Gian nan “cõng điện” ra đảo

07:05 | 27/02/2016

588 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên tinh thần Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1208, những năm qua, một loạt các dự án cấp điện ra đảo đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện. Và theo đánh giá của EVN, đây đều là những dự án phi lợi nhuận, không thể tính đến hiệu quả kinh doanh mà là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng của ngành điện. Chính vì vậy, dù việc đưa điện ra đảo còn nhiều gian nan, vất vả nhưng EVN vẫn sẽ tiếp cuộc hành trình “cõng điện” ra đảo.

Với tinh thần “điện đi trước một bước” và cũng là để nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo của Đảng, Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã đầu tư cấp điện cho 8/12 huyện đảo của Tổ quốc. Đáng chú ý trong đó là các dự án cấp điện ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)… Mới đây nhất, đầu năm 2016, EVN đã tiếp tục triển khai Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang).

Việc EVN đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo cũng như đảm nhận việc cung ứng điện đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu điện khí hóa nông thôn được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Quy hoạch điện VII. Và theo số liệu thống kê của EVN, tính đến hết năm 2015, 100% số huyện đã có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015…

gian nan cong dien ra dao
Kéo cáp ngầm đưa điện ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cả trong và ngoài nước có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến hoạt động của EVN như giai đoạn 2011-2015. Và điều này cũng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó rất lớn ngành điện. Đó không chỉ là vấn đề vốn đầu tư, công nghệ thi công… mà còn là những rủi ro thời tiết có thể gặp phải trong quá trình thi công. Mà nói đến vấn đề thời tiết thì theo ông Nguyễn Trọng Đức, Chỉ huy trưởng công trường thi công cọc móng đường dây 110kV (thuộc liên danh Công ty Cổ phần Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco 1) đưa điện ra đảo Lại Sơn, nếu làm ở đất liền, cái khắc nghiệt của thời tiết có thể khắc phục thì ở trên biển, khi trời mưa, biển động, sóng to, việc thi công là hoàn toàn không thể.

Theo EVN, ngoài điều kiện thi công phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt thì việc vận chuyển vật tư, thiết bị tại các dự án đưa điện ra đảo cũng gặp vô vàn khó khăn và tốn kém. Việc thiết kế, thi công các công trình trên biển phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, địa hình. Ở nhiều dự án đã và đang thi công, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10m ở mép đảo, vách núi dựng đứng.

Khó khăn, thách thức trong việc triển khai các dự án đưa điện ra đảo là vậy nhưng theo ông Phạm Lê Thanh, nguyên Tổng giám đốc EVN thì hiệu quả đầu tư của những dự án này là rất thấp, có khi là vài triệu đồng/tháng và chỉ đủ trả lương cho công nhân. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thanh cho hay, khi đầu tư hệ thống lưới điện ra đảo Phú Quốc, EVN đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng khi đi vào vận hành, số tiền mà EVN thu được hằng tháng chỉ vài triệu đồng, nghĩa là phải 60, 70 năm sau EVN mới thu đủ gốc. Và nếu tính cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa… thì chắc chắn, thời gian thu hồi gốc có khi là cả thế kỷ.

Xung quanh câu chuyện này, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN từng tâm sự rằng, ý nghĩa của các dự án đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo không phải nằm ở hiệu quả kinh tế mà là ý nghĩa xã hội của nó. Có điện lưới quốc gia, người dân tại những khu vực này sẽ có thêm điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học, học được cách làm kinh tế mới để từ đó chuyển đổi mô hình kinh tế… để từ đó vươn lên thay đổi cuộc sống. Bọn trẻ cũng được học hành đầy đủ hơn, không còn phải học dưới ánh sáng leo lắt của đèn dầu hay đỏ lòm của chiếc máy phát điện nhỏ ngoài suối. Khoảng cách phát triển giữa đồng bằng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhờ đó cũng được rút ngắn, an ninh quốc phòng địa phương được củng cố…

Cũng chính bởi ý nghĩa như vậy nên theo ông Thành, trong giai đoạn 2015-2020, theo quyết định các dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công Thương phê duyệt, EVN được giao thực hiện 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo. Trong đó có 21 dự án cấp điện từ lưới quốc gia và 1 dự án cấp điện từ hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp (gió, mặt trời, diesel…) cho đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Tổng mức đầu tư cho các dự này vào khoảng 11.730 tỉ đồng, ngoài 85% vốn do ngân sách Trung ương cấp, EVN sẽ phải tự lo 15%, tương đương khoảng 1.759 tỉ đồng.

Những dự án này khi đi vào hoàn thành sẽ cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào và lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tại các thôn, ấp, xã đảo chưa có điện và chưa được cấp điện chính thức, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị trên địa bàn các tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia khu vực biển đảo.

“Đây là nhiệm vụ lớn đòi hỏi nỗ lực cao của EVN trong bối cảnh tài chính không dư dả” - ông Thành nhấn mạnh.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới số 500