelligence) thấp và những người không biết học cách hòa nhập xã hội hoặc liên kết thông tin với người khác không thể thành công trong thế giới mô hình công ty như hiện tại”. Với những bậc phụ huynh quá ám ảnh về sự học và nhồi nhét con cái bằng mọi giá, xin hãy nghe nhận xét của Feng Shulan (Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Yayuncun 2; Bắc Kinh): “Đôi lúc chúng tôi phải giảng cho phụ huynh về điều gì thật sự cần thiết cho con em họ. Tôi nói với các vị phụ huynh rằng, việc dành thời gian chơi đùa với con cái cũng quan trọng không kém. Tôi nói với họ rằng, việc làm cho bọn trẻ hạnh phúc cũng quan trọng không kém”.

M.Kim

Năng lượng Mới 442

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc