Giá trị đích thực trong tín ngưỡng chầu văn

06:16 | 28/10/2013

4,218 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói đến hát văn, hầu đồng, người ta thường nghĩ đến mê tín dị đoan. “Lên đồng”, nhập đồng, gọi hồn… là nghi lễ tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Tại Liên hoan nghi lễ chầu văn vừa mới diễn ra, ngoài mục đích kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể, ban tổ chức còn có mục tiêu định hướng cho hình thức trình diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh này. Để làm sao bảo tồn, phát huy giá trị chầu văn trong đời sống đương đại khi hồ sơ nghi lễ này sẽ được trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Năng lượng Mới số 265

Cần hiểu đúng bản chất

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Dân gian, Đạo Mẫu và tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, đã từng tồn tại trong thời kỳ lịch sử lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nhất là từ thế kỷ XV-XIX vẫn tiềm ẩn và có chiều hướng phát triển trong xã hội hiện nay.

Trong nhận thức của giới nghiên cứu, việc nhận thức về Đạo Mẫu và chầu văn cũng có nhiều thay đổi, điều đó cũng góp phần làm thay đổi nhận thức về Đạo Mẫu. Không ít người đặt câu hỏi Đạo Mẫu và chầu văn có điều gì là văn hóa, mang yếu tố tích cực, cái gì là tiêu cực, mê tín, không phù hợp với nhận thức và lối sống của con người xã hội hiện đại?

Về thực chất, đây là đức tín của quần chúng nhân dân không chỉ bó hẹp trong tầng lớp nông dân và địa bàn nông thôn mà còn ở các giai tầng khác tin vào sự linh thiêng, phù hộ độ trì của Thánh Mẫu đối với con người. Sự khác biệt cơ bản giữa Đạo Mẫu với các tín ngưỡng khác ở chỗ nó không hướng về “đời sống” bên kia sau cái chết, mà là đời sống thực tại với ước vọng về sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đó là ước vọng mang đầy tính huyền bí và hấp dẫn với tất cả mọi người ở mọi thời đại.

Nghi lễ chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn với hầu đồng của tín ngưỡng Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần

Theo các nhà nghiên cứu, Đạo Mẫu chứa đựng những giá trị lịch sử truyền thống, đạo đức, văn hóa sâu sắc. Đó là tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, “hướng về cội nguồn”, tôn vinh những người có công với dân với nước. Có thể nói rằng, với xu hướng “lịch sử hóa”, “địa phương hóa”, Đạo Mẫu đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, mà trong đó người Mẹ - Mẫu là nhân vật trung tâm. Đó chính là giá trị nhân bản, giá trị đạo đức và truyền thống Việt Nam.

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long cho rằng, việc thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ không chỉ là một tín ngưỡng mà còn là văn hóa. Đó là văn hóa nghệ thuật truyền thống rất phong phú, với truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, văn hóa truyền miệng, đặc biệt là diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa…

Chỉ riêng nghi lễ lên đồng (chầu đồng) của tục thờ Thánh Mẫu đã sinh ra hát văn, là một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong không nhiều các loại hình ca nhạc tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới. Hát Chầu văn, còn gọi là hát Văn, có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ, với thời kỳ thịnh vượng nhất là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh. Trong Hầu đồng (hay Lên đồng, Hầu bóng) Hát văn và múa thiêng không tách khỏi những hành động của các ông Đồng, hay bà Đồng trong nghi lễ nhập hồn. Và gần như thành lề luật, mỗi giá đồng (tức từ khi một vị Thánh nào đó nhập hồn và xuất hồn) có những bài văn chầu được hát theo làn điệu nhất định, có âm nhạc kèm theo. Diễn xướng Hầu đồng phải thực hiện trước các bàn thờ Tứ phủ với tượng Thánh, đồ thờ cúng, các lễ vật được trang trí với màu sắc rực rỡ phù hợp với các đền, phủ.

Hát văn - Lên đồng không chỉ là sinh hoạt cộng đồng thuần túy, mà là sinh hoạt mang tính chất tín ngưỡng - văn hóa cộng đồng. Đây là nghi lễ chính, nghi lễ tiêu biểu của tục thờ Thánh mẫu Tam phủ - Tứ phủ.

Không phải là mê tín dị đoan

Tín ngưỡng lên đồng cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ, đó là hiện tượng người ta lợi dụng vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa của tôn giáo tín ngưỡng. Điều có thể thấy hiện nay là không ít người núp bóng tín ngưỡng dân gian này để trục lợi, buôn thần bán thánh. Những người đó lợi dụng lòng tin, cầu chúc bất thiện, gieo rắc mê tín… để xã hội và mọi người có những đánh giá sai lệch về những giá trị tốt đẹp của Đạo Mẫu.

Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là hướng thiện, trừ ác. Họ tổ chức những giá hầu đồng lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí có giá hầu tới vài trăm triệu… Chính vì lợi nhuận cao như vậy, mà ngoài những thanh đồng đạo quan chân chính, ngày càng xuất hiện nhiều người lợi dụng bóng Thánh để thỏa mãn bản ngã tham, sân, si của mình, trở thành “đồng đua”, “đồng đú”, “đồng bóng” mọc lên nhiều như cỏ… Nhiều người khi ra hầu Thánh nhưng không được như mong muốn đã quay ra trách móc ngược Phật Thánh: hầu như thế mà chẳng thấy được lộc đâu, hầu như thế mà không thăng quan tiến chức. Tất cả những điều này hiện đang tạo nên một bức tranh phản diện rất ảm đạm về Đạo Mẫu.

Nguyên nhân là do hiện nay hiểu biết chung của một số thanh đồng về sứ mệnh của mình còn rất mù mờ, có sự lệch lạc trong quá trình tu hành. Không giống như đạo Phật có hệ thống kinh sách rất phong phú.

Có thể khẳng định rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ là sản phẩm tinh thần của xã hội Việt Nam truyền thống. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến những mong ước đời thường (Phúc, Lộc, Thọ). Nhà nước và cộng đồng cần phải nhận thức đúng, đồng thời bảo vệ và phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Đã đến lúc các cơ quan quảnlý cần quan tâm, hỗ trợ và tham gia tự quản để cho tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Chầu văn (hầu đồng) hoạt động theo lệ tục người xưa truyền lại, đồng thời vận dụng cho phù hợp trong đời sống đương đại.

Thanh Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.