Giấc mơ… phim trường

10:56 | 20/11/2012

2,390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai cũng biết vai trò của phim trường đối với một nền công nghiệp điện ảnh, nhất là trong bối cảnh “nhà nhà làm phim, người người làm phim” như hiện nay.Thế nhưng, điện ảnh Việt Nam, dù đã trải qua gần 60 năm phát triển, vẫn chưa thể có được một hệ thống trường quay tươm tất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm điện ảnh nước nhà ít được đánh giá cao trên trường quốc tế!

Trông người mà nghĩ đến ta

Chẳng nói đâu xa, chỉ vài nước quanh khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… ít nhất mỗi nước cũng có vài ba phim trường tầm cỡ quốc tế. Trung Quốc có phim trường Thượng Hải, Hoàng Điếm, Vô Tích; Hàn Quốc có Công viên điện ảnh Busan, trường quay Suncheon… mà nổi tiếng nhất là trường quay liên hợp Namyangju - một trong hệ thống phim trường lớn nhất châu Á.

Nhật Bản thì có công viên phim trường Kyoto (Toei Uzumasa Eiga Mura), đặc biệt là Universal studio Japan - nơi thực hiện những cảnh quay kỹ xảo điện ảnh hàng đầu châu Á… Với việc chú ý xây dựng hệ thống trường quay mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc để kết hợp giữa phục vụ điện ảnh và phát triển du lịch, các trường quay của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản không chỉ hoành tráng, hiện đại, thu hút đông đảo các đoàn làm phim mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Phim trường Cổ Loa đã xuống cấp nghiêm trọng và vẫn bị bỏ hoang

Người viết bài này từng có dịp đến thăm phim trường Vô Tích của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Đây là một quần thể “phim trường trong phim trường” rộng lớn với một phim trường trung tâm và 10 phim trường phụ được xây dựng theo các chuyên đề khác nhau, miêu tả đầy đủ, chân thực cuộc sống sinh hoạt của người dân, cảnh quan không gian mang đặc trưng của từng triều đại, từng thời kỳ lịch sử” đời Hán thì có cung điện Ngô Vương, Hán đỉnh, Tào doanh, Thủy trại; đời Đường có Đường Thành, Ngự hoa viên, hồ Thanh Hoa; đời Tống có chùa Đại tướng quốc, Thủy hử thành, Thủy trại Lương Sơn Bạc… Đây là bối cảnh của các bộ phim nổi tiếng như: “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Đường Minh Hoàng”, “Dương Quý Phi”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Địch Nhân Kiệt”, “Anh hùng xạ điêu”... Mỗi năm, phim trường Vô Tích đón cả trăm đoàn phim đến đây dựng cảnh, quay phim, đồng thời cũng đón từ 20.000-30.000 khách du lịch mỗi ngày.

Ở Hàn Quốc, số lượng các trường quay mà du khách muốn đến tận mắt chiêm ngưỡng ngày một nhiều. Thậm chí Hiệp hội Du lịch Hàn Quốc còn lập hẳn một website để du khách có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về những phim trường trong các tác phẩm nổi tiếng như “Nàng De-chang-Gưm”, “Bản tình ca mùa đông”, “Hương mùa hè”, “Chuyện tình Paris”, “Cô nàng ngổ ngáo”… Nhìn phim trường Hàn Quốc mới hiểu tạo sao người Hàn Quốc làm được những bộ phim nhanh và hay đến như vậy. Hầu hết chúng đều được đầu tư xây dựng rất bài bản, liên hợp một cách có hệ thống, theo mô hình các công viên điện ảnh có chủ điểm, bằng các vật liệu bền vững, ở những thung lũng rộng lớn, khá xa xôi và vắng vẻ để có thể bảo tồn và sử dụng lâu dài và phù hợp với việc quay phim lồng tiếng trực tiếp.

Có thể nói, điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển vượt bậc và có trọng lượng chính là nhờ vào sự đầu tư quy mô và nghiêm túc để xây dựng trường quay.

Ngậm ngùi giấc mơ

Ở Việt Nam, cả giới làm phim điện ảnh và truyền hình lúc nào cũng trong cảnh “đói trường quay” dù chỉ là một trường quay nhỏ. Cả nước mới chỉ có một phim trường Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là do Nhà nước đầu tư xây dựng từ hơn 30 năm trước đã bị hoang phế nhiều năm. Năm 2008, Bộ VH-TT&DL đầu tư 5 triệu USD (tương đương 108 tỉ đồng) từ nguồn kinh phí Nhà nước để phục hồi và nâng cấp trường quay này. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm tiến hành cải tạo, đến nay trường quay Cổ Loa vẫn còn ngổn ngang, dang dở và chưa chính thức đi vào hoạt động.

Mấy năm trở lại đây, một số công ty, hãng phim tư nhân đua nhau đổ xô vào đầu tư xây dựng phim trường như Công ty Trí Việt, Công ty BHD, Hãng phim Chánh Phương, phim trường Hãng Vision 21… đều đã có phim trường đang hoạt động. Các phim trường này tập trung hầu hết ở phía Nam. Còn ở phía Bắc, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) cũng liên kết với một công ty tư nhân xây dựng phim trường ở Hưng Yên với 10 phòng quay để thay đổi cảnh. Tuy nhiên, những phim trường này quy mô mới chỉ ở mức một trường quay mini nhỏ hẹp, chủ yếu tập trung vào bối cảnh nội, phát triển manh mún mà không có sự liên kết.

Cổng vào phim trường Vô Tích của Trung Quốc

Thay vì bối cảnh được xây dựng cố định, được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn làm phim cùng sử dụng thì trường quay của ta chỉ được dựng tạm bợ bằng gạch mỏng, tre, gỗ ván ép hay xốp mút, quay xong phim nào thì phá bỏ. Việc đầu tư cho các dàn đèn, cách âm, điều hòa nhiệt độ trong nhiều phim trường chưa được đồng bộ, thậm chí chắp vá… Vì thế, ngay cả khi quay tại các trường quay này, các nhà làm phim cũng rất vất vả trong việc tìm bối cảnh, thay đổi bối cảnh, tìm kiếm đạo cụ, phục trang cho phim.

Đặc biệt, với những bộ phim lịch sử, cổ trang, việc tìm bối cảnh là nỗi khổ lớn của dân trong nghề. Bởi bối cảnh cho phim lịch sử không chỉ yêu cầu đẹp mà còn phải đúng. Chính vì thế mới có chuyện cười ra nước mắt khi một số phim chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long như “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” dù đã phải tốn tiền tấn để thuê phim trường Hoành Điếm ở Trung Quốc nhưng khi mang về Việt Nam lại bị lên án gay gắt vì có quá nhiều yếu tố… Trung Hoa, thậm chí có phim đến giờ vẫn không được công chiếu vì lý do này.

Lại cũng có chuyện dở khóc dở cười khác khi các di tích lịch sử văn hóa trong nước bị tận dụng tối đa cho việc làm phim lịch sử như đình, chùa, cung điện Huế. Một số đoàn làm phim đã bị dư luận “ném đá” tơi bời vì “dám” xúc phạm chốn tôn nghiêm, tự ý dọn dẹp nơi thờ tự các vua chúa, Thánh, Phật để làm trường quay. Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng cho biết: “Hiện nay chúng ta đang rơi vào tình trạng không có cái để quay và không tiết giảm được chi phí. Việc có một trường quay là nhu cầu cực kỳ bức thiết trong tương lai gần”.

Sau gần 60 năm phát triển nền điện ảnh, cho đến nay sự chắp vá, manh mún, thiếu thốn trăm bề về bối cảnh, trường quay vẫn là một thực trạng đáng buồn của điện ảnh Việt. Nhiều người đổ lỗi do ta thiếu kinh phí. Nhưng sẽ phải lý giải thế nào với những khoản kinh phí lên tới hàng triệu đô cho một bộ phim chỉ để đi thuê trường quay ở nước ngoài!?? Từ thực trạng thiếu thốn trường quay mà nhiều bộ phim có ý tưởng hay nhưng vì kinh phí hạn hẹp, không đủ tiền để dàn dựng bối cảnh công phu, đáp ứng yêu cầu kịch bản nên phải cắt đầu, cúp đuôi. Vì thế mà các sản phẩm phim Việt của ta dù có kịch bản hay, đạo diễn, diễn viên tài ba thì vẫn ít được đánh giá cao trên trường quốc tế.

Vẫn biết rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng mỗi khi nhìn về sự phát triển của điện ảnh nước bạn, các nhà làm phim Việt vẫn không tránh khỏi sự ngậm ngùi. Ước mơ về một trường quay đa năng, hiện đại, chuyên nghiệp với đủ các không gian bối cảnh vẫn là một ước mơ xa vời đối với điện ảnh Việt.

Lê Thái An