Gian lận trong bảo lãnh ngân hàng và chứng minh năng lực tài chính

10:26 | 04/06/2011

3,411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong giao thương quốc tế, Bảo lãnh ngân hàng (Bank guarantees – BG) và Chứng minh năng lực tài chính (Proof of funds – POF) là những công cụ tài chính phổ biến giúp cho các nhà đầu tư thuận tiện trong giao dịch của mình, nhưng nó cũng luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro.

Gần đây BG và POF giả xuất hiện ngày càng nhiều, vì vậy bản tin của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đưa ra cảnh báo đối với các ngân hàng và các nhà đầu tư tiềm năng.

Bank guarantees

Những kẻ lừa đảo quốc tế thường chào các giao dịch với lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Trong giao dịch này, chúng đòi hỏi phải có “Bank guarantees” (Bảo lãnh ngân hàng) để chúng có thể chiết khấu và bán lại kiếm lời.

Để làm cho giao dịch này hấp dẫn hơn, những kẻ lừa đảo thường đưa ra bảo lãnh do một ngân hàng có uy tín phát hành. Dựa vào bảo lãnh đó cùng với các điều khoản của bảo lãnh, nó được sử dụng như là một “giấy xác nhận” hay “một khoản nợ” của ngân hàng có uy tín. Những chứng từ hợp pháp cùng với giao dịch hứa hẹn thu được lợi nhuận cao như vậy thường đưa nạn nhân vào những cam kết vô điều kiện như không tiết lộ hoặc phá vỡ hợp đồng (nondisclosure or non -circumvention agreements)…

Thời hạn của bảo lãnh thường là “một năm và một ngày” (Due 1 year and 1 day), yêu cầu bảo lãnh theo mẫu của Phòng Thương mại Quốc tế – ICC. Sự thực, ICC đã cảnh báo cho các nhà đầu tư tiềm năng rằng không có những giao dịch như vậy tồn tại.

Proof of Funds

Đã bao giờ bạn cần một Chứng minh năng lực tài chính cho một số tiền nào đó mà bạn không có? Một số ngân hàng hay công ty cho “thuê” tài chính đã làm dịch vụ này bằng cách mở tài khoản đứng tên của khách hàng và gửi tiền vào tài khoản (“cho thuê, cho vay”) trong một thời gian định trước. Sau đó ngân hàng sẽ xác nhận số dư trên tài khoản cho khách hàng. Đó là sự xác nhận về khả năng tài chính của khách hàng để thực hiện một giao dịch nào đó, họ dùng POF để đi vay hoặc tìm kiếm các nguồn vay từ các tổ chức tín dụng. Họ “cam kết” sẽ chuyển tiền về ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nơi phát hành POF và sẽ trả phí hoa hồng từ 2-3% tổng số tiền mà họ vay được khi tiền về tài khoản của họ trong thời hạn 60 ngày. Lợi dụng các dịch vụ đó, bọn lừa đảo đã chào nguồn đầu tư giả yêu cầu có POF, từ đó chúng có thể xác định được đối tượng có tiền để lừa và ngân hàng mà nhà đầu tư đi qua để có được POF. Nếu nhân viên ngân hàng mất cảnh giác phát hành POF trên cơ sở đó, chắc chắn cả ngân hàng và nhà đầu tư sẽ trở thành nạn nhân của chúng.

Việc xác nhận POF vô tình đã tạo ra một sự hậu thuẫn đáng kể từ các ngân hàng danh tiếng cho bọn gian lận dùng làm công cụ lừa đảo, đồng thời cũng ràng buộc ngân hàng vào những rắc rối không dễ thoát ra được và bị mất uy tín nghiêm trọng.

FBI lưu ý các ngân hàng và các nhà đầu tư khi nhận được bất kỳ yêu cầu nào cho POF cần xem xét cẩn thận và hãy tự bảo vệ mình, tránh trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo quốc tế.

(Theo FBI)
Hoàng Thị Thanh Xuân

Giám đốc khối Thanh toán OceanBank