“Giải cứu” nông sản - bài học quản trị ngay từ vạch xuất phát

15:36 | 07/03/2021

144 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Khi sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, công nghiệp chế biến chưa đủ tầm thì "giải cứu" nông sản còn xảy ra. Nếu có tư duy và hành động quản trị ngay từ khi bắt tay vào sản xuất - tiêu thụ thì có thể hạn chế tới mức tối đa thiệt hại, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nông sản ổn định hơn” - Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy chia sẻ xung quanh câu chuyện giải cứu nông sản.
“Giải cứu” nông sản - bài học  quản trị ngay từ vạch xuất phát
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Nhận diện từ Hải Dương

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa qua hàng ngàn tấn nông sản của bà con nông dân Hải Dương đã phải kêu gọi giải cứu. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã khá quen với câu chuyện "giải cứu" nông sản. Nhưng nếu như những năm trước, việc "giải cứu" phần lớn chỉ xảy ra đối với 1 - 2 loại nông sản, thì năm nay tại Hải Dương, chúng ta phải hỗ trợ tiêu thụ hàng chục loại rau, củ, quả khác nhau với khối lượng rất lớn. Việc "giải cứu" nông sản ở Hải Dương không phải “cung vượt cầu” mà nguyên nhân chính là khâu lưu thông hàng hóa.

Sở dĩ phải giải cứu nông sản ở Hải Dương là bởi địa phương này chưa tạo được vùng “đệm” hàng hóa từ vùng có dịch sang vùng chưa có dịch, chưa tạo được hành lang vận chuyển do phụ thuộc quá nhiều vào việc lưu thông nông sản qua Quốc lộ 5. Trong khi đó, hệ thống đường thủy nội địa lại chưa được khai thác ở mức hợp lý.

“Giải cứu” nông sản - bài học  quản trị ngay từ vạch xuất phát
Người dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thu hoạch củ cải.

Thêm vào đó, khu vực bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc các huyện Cẩm Giàng, TP Chí Linh (phía Đông Quốc lộ 5) đã bị mất kết nối với phía Tây của tỉnh. Do đó khi Hải Phòng kiểm soát giao thông để phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, khâu thu mua, vận chuyển nông sản của Hải Dương cũng bị ngưng trệ.

Thời gian qua, nông sản tại một số vùng chuyên canh rau màu của Hà Nội như tại huyện Mê Linh, quận Bắc Từ Liêm cũng bị ùn ứ. Dù vậy, thành phố không hề gặp khó khăn trong việc lưu thông?

- Khác với Hải Dương, nông sản của Hà Nội buộc phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ thời gian qua có liên quan đến quan hệ cung - cầu nhiều hơn. Vì sao? Vì người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đã mua nhiều nông sản giải cứu của Hải Dương khiến sức mua bị bão hòa. Khi Hải Dương bị dịch, bị ùn ứ nông sản. Tuyến Quốc lộ 5 bị chốt chặn. Lẽ ra Hà Nội cần phản ứng nhanh trong việc thu hoạch, dựng điểm bán hàng ở các khu vực chợ dân sinh, khu đô thị tập trung dân cư đông; phát động "giải cứu", thậm chí là khuyến khích người Hà Nội tiêu dùng nông sản Hà Nội… Nếu làm được điều đó, chắc chắn sẽ tăng được sức mua và giảm được khối lượng nông sản cần "giải cứu".

Câu chuyện Hà Nội hỗ trợ "giải cứu" nông sản cho bà con nông dân Hải Dương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu Hà Nội lường trước được vấn đề, có kịch bản đẩy nhanh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối thì sẽ tốt hơn nhiều. Đây có thể xem là bài học về quản trị sản xuất, kinh doanh ngay từ vạch xuất phát.

Hệ quả của sự “đối lập tư duy”

Có ý kiến cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc phải "giải cứu" nông sản sẽ chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Ông đánh giá sao về nhận định này?

- Cá nhân tôi cũng có chung nhận định rằng việc giải cứu nông sản chưa thể ngay lập tức được khắc chế; bởi phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghiệp chế biến nông sản chưa đủ tầm và hệ thống phân phối hàng hóa chưa có sự kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tư duy còn rất trì trệ. Nông dân thì tư duy theo mùa vụ, chạy theo số lượng, trong khi DN thì tư duy theo thương vụ. Ai cũng nắm lấy một công đoạn của sản xuất, lưu thông để giành phần lãi lớn hơn cho riêng mình. Hay nói cách khác: Nông dân và DN chưa phải là “cặp đũa” có đôi.

Việc thiếu liên kết cũng là yếu tố khiến việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân gặp nhiều trắc trở khi nguồn cung dư thừa, thưa ông?

- Phải thừa nhận rằng hiện nay liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản của chúng ta chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. DN và người sản xuất vẫn chưa thể gặp nhau. Thực tế, các DN hiện nay vẫn có “tư duy thương vụ”, trong khi người nông dân thì có “tư duy mùa vụ”. Nếu hai tư duy này không gặp nhau thì câu chuyện "giải cứu" nông sản vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn.

Phải làm gì để có thể hạn chế thấp nhất việc cần phải "giải cứu" nông sản, thưa ông?

- Trong đợt “giải cứu" nông sản vừa qua, tôi đánh giá vai trò của các hiệp hội ngành hàng và hệ thống liên minh hợp tác xã là chưa thực sự rõ ràng. Các đơn vị này cần có mối liên kết tốt hơn với các kênh phân phối để có thể phát huy vai trò ở những thời điểm nông sản gặp khó trong tiêu thụ.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần ngồi lại cùng nhau, rà soát và bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Điều gì đã cũ, không còn phù hợp thì loại bỏ; thậm chí phải tham mưu cho Chính phủ có “định chế” mới, phù hợp với hoàn cảnh mới và kịch bản dịch Covid-19 kéo dài để bảo đảm vận hành thống nhất giữa các tổ chức kinh tế, các bộ ngành và địa phương, hỗ trợ việc lưu thông, tiêu thụ nông sản thông suốt và kịp thời trong mọi tình huống.

Một điểm cần lưu ý khác là dịch Covid-19 còn kéo dài, với những diễn biến khó dự báo. Vậy nên, việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường. Trong đó, đặc biệt coi trọng trục nông sản tiêu dùng nội địa, sức mua nội địa. Điều này không mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Bài toán thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Từ câu chuyện “giải cứu nông sản”, theo ông, đâu là yếu tố cần quan tâm nhất?

- Có 3 yếu tố quan trọng: Một là dự tính, dự báo về dịch Covid-19 cũng như thiên tai, địch họa phải kịp thời, sát với thực tế. Hai là, tăng năng lực của ngành công nghiệp bảo quản, chế biến. Ba là, cần có chương trình Quốc gia về sản xuất, tiêu dùng “xanh”, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm là số 1. Thị hiếu tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường phức tạp hiện nay. Những nông sản an toàn cho sức khỏe sẽ là lựa chọn số 1 của người tiêu dùng.

Cùng với sản xuất an toàn, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản, thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với vấn đề này, vai trò của Nhà nước là như thế nào, thưa ông?

- Từ câu chuyện giải cứu nông sản ở Hải Dương, tôi cho rằng Chính phủ cần có “định chế” cụ thể về lưu thông hàng hóa. Định chế này cần chú trọng đến liên kết ngang và liên kết dọc, gắn với trách nhiệm của bốn bộ trực tiếp. Cụ thể, Bộ NN&PTNT về chất lượng nông sản; Bộ Công Thương về logistics như kho tàng, bến bãi, công nghệ bảo quản, thu hoạch, chế biến… Bộ GTVT về lưu thông; Bộ Y tế về sức khỏe của người tham gia trung chuyển hàng hóa. Đừng chỉ nói chung chung là không được phép “ngăn sông cấm chợ”, bởi điều này sẽ “làm khó” cho các bên có liên quan trực tiếp trong quá trình thực hiện.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm về vai trò của Tham tán Thương mại trong việc thông tin thị trường về nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa hai chiều của Việt Nam với các quốc gia. Đây chính là căn cứ để xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp, của DN xuất khẩu và các địa phương. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021.

Xin cảm ơn ông!

"Tăng trưởng ngành nông nghiệp có 3 trụ cột: Đầu tư công - Tiêu dùng - Xuất khẩu. Nếu chỉ chăm chăm vào mở rộng sản xuất hàng hóa xuất khẩu mà không tính đến việc quản trị ngay từ điểm xuất phát, gặp khi thiên tai, dịch bệnh cùng với buông lơi xây dựng hệ thống phân phối nông sản ở trong nước thì "giải cứu" nông sản vẫn sẽ tái diễn." - Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Theo Kinh tế & Đô thị