Facebook bị cáo buộc không xử lý thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu
Vào ngày 12/5, nhóm vận động Stop Funding Heat công bố một nghiên cứu mới có tên On the Back Burner: How Facebook’s Inaction on Misinformation Fuels the Global Climate Crisis (Hiểm hoạ âm ỉ: Facebook thờ ơ trước thông tin sai lệch đã làm trầm trọng khủng hoảng khí hậu toàn cầu ra sao).
![]() |
Facebook đang không kiểm soát thông tin sai lệch về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. |
Nghiên cứu, gồm đánh giá của hơn 100 nghiên cứu học thuật, báo cáo thực nghiệm và điều tra báo chí..., cho thấy Facebook đang thất bại trên mọi phương diện trong ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch về khí hậu. Điều này xảy ra trong bối cảnh báo cáo Rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021 cảnh báo rằng “thất bại trong hành động khí hậu” là rủi ro có tác động mạnh nhất và có khả năng cũng là rủi ro lâu dài lớn thứ hai mà nhân loại phải đối mặt.
Mặc dù đã có nhiều chương trình truyền thông trước công chúng, Facebook vẫn chưa có khái niệm về thông tin khí hậu sai lệch, cũng như không có thái độ cụ thể về vấn đề này trong bất kỳ chính sách công cộng nào của mình. Facebook không hề đề cập đến thông tin sai lệch về khí hậu trong Tiêu chuẩn cộng đồng, Tiêu chuẩn quảng cáo của mình, và các chính sách liên quan đến thông tin sai lệch cũng không tồn tại. Thông tin sai lệch về khí hậu không được xác định là nội dung có hại trên nền tảng, khác với những nội dung như bài vắc-xin/chống tiêm chủng, đồng thời biến đổi khí hậu cũng hoàn toàn bị Ban Giám sát của Facebook bỏ qua và vắng bóng trong các điều lệ.
Các tổ chức lan truyền thông tin sai lệch về khí hậu đang có được khả năng tiếp cận người dùng quy mô lớn với giá rẻ trên nền tảng quảng cáo của Facebook. Báo cáo cho thấy 2 tổ chức liên tục xuất bản các nội dung quảng cáo bác bỏ biến đổi khí hậu ở Anh, thông qua việc hạ thấp các chính sách và giải pháp về khí hậu (gọi net zero là “kế hoạch cực đoan”) hoặc tấn công các nhà khoa học khí hậu và các nhóm vận động (gọi họ là “giáo phái”).
Báo cáo cũng tìm thấy nhiều bằng chứng thực nghiệm và báo chí cho thấy sự thất bại có hệ thống của Chương trình Kiểm tin do Bên thứ ba (3PFCP) của Facebook trong ngăn chặn thông tin sai lệch lan truyền về nhiều chủ đề khác nhau. Biến đổi khí hậu hiếm khi được xem xét: từ các hồ sơ công khai, báo cáo chỉ tìm thấy 6 lần kiểm chứng thông tin về khí hậu mỗi tháng, so với 4,75 tỷ nội dung được người dùng Facebook chia sẻ mỗi ngày.
![]() |
Facebook cần phải hành động ngay để ngăn chặn những thông tin không chính xác về biến đổi khí hậu. |
Cuối cùng, báo cáo đã chỉ ra sự bất cập của Trung tâm Thông tin khoa học khí hậu (CSIC) của Facebook. Dẫu được chào đón như một giải pháp quan trọng để chống lại thông tin sai lệch về khí hậu, CSIC mới chỉ được triển khai ở 16 quốc gia trên thế giới và đã không sử dụng phương pháp hiệu quả nhất để lật tẩy những đồn thổi vô căn cứ.
Sean Buchan, nhà nghiên cứu chính và người viết báo cáo, cho biết: “Từ các bằng chứng này, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng rõ ràng Facebook đang có vấn đề bên trong. Bất chấp mối đe dọa rõ ràng của thái độ thờ ơ với khí hậu, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này vẫn tiếp tục thu lợi từ những thông tin sai trái, luận điệu bác bỏ và các giải pháp sai lầm về biến đổi khí hậu. Ở đây Facebook đang đùa giỡn trong khi hành tinh nguy kịch. Công ty cần phải có hành động thiết thực tương xứng với những tuyên bố công khai của họ về khí hậu, và nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa đối với COP26”.
Báo cáo yêu cầu Facebook: Cập nhật các chính sách về thông tin sai lệch của mình, trong đó phải có phần về thông tin sai lệch về khí hậu; Ngừng thu lợi từ thông tin sai lệch về khí hậu bằng cách loại bỏ tất cả những thông tin bác bỏ biến đổi khí hậu khỏi nền tảng quảng cáo; Minh bạch: thường xuyên chia sẻ những con đường thông tin sai lệch thường được lan truyền trên nền tảng và báo cáo về mức độ hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn nội dung này lan truyền; Có biện pháp xử lý hữu hiệu đối với những người tái phạm nhiều nhất; và Vá các lỗ hổng chính sách khác mà báo cáo đã chỉ ra, chẳng hạn như miễn kiểm tin nội dung khí hậu đối với các chính trị gia.
Thông tin sai lệch về khí hậu dự đoán sẽ tăng mạnh vào năm 2021, năm diễn ra Hội nghị COP26 ở Glasgow, và cũng là một năm quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Xử lý những vấn đề này là hành động cần thiết để ngăn chặn thông tin sai lệch ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của COP26.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow năm nay là hội nghị quan trọng nhất kể từ hội nghị ở Paris năm 2015, vì đây là COP đầu tiên diễn ra kể từ khi các biện pháp của Thỏa thuận Paris có hiệu lực. |
Thành Công
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025
-
Thủ tướng: Chúng ta đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang trước mối đe dọa lớn nhất với hành tinh
-
Doanh nghiệp nhà nước nộp gần 400 nghìn tỷ đồng vào ngân sách năm 2024, đẩy mạnh chuyển đổi số