Gian nan nghề truyền tải điện

09:00 | 26/06/2013

1,859 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từng nghe nhiều về nỗi vất vả, gian truân mà người thợ điện phải trải qua, nhưng kỳ thực, có theo chân các anh, được tận mắt chứng kiến công việc thường ngày các anh làm mới thấy cái nghiệp này khắc nghiệt đến nhường nào. Đó thực sự là những con ong thợ “mình đồng da sắt”, làm việc không quản trời nắng hay mưa, bất chấp mọi khắc nghiệt của thời tiết, của thiên nhiên để “huyết mạch” năng lượng của quốc gia được đảm bảo thông suốt, vươn xa tới mọi miền đất nước. Cống hiến của họ xứng đáng được ghi nhận và được tôn vinh.

Nghiệp kéo dây điện

Giữa tiết trời nóng như muốn “rang sống”, đốt cháy tất thảy mọi thứ mà nó đang chiếu rọi xuống. Giữa tiết trời khắc nghiệt đó, hình ảnh những người thợ truyền tải điện hiện lên thật đáng khâm phục. Chúng tôi đến đơn vị Truyền tải điện Hòa Bình (Công ty Truyền tải điện 1) để theo chân những người thợ sửa chữa đường dây 220kV Hòa Bình - Chèm vào một ngày như thế.

Trước khi khởi hành, anh Phan Đông Minh - Phó giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình, Tổng chỉ huy trên công trường nói: “Nhiệt độ ngoài trời hôm nay có khi lên đến 400C đấy, nhà báo có chịu được không?”. Do đã sớm có sự chuẩn bị từ trước nên tôi nhanh chóng đưa ra câu trả lời chắc gọn: “Có!”. Và cuộc trải nghiệm của chúng tôi bắt đầu.

8 giờ 30 phút, chúng tôi đến địa điểm thi công, công việc nhanh chóng được triển khai. Anh Minh khái quát lịch trình: “Để chuẩn bị cho phương án sửa chữa đường dây, chúng tôi phải chuẩn bị trước đó 2 ngày. Ngày thứ nhất chuyển vật tư, thiết bị xuống công trường, ngày thứ 2 lắp đặt tời cối xay và chuẩn bị đầy đủ thiết bị cần thiết nhất. Đến ngày hôm nay mới thi công. Anh em phải dậy trước 4 giờ, sau đó ra nhận lệnh lúc 4 giờ 30 phút, đến 5 giờ 30 phút giao lưới thì bắt đầu làm việc. Anh em sẽ phải làm việc trên cột điện cao hơn 40m và sẽ ở trên đó khoảng 12 tiếng (từ 5 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút) để làm nhiệm vụ đến khi nào xong việc thì anh em mới xuống”.

Thợ đường dây đang kéo tời cối xay

11 giờ 30 phút, bầu không khí như một cái lò nung nhưng anh em công nhân truyền tải điện vẫn miệt mài làm việc. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, đổ xuống ướt đẫm bộ đồng phục màu rêu mà chúng tôi thấy chạnh lòng. Chúng tôi đã không hiểu, không biết để có được dòng điện đến với từng nhà máy, từng xí nghiệp, từng hộ gia đình đã có biết bao giọt mồ hôi như thế chảy xuống.

Lau vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt, bên chiếc cối xay tự chế để đưa dây dẫn lên đỉnh cột điện, anh Trần Hồng Cường - Đội trưởng Đội Đường dây Xuân Mai tếu táo chia sẻ: “Các anh biết không, vất vả nhất chính là công việc tời dây dẫn, nâng hạ dây dẫn. Ở nước mình vẫn còn khó khăn nên phải dùng tời thủ công, cần huy động nhiều người mới đủ sức cho dây leo lên cột được”.

Đó là cái vất vả, cái gian truân của người thợ điện phải đối mặt hằng ngày và có lẽ vì thế, “tiêu chuẩn” đặt ra cho cái nghiệp này cũng vô cùng khắt khe. Một trong những quy định đó là phải “biết bơi”. Theo ông Phạm Lê Phú - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC 1) cho biết: “Do đặc thù nghề vất vả, nặng nhọc, chỉ có nam giới mới theo được và chỉ làm tốt được khi còn trẻ khỏe, nên 100% quân số thợ kéo dây là nam giới. Khi tuyển vào làm công nhân đường dây, ngoài việc phải tốt nghiệp các trường đào tạo về điện thì quan trọng nhất là phải đủ sức khỏe, chiều cao, cân nặng, tuyệt đối không có bệnh tim mạch, huyết áp. Một điều khá đặc biệt là yêu cầu phải biết bơi lội và phải thi để được cấp chứng chỉ bơi lội. Bởi nghề “kéo dây” của chúng tôi thường xuyên phải làm việc tại các địa hình phức tạp, qua sông vượt suối và nhất là lũ quét, mưa bão. Bởi vậy, anh em biết bơi sẽ giảm tỷ lệ tử nạn khi gặp sự cố. Mỗi năm có hai lần công nhân đường dây phải được khám sức khỏe định kỳ, mỗi lần trèo cột điện làm việc phải đo huyết áp kiểm tra sức khỏe ngay tại chân cột. Có thể nói, nghề quản lý vận hành đường dây truyền tải điện ngốn sức và có độ nguy hiểm cao nhất trong các công tác của ngành điện”.

Những điều chưa nói

Công việc của người thợ truyền tải điện vất vả và nguy hiểm là thế nhưng đó vẫn chưa phải tất cả, chuyện ăn cơm trên trời là một ví dụ. Chuyện lạ với đời nhưng lại là chuyện thường với các anh, sự bó hẹp của thời gian không cho phép các anh có bất kỳ một giây, một phút nào thảnh thơi trước khi công việc hoàn tất.

Anh Trần Hồng Cường - Đội trưởng Đội Đường dây Xuân Mai nhớ lại: “Năm 2011, chúng tôi sửa chữa đường dây 220kV nằm trên đèo Thung Khe (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Khi đó, đến được chân cột điện chúng tôi phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ đường núi, sau đó lại tiếp tục trèo lên cột điện cao hơn 40m. Chính vì vậy, muốn tận dụng thời gian, buổi trưa, chúng tôi dùng dây thừng kéo đồ ăn, nước uống lên tận đỉnh cột. Anh em ngồi ăn trên các đỉnh cột như những chú chim sâu, chim sáo. Mọi người phải hú háy, ra hiệu cho nhau bằng đủ cách để đồng thời “nạp năng lượng” thật nhanh, rồi tiếp tục sửa dây để hoàn thành công việc, trả điện sớm cho lưới điện quốc gia”.

Bữa cơm trên “trời” của người thợ điện là như thế nhưng nhiều khi có cơm để ăn cũng chẳng phải chuyện dễ dàng. Anh Minh bảo: Nếu may mắn được sửa chữa khu vực gần dân cư thì việc ăn uống còn thuận lợi chứ ở vùng sâu, vùng xa thì phải kéo theo cả cán bộ chuyên trách việc bếp núc lo chuyện cơm nước cho anh em. Anh dí dỏm bảo: “Cánh kéo dây chúng tôi vẫn nói đùa với anh em là “đầu vào, đầu ra cũng đều ở trên cột điện cả”.

Anh chia sẻ: Người thợ truyền tải điện là người “có số vất” bởi nhiều khi ngày lễ, tết cũng chẳng được nghỉ, vẫn lặng lẽ bên lưới điện, đảm bảo cho đường dây an toàn, ổn định. Khi xảy ra sự cố, các anh lập tức phải lên đường. Vất vả và có phần thiệt thòi, nhưng bù lại, những người thợ đường dây được nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên “lính truyền tải”. Thợ nhưng gọi là “lính” bởi các anh ăn ở, sinh hoạt, làm việc ngay trong lòng dân, thân dân như lính.

Là những người tiên phong của ngành điện, gần gũi với dân nhất nên bà con trên những miền quê mà người thợ kéo dây đi qua đặt cho các anh nhiều biệt danh rất thân thương. Khi phát dọn hành lang tuyến bảo vệ đường dây thì các anh được gọi là “thợ lâm nghiệp”, khi sửa chữa kè, móng cột thì sang tên “thợ xây dựng”, khi làm mương thoát nước thì gọi là “thợ thủy lợi”, sửa chữa đường công vụ vào tuyến thì gọi là “thợ cầu đường”... Trong thời gian đơn vị triển khai công tác tại địa phương, nhiều việc không dính dáng gì đến kỹ thuật chuyên môn, nhưng anh em công nhân vẫn sẵng sàng sắn tay giúp đỡ bà con phát rừng, dọn rẫy. Dù bận thế nào, cuối tuần hay những hôm trời mưa không làm việc trên tuyến được, thì họ lại trở thành những “thầy giáo” với những bài học quy trình an toàn, quy phạm kỹ thuật, chế độ vận hành...

Nghe kể về những “nghề” mà người “lính truyền tải” đang “kiêm nhiệm” càng khiến chúng tôi thán phục các anh hơn. Anh Bùi Minh Khoa, Truyền tải điện Hà Nội bổ sung: “Lính truyền tải” khi cần thiết làm cả tuyên truyền viên để chỉ cho bà con những quy tắc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, an toàn cho người và gia súc. Thường xuyên sống trong dân nên khi cần thiết chúng tôi làm luôn công tác “dân vận” để thuyết phục bà con hỗ trợ đặt máy móc, trang thiết bị trong vườn hay trên chính thửa ruộng mà mọi người đang cày cấy”…

Nghề truyền tải điện gian nan, thử thách, hiểm nguy nhưng ẩn trong những người “thợ kéo dây” là những trái tim yêu đời, lạc quan và đầy trách nhiệm. Họ chính là những kiến trúc sư cho “thành thị rực rỡ đèn hoa, để bản làng chan hòa ánh sáng”.

Công Tiến

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps