Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp thế nào?
Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, không phải bây giờ Ngân hàng Thế giới mới công bố những báo cáo đưa ra thống kê về chi phí chính thức và không chính thức tại các nền kinh tế. Những số liệu thống kê này lúc đầu cũng vấp phải phản ứng từ các nền kinh tế, nhưng theo thời gian nó dần được nhìn nhận vì cách làm của Ngân hàng Thế giới (WB) là không dựa nhiều vào quy định pháp luật mà dựa vào thực tế, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật.
![]() |
Kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu Hải Phòng |
“Luật có thể quy định 3-5 ngày nhưng trên thực tế khi họ đo lường doanh nghiệp thì đi thực hiện một thủ tục hành chính có thể kéo dài 7-10 ngày, thậm chí cao hơn. Khi đo lường như vậy, có những con số nên ghi nhận và coi đây là một thực tế, có thể không phải phổ biến, không phải chung cho tất cả nền kinh tế nhưng là một vấn đề cần giải quyết” - ông Hiếu đưa quan điểm.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông bày tỏ quan ngại: Chúng ta nên nhìn nhận con số đó một cách khách quan, đúng sai và mức độ chính xác đến đâu không quan trọng, đó là một lời cảnh báo và đứng ở góc độ các cơ quan quản lý cơ chế chính sách cần suy nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn ở chỗ nào một cách tích cực thay vì cố gắng bào chữa số này đúng, số kia sai, số này chưa đúng, chưa chuẩn xác.
Thứ trưởng Đông cho rằng, “cả chi phí chính thức và phi chính thức phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, phải đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, không lảng tránh, vì lợi ích chung và chúng ta công khai hóa. Nêu vấn đề ra rồi, nhưng nếu chúng ta không bàn đến giải pháp, dành đủ thời gian bàn ra giải pháp thì mọi thứ chúng ta cứ nêu ra để đấy”.
Dưới một góc độ khác, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, môi trường có thể thay đổi hành vi. Nếu như chúng có một môi trường tốt, cải cách thể chế, giảm tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh, để cho người tiêu dùng và thị trường là người phán xử thì sẽ tạo nên sức ép cho doanh nghiệp để điều chỉnh hành vi. Nhưng Nhà nước phải thay đổi trước.
Ngoài ra, theo ý kiến chung của các chyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc giảm gánh nặng chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực sản xuất, trụ vững trên đôi chân của mình. Quyền kinh doanh là của tất cả doanh nghiệp và được Nhà nước bảo hộ. Nhưng cơ hội chỉ dành cho ai có năng lực và do thị trường quyết định
Chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà nó ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp bởi chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Đồng thời, chi phí cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, do đó đời sống khó được cải thiện. Ngô Văn Điểm (Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam) |
Hải Phạm