Giá có phải là điểm nghẽn trong việc hút vốn đầu tư cho ngành điện?

19:58 | 09/04/2022

856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn cho ngành điện", các chuyên gia cho biết với nhu cầu điện tăng mạnh, chúng ta cần vốn bình quân đầu tư giai đoạn 2021-2030 vào khoảng là 14 tỷ USD/năm. Nhưng để thu hút được số vốn trên thì giá điện có phải là vướng mắc lớn nhất?

Giá điện của một quốc gia chính là yếu tố quyết định đến việc nhà đầu tư trong và ngoài dám bỏ ra tiền đầu tư vào ngành điện. Đơn cử như hai lần Chính phủ Việt Nam phê duyệt giá điện fix đối với điện gió và điện mặt trời thì cả hai lần Việt Nam đã thu hút hàng chục tỉ USD tiền đầu tư, hàng loạt dự án mọc lên trên khắp cả nước.

Giá có phải là điểm nghẽn trong việc hút vốn đầu tư cho ngành điện?
Ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group

Là một trong những nhà đầu tư tư nhân hàng đầu về đầu tư NLTT, ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, họ cũng gặp những khó khăn nhất định khi huy động vốn. Theo ông Lê Như Phước An, nguồn vốn trong nước chi phí cao, quy mô thắt chặt, giới hạn. Do đó, phải tìm đến nguồn vốn nước ngoài. Để nhà đầu tư chấp nhận “rót” vốn thì thị trường phải đủ hấp dẫn, ít rủi ro, sinh lời cao.

Thực trạng, thị trường điện Việt Nam đã đủ hấp dẫn, những yếu tố về tính “ít rủi ro và sinh lời cao” đang khiến nhiều nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi đầu tư.

“Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng chính sách rõ ràng và có thể dự báo được, thì họ mới quản lý được dòng vốn của mình khi đầu tư vào” - ông Phước An nhấn mạnh.

Lãnh đạo Trung Nam Group cho rằng, thời gian vừa qua chính sách về phát triển điện lực chưa được ổn định, bao gồm: Quy định giữa các Luật, quy hoạch, chính sách giá. Tiếp đến là cơ chế giá. Theo dự thảo mới nhất thì có những điểm bất lợi cho nhà đầu tư. Ở chỗ, giá điện tính bằng VNĐ, trong khi nguồn vốn tính bằng USD. Điều này tạo điểm vênh, khó cân đối.

Chưa kể, theo quy định mới, thời hạn của các hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng từ nay đến hết năm 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định mới. “Nhà đầu tư nhận định rủi ro đẩy về phía họ. Là yếu tố khó thu hút các nguồn vốn”.

Điểm nghẽn ở hợp đồng mua bán điện (PPA) cũng là những bất lợi thu hút vốn được đại diện Trung Nam Group nhắc đến. Theo ông An, hiện EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng hoặc dừng phát điện của nhà máy trong một thời điểm - thời gian bất kỳ. Đây là e ngại lớn nhất của giới đầu tư.

“Quan điểm của giới tài chính quốc tế, thì PPA Việt Nam nên được tham chiếu bằng góc nhìn so sánh và vận dụng của các thị trường tương tự để đạt được các điều kiện về biện pháp quản lý và phân bổ rủi ro cho cả bên bán và bên mua”. Ông Phước An nhấn mạnh: "Rủi ro cao thì lãi suất vay cao (chi phí vốn cao), sẽ tạo hiệu quả đầu tư thấp, hoặc khi đàm phán giá điện bị tăng lên".

Một điểm nữa, theo ông An liên quan đến cơ cấu nợ. Ngân hàng nhà nước quy định không được vay vốn nước ngoài trả nợ trong nước. Như vậy, sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư khi ban đầu dự án phải vay vốn trong nước lãi cao, nhưng lại không thể huy động vốn từ nước ngoài giá rẻ hơn.

Giá có phải là điểm nghẽn trong việc hút vốn đầu tư cho ngành điện?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia kinh tế năng lượng.

Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc thì đối với các nhà đầu tư tư nhân hay nhà nước, thì chắc chắn rằng để thu hút đầu tư, phải tính đến khía cạnh lợi ích. “Không có chuyện vốn nhà nước bỏ ra mà không tính lợi ích. Còn với nhà đầu tư tư nhân thì cái họ quan tâm là lợi nhuận bao nhiêu.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, vai trò của giá điện là trọng tâm nhất trong việc thu hút vốn đầu tư. Còn khó khăn vướng mắc ở nhà máy này, nhà máy kia chỉ là vấn đề kỹ thuật”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói và cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương cần tính toán điều chỉnh giá kịp thời và phù hợp.

Dẫn chứng về cơ chế biểu giá bán lẻ điện theo Quyết định 28 từ năm 2014 chưa điều chỉnh; Tương tự là quy định về giờ cao - thấp điểm duy trì từ năm 2011; Cùng với việc giá bán lẻ điện bình quân 3 năm duy trì cùng một mức kể từ năm 2019, PGS.TS Bùi Xuân Hồi khẳng định, không còn hiệu quả thu hút đầu tư vào ngành điện trong thời điểm giá đầu vào luôn biến động tăng, nhưng lại giữ nguyên giá “đầu ra” nhiều năm.

Ông Hồi còn khẳng định: "Sẽ rất khó để đảm bảo an ninh năng lượng điện!".

Ở đây, cần phải nói rõ "giá điện" được các chuyên gia, doanh nhân nhắc đến trong Hội thảo "Khơi thông nguồn vốn cho ngành điện" là giá bán điện cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay Việt Nam là đất nước có hệ thống tính giá điện và giá bán điện phức tạp bậc nhất trên thế giới. Đơn cử như bên cạnh việc tính toán giá thành làm ra 1 MW điện gồm thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió... rồi cộng với "chi phí" truyền tải điện sẽ tạo ra tổng thể giá thành làm ra điện thương phẩm cung ứng cho toàn bộ hệ thống điện.

Rồi để có giá điện bán cho người dân, doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại phải tính toán làm sao huy động điện (hay nói cách khác là mua điện) với giá rẻ nhất từ các đơn vị sản xuất điện. Cuối cùng là ra giá bán điện cho từng hộ dân, doanh nghiệp trong đó tính tiếp cả giờ cao điểm, thấp điểm...

Cuối cùng và quan trọng nhất là phương án tính toán giá điện là do Nhà nước quyết định với chủ trương có giá điện rẻ nhất cho người dân.

Nhiều người cho rằng tại sao phải phức tạp hóa vấn đề tính giá điện như vậy, sao không ngay lập tức mở ra cho doanh nghiệp cạnh tranh giá, cứ giá thấp là mua rồi phát cho dân là xong để không bị mang tiếng là "độc quyền". Xin thưa nếu làm như vậy thì với tình trạng khủng hoảng năng lượng như hiện nay, giá điện không phải 2-3 ngàn đồng/kwh điện mà có thể lên đến 6-7 ngàn đồng như Singapo, hay 20-30 ngàn đồng như giá điện của Đức.

Có thể thấy rằng, việc thu hút đầu tư vào ngành điện vẫn là vấn đề giá điện bao nhiêu, và đưa ra giá điện đối với loại điện như thế nào (ưu tiên điện giớ, mặt trời, hạn chế điện than do phát thải khí nhà kính) để thu hút đầu tư chứ không phải là thay đổi cơ chế điều chỉnh giá điện. Đúng như ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN định nghĩa: Giá điện là giá mà xã hội, nền kinh tế của đất nước có thể "chịu đựng" được.

Thành Công

EVN cam kết cung ứng đủ điện, không tăng giá trong năm 2022 dù lợi nhuận bằng không EVN cam kết cung ứng đủ điện, không tăng giá trong năm 2022 dù lợi nhuận bằng không
EVN chủ động ứng phó trước khả năng thiếu điện tại miền Bắc EVN chủ động ứng phó trước khả năng thiếu điện tại miền Bắc
Cần 30 tỉ USD đầu tư cho ngành điện Cần 30 tỉ USD đầu tư cho ngành điện
Thủy điện thuận lợi, EVN báo lãi Thủy điện thuận lợi, EVN báo lãi