Gặp ông giám đốc nuôi heo

07:00 | 25/12/2013

8,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khó mà tin được rằng, Thượng tá Nguyễn Đại Thắng, nguyên Giám đốc Công ty Thăng Long (Bộ Tư lệnh Thủ đô) sau khi về hưu lại đi chăn nuôi gà, lợn. Bởi tôi đã biết trước đây anh chuyên kinh doanh hàng cơ khí, máy móc, vật liệu xây dựng và cho thuê văn phòng. Thế mà bây giờ, anh tạm xa thành phố, lên đất Sóc Sơn để mở trại chăn nuôi; suốt ngày đam mê với gà, lợn. Dễ đến dăm năm không gặp nhau, mới đây anh bất ngờ đến đón tôi đi thăm cơ ngơi chuồng trại ấy.

Từ doanh nhân trở thành nông dân

Từ mấy chục năm nay, lập trang trại ở ngoại ô trở thành mốt của những người giàu có ở thành phố nhưng anh Thắng làm trang trại thì chẳng giống ai. Bán ngôi nhà mặt tiền ở phố lớn tại Hà Nội, chấp nhận vào ở ngõ sâu hơn, anh dư ra được số tiền đủ mua 1,2ha đất ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn làm trang trại. Bạn bè, vợ con anh đều phản đối cái ý định có vẻ dở hơi ấy của anh. Người phản đối mạnh nhất là bà cụ thân sinh ra anh. Từ quê lúa ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, bà đã nhiều lần gọi điện lên mắng: “Chẳng ai hâm như anh đâu nhá, đã là thượng tá, giám đốc rồi, nghỉ hưu lại đi nuôi lợn. Đúng là phú quý giật lùi!”. Nhưng dường như cái “máu lính” và sự quyết đoán vốn có khiến anh không chịu lùi bước. Anh vẫn làm. Anh còn nửa đùa nửa thật nói với cụ: “Mẹ yên tâm, con sẽ thành công nhờ nuôi lợn hơn cả thời làm giám đốc ấy chứ!”.

Anh Thắng đang giới thiệu chất liệu nền chuồng

Một số người nghĩ anh “hâm” thật! Từ lúc mở trang trại, hình ảnh anh thượng tá, giám đốc doanh nghiệp lịch lãm ngày nào bỗng dưng… biến mất! Anh tất bật lên Sóc Sơn chỉ đạo xây chuồng, mua lợn, mua gà giống. Chiếc xe con của anh nhiều hôm ám mùi gà, lợn. Trên giá sách của anh, bên cạnh những cuốn tiểu thuyết và cẩm nang kinh doanh, bây giờ có thêm mấy cuốn sách về kỹ thuật chăn nuôi. Không chỉ thế, anh còn ngược xuôi vào Nam ra Bắc, tham quan khá nhiều trang trại. Một năm, anh còn có dăm lần xuất ngoại, sang cả Trung Quốc, Thái Lan xem cách nuôi lợn của xứ người. Mấy lần vợ anh đã tỏ ý khó chịu và phàn nàn: “Người ta đi nước ngoài du lịch, ăn chơi, còn ông thì lại đi xem các chuồng lợn! Đúng là trời đày ông!”.

Tôi lại chợt nhớ ra rằng, sự im hơi lặng tiếng lâu nay của anh là bởi lý do ấy.

Chuồng trại mà không có mùi hôi

Cũng là một sự lạ. Nếu không đến tận nơi, sờ tận tay thì không thể tin được rằng, ngay trong chuồng lợn mà không hề có mùi hôi khó chịu như thường gặp. Vào đến cổng trang trại, xe phải lội qua một vũng nước có chất khử trùng. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi được anh dẫn vào các dãy chuồng nuôi. Hàng trăm con lợn được phân thành từng loại trong từng ô chuồng. Nền chuồng không láng xi măng mà lót bằng đất và mùn cưa, rất xốp. Giữa ngày hè mà không hề nóng nực. Anh nhảy vào một ô chuồng và bảo tôi vào cùng. Tôi còn đang do dự thì anh giục:

- Ông cứ vào đây, không sợ bẩn đâu!

 Đang giày dép, áo quần tươm tất mà lại vào chuồng lợn, nghĩ cũng ngại thật. Nhưng thấy anh nhiệt tình quá, tôi đành tặc lưỡi:

- Ừ thì vào xem!

 Anh Thắng ngồi xuống, tay vốc một nắm đất nền chuồng đưa lên cho chúng tôi xem rồi lại bảo:

- Anh bốc một nắm lên ngửi đi, rất sạch, không hôi đâu!

Đúng thật! Đất nền chuồng không hôi mà lại còn phảng phất mùi dễ chịu như thính mà những người cất vó tôm hay dùng. Chúng tôi sục bàn tay xuống nền đất thì thấy nhiệt độ chừng 300C. Đoạn, anh Thắng cười rất tươi và nói:

- Tôi cam đoan đây là chuồng lợn sạch nhất Việt Nam đấy!

Chúng tôi đứng dậy ngắm nghía quanh ô chuồng vẻ tò mò và muốn khám phá cái bí quyết đó: đã không lát bê tông như chuồng trại thông thường xưa nay, lại còn không có hệ thống nước rửa hay cống rãnh thoát nước tiểu và phân. Thế mà mấy trăm con lợn như thế này lại không hề có mùi gì khó chịu? Cũng không thấy bóng một con ruồi, con nhặng. Thế thì phân lợn, nước tiểu của lợn sẽ tiêu đi đâu? Rồi ở khu chuồng bên cạnh đó là khoảng một vạn con gà Ai Cập. Giống gà có bộ lông sặc sỡ, rất đẹp mắt, nom như gà cảnh để chơi. Tiếng gà gáy, gà kêu, chạy nhảy ồn ã, sao cũng không hề thấy mùi hôi như ở nhiều trang trại khác?

Thay cho câu trả lời, anh Thắng lại nhảy vào chuồng, cầm cái xẻng, đào tung một mảng nền chuồng lợn rồi giải thích: “Nhờ nền chuồng công nghệ…Nguyễn Đại Thắng đấy! Công thức được làm từ đất, cát, một số phụ gia từ thiên nhiên cộng với chế phẩm vi sinh vật có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nền vừa là nơi vi sinh vật phát triển vừa là nơi thẩm thấu, phân hủy hết các chất thải của lợn, gà. Vi sinh vật sẽ “tiêu diệt” hết những vi sinh gây hôi thối có trong chất thải”. Thấy anh miệng nói, tay làm say sưa, tôi có cảm giác anh còn đam mê công việc mới này hơn cả thời anh làm giám đốc doanh nghiệp ở quân đội. Cũng mừng cho anh là bước đầu anh đã có những thành công đáng kể.

Một nhóm kỹ sư chăn nuôi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về đây làm việc. Trong câu chuyện với chúng tôi, họ cảm thấy hài lòng vì được tiếp cận với công nghệ chăn nuôi mới. Anh Phan Khắc Bảo, bác sĩ thú y thực tập tại trang trại này cho chúng tôi biết, chính quyền xã Minh Phú từng đóng cửa những trang trại ô nhiễm, nhưng khi kiểm tra trang trại của anh Thắng, họ đã nói rằng: “Trang trại mà sạch thế này thì tốt quá”.

Con đường tìm đến chăn nuôi “sạch”

Ý tưởng mở trang trại bắt đầu từ năm 1992, khi anh Thắng có chuyến công tác sang Đài Loan (Trung Quốc). Anh rất ngạc nhiên khi thấy ở một trang trại nọ, chỉ có một cặp vợ chồng mà họ nuôi tới một vạn con lợn, gấp đôi cả một trại chăn nuôi cỡ lớn ở Việt Nam. Anh suy nghĩ ngay rằng, nếu biết làm tốt, chăn nuôi cũng là một hướng làm giàu hiệu quả. Vốn gốc nhà nông, lúc nghỉ hưu, anh rất trăn trở trước thực tế người chăn nuôi ở nước ta dùng quá nhiều thức ăn công nghiệp, chất kích thích tăng trưởng. Sản phẩm trồng trọt phục vụ chăn nuôi thì lại bón nhiều phân hóa học. Thời buổi công nghiệp hóa mà ở thành phố, để mua được cân thịt, mớ rau thật sự “sạch”, sạch theo kiểu dân dã ở quê ngày xưa là không dễ. Vì thế, anh ấp ủ ý định sẽ mở trang trại, không phải kiểu trang trại của những người giàu chơi thú điền viên mà để tạo dựng một xu hướng tiêu dùng mới, một trang trại mang đậm “hồn quê”.

Nền chuồng được xới đảo theo định kỳ

Suy nghĩ và quyết tâm là thế nhưng bắt tay vào việc, anh cũng có lúc rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trước đây làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước, dù là hạch toán kinh doanh, lời ăn lỗ chịu nhưng anh vẫn còn có chỗ dựa một phần ở chế độ bao cấp, một phần là có tập thể ban lãnh đạo. Có khó khăn vướng mắc gì, anh đưa ra tập thể bàn bạc, rồi xin ý kiến chỉ đạo cấp trên. Còn bây giờ, “một mình một ngựa”, đã vung roi phi rồi thì phải tự mình điều khiển cho ngựa tới đích. Hơn nữa, anh mở ra hướng kinh doanh này lại không được sự ủng hộ của mọi người. Thôi thì chí đã quyết, lòng phải bền. Nghị lực vượt khó của người lính vẫn còn nguyên trong anh.

Ý tưởng là vậy, nhưng bắt đầu từ đâu?

Chính từ những chuyến tham quan nhiều trang trại trong và ngoài nước, có người bạn thấy anh đam mê, đã tặng anh bản dịch cuốn sách “Hãy cứu vớt trái đất” của Giáo sư Higateruo, người Nhật Bản (cuốn sách này chưa được dịch và in chính thức ở Việt Nam). Nhìn lời đề tựa có vẻ vĩ mô, anh Thắng chưa mấy quan tâm. Nhưng rồi đọc sách, anh đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Có rất nhiều câu chuyện diệu kỳ về chế phẩm EM mà cha đẻ của nó, Giáo sư Higateruo đã kể lại. Ông từng là “tín đồ” của phân hóa học và thuốc trừ sâu. Từ năm 1958, ông bắt đầu nghiên cứu tác dụng của quần thể vi sinh vật hữu hiệu đối với nông nghiệp, tức kỹ thuật EM. Nhờ vi sinh vật, ông có thể làm vườn cam bị thối quả đến khỉ cũng không buồn ăn thành vườn cam tốt; phân gà có thể biến thành thức ăn nuôi lợn, phân và nước thải của lợn, cừu, trâu bò biến thành phân bón; chuồng lợn, chuồng gà, nhà xí không còn ruồi nhặng, không còn mùi hôi thối… Thành quả này từng gây xôn xao giới khoa học quốc tế, được coi là giải pháp hữu hiệu để “cứu thế giới” trước vấn nạn ô nhiễm môi trường. Chìa khóa là đây!

Nghĩ là làm, anh lặn lội tới Trường đại học Nông nghiệp, gặp Tiến sĩ Tuấn, Tiến sĩ Lê nhờ giúp đỡ. Rồi anh lại gặp Tiến sĩ Phạm Khắc Quảng, một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về chế phẩm EM. Ông Quảng ban đầu không tin lắm ở thượng tá, cựu giám đốc nhìn không mấy “nông dân” nên chỉ đưa cho Thắng một ít tài liệu, gói tặng anh một ít chế phẩm gốc rồi bảo “cứ tập mà làm”. Mấy năm gần đây, ở nước ta, cũng có nhiều nơi áp dụng chế phẩm EM nhưng mới chỉ là thử nghiệm nhỏ. Ở Quảng Trị hay Bạc Liêu, cũng mới có nông dân dùng EM ủ thức ăn cho gia súc ăn sạch, lại có người phun chuồng trại cho bớt hôi hay mang ủ với phân bò để khử mùi.

Lọ mọ với những lọ chế phẩm, pha pha, chế chế theo kiểu “kỹ sư chân đất”, anh Thắng ngày càng phát hiện ra những tính năng thú vị của EM. Phun chuồng trại - tốt! Ủ thức ăn - tốt! Tưới xuống ao, nền ao phân hủy, ao sạch, cá không bị bệnh! Cứ theo sách của ông Higateruo mà đọc, anh đánh “liều” làm thêm một việc mà ở Việt Nam chưa ai làm: Chế tạo ra công nghệ nền chuồng chăn nuôi. Thành công và… rất tốt! Chỉ một năm sau ngày bàn giao những chai lọ, trở lại thăm trang trại, Tiến sĩ Quảng kinh ngạc khi thấy anh đã làm được điều mà ở Việt Nam, chưa trường đại học nào, chưa viện nghiên cứu nào làm được trong áp dụng chế phẩm EM. Không chỉ có một loại, anh Thắng còn mày mò pha chế, tạo ra được nhiều loại dung dịch EM thứ cấp, phục vụ cho hàng loạt công việc chăn nuôi, xử lý môi trường khác nhau. Ông Quảng thốt lên: “Ông quả là một “tiến sĩ” chân đất, tiến sĩ tự nghiên cứu! Tôi chịu ông!”.

Khách đến tham quan học hỏi kinh nghiệm

“Công nghệ Nguyễn Đại Thắng” khiến ông Quảng rất ngạc nhiên: Chuồng lợn cứ 2m2 một con, nền chuồng dày 1m trải một lớp đất pha phụ gia có tưới chế phẩm vi sinh vật EM. Lớp nền này có thể hoạt động 4 - 5 năm, hằng ngày đủ sức thấm và phân hủy hàng chục lít nước thải, phân của lợn, gà mà vẫn “chạy tốt”, giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng cho mỗi chuồng. Không những thế, sau vài năm, lớp phân đã được vi sinh vật xử lý lại tạo thành phân vi sinh chất lượng cao, có thể bán ra thị trường với giá 5.000 đồng/kg. “Các nhà khoa học đã tính, 8 con lợn sau 4 tháng có thể tạo ra lượng phân vi sinh đủ bón cho 1ha ngô. Mà phân này ích lợi hơn hẳn phân hóa học, làm đất tơi xốp, không gây ô nhiễm, bạc màu, lại nuôi giữ được giun, vi sinh vật trong đất” - anh Thắng cho biết. Những mẻ phân vi sinh đầu tiên, anh đã mang ra trồng rau quả trong vườn. Lại là những vườn rau rất sạch. Không cần phân hóa học, cũng chẳng phun thuốc sâu mà rau rất xanh non, không có sâu bệnh. Dưới gốc rau, cóc nhái, giun, dế sinh sôi, một khu vườn bình yên và sinh động!

Ở trang trại của anh Thắng, những con lợn “sạch” không chỉ vì chúng được nuôi trong chuồng trại rất sạch mà về giống, chúng được chọn lựa lai giữa lợn “Tây” và giống lợn Móng Cái thuần Việt, thức ăn cho chúng là rau quả thiên nhiên ủ chế phẩm EM lên men chứ không phải thức ăn công nghiệp. Lợn trong chuồng nền đất cát có vi sinh vật, chúng thoải mái vận động, dũi ủi nền như ở thiên nhiên nên rất khỏe chứ không như thứ lợn bị nhốt trong khung sắt, “nằm ì” trên nền xi măng để bụng đầy mỡ. Còn 10.000 con gà Ai Cập, trong đó có 1.000 con gà trống, cho ăn thức ăn tự nhiên, có trống có mái, đã cho ra lò những mẻ trứng chất lượng, thơm ngon khác hẳn.

Đầu ra cho sản phẩm

Sau khi thăm chuồng trại, anh Thắng mời chúng tôi thưởng thức món trứng gà luộc nóng hổi. Lòng đỏ trứng vàng sẫm, thơm ngậy, khác hẳn những quả trứng gà công nghiệp mà lòng đỏ chỉ nhợt nhạt. Tôi băn khoăn một điều về giá thành sản phẩm sạch này chắc chắn nó phải kén chọn khách hang thì anh Thắng cũng cho biết: “Với phương pháp chăn nuôi tiên tiến như vậy, giá thành sản phẩm phải cao hơn giá thị trường hiện nay. Lợn của anh không tăng trọng nhanh như lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch thật sự. “Tiền nào của ấy”, vì sự an toàn, bảo vệ được sức khỏe thì người tiêu dùng cũng không ngại và chấp nhận giá cao hơn thực phẩm bình thường”.

Anh Thắng đang cho thiết kế và ra mắt một trang web bán hàng trực tuyến sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gà “sạch” của trang trại. Những ngày nghỉ cuối tuần, trang trại mổ lợn, gà, bán sản phẩm. Người Hà Nội có thể thực hiện những tour du lịch ngoại ô, ghé thăm đền Gióng, Phủ Thành Chương, Học viện Phật giáo hay những điểm khác ở Sóc Sơn để rồi ghé thăm “trang trại sạch”, mua dăm ký thịt lợn, thịt gà, trứng gà “sạch” mang về… Không chỉ người Hà Nội, bất kỳ chủ trang trại hay người nông dân nào muốn tham quan, học hỏi hay xin chuyển giao công nghệ làm trang trại sạch, anh Thắng đều sẵn lòng tư vấn, chuyển giao miễn phí. Đã có nhiều đoàn khách, đại diện cho tập thể, cá nhân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Hiện nay anh đã triển khai thêm nhiều hình thức dịch vụ mới như tổ chức chế biến các loại thực phẩm từ gà, lợn giao cho các đại lý và nhà hàng, khách sạn; mở cửa hàng bán thực phẩm tại Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội; tìm bạn hàng để xuất khẩu… Với đà phát triển ấy, một số bạn bè đã góp cổ phần để cùng anh Thắng mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vì mục tiêu an toàn thực phẩm, mong sao ngành nông nghiệp ở nước ta và bà con nông dân sớm nhân rộng được mô hình chăn nuôi theo công nghệ mới như thế.

Hàng loạt chế phẩm EM thứ cấp do anh Thắng pha chế thành công có thể áp dụng hữu ích trong xử lý môi trường chuồng trại, ao hồ, hệ thống làng nghề, cống rãnh… ở nông thôn hoặc tạo thành quy trình chăn nuôi, trồng trọt sạch sẽ, bền vững. Anh Thắng sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có khu tăng gia, chăn nuôi tập trung hay các vùng nông thôn có nhu cầu. Địa chỉ liên hệ: 091651.1886, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Email:[email protected]

Đức Toàn - Nguyên Minh