EVNNPC: Chủ động khắc phục sự cố sau bão

10:53 | 12/10/2018

194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Không chỉ thường xuyên phải đối mặt trực tiếp với bão, siêu bão, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) còn gặp vô vàn khó khăn, phải vượt qua rất nhiều áp lực khi khắc phục sự cố sau bão, áp thấp nhiệt đới gây ra. 
chu dong khac phuc su co sau bao EVNNPC: Đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng công nghiệp
chu dong khac phuc su co sau bao Lặng thầm “lính 110 kV” Sơn La...

Từ đầu năm tới nay, mặc dù các tỉnh phía Bắc chưa phải đón nhận cơn bão nào có cường độ siêu mạnh, nhưng hoàn lưu bão cũng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, tại nhiều địa phương như Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An... Chỉ tính riêng hoàn lưu bão số 3 đã làm cho lưới điện của EVNNPC thiệt hại hơn 35 tỉ đồng.

Quản lý một địa bàn có tới 2/3 diện tích là đồi núi và hơn 830km đường biển, EVNNPC thường xuyên phải đối mặt với hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, ngập lụt, lũ ống, sạt lở đất… Điều đáng nói, các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng trầm trọng đến lưới điện, mà còn làm cho giao thông bị chia cắt. CBCNV ngành điện thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy khi khắc phục sự cố trong mưa, lũ…

chu dong khac phuc su co sau bao
Chủ động khắc phục sự cố sau bão

Vì vậy, EVNNPC luôn yêu cầu các đơn vị phải theo dõi, bám sát thông tin dự báo thời tiết, chủ động triển khai linh hoạt các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); thực hiện nghiêm yêu cầu “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, an toàn” và phương châm “4 tại chỗ”, giảm tới mức thấp nhất các thiệt hại.

Ông Đinh Quang Thuần - Phó giám đốc Công ty Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình) cho biết, Ninh Bình là tỉnh giáp biển, nên mặc dù bão có đổ bộ hay không đổ bộ trực tiếp, lưới điện trên địa bàn cũng luôn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Ninh Bình có các huyện Nho Quan, Gia Viễn giáp với tỉnh Hòa Bình, vùng rốn nước của Tây Bắc. Do vậy, khi hoàn lưu bão gây mưa lớn ở các tỉnh Tây Bắc, dù Ninh Bình không mưa hay mưa nhỏ, nước từ thượng nguồn vẫn đổ về làm ngập lụt một số xã ở 2 huyện này, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp điện. Chính vì đặc thù đó, công tác ứng phó với hoàn lưu các cơn bão luôn được PC Ninh Bình chuẩn bị rất kỹ. Riêng ở các khu vực ngập lụt, rút kinh nghiệm qua nhiều năm, công ty đã nâng cao hệ thống đường dây điện, các hộp công tơ…, vừa bảo đảm an toàn tài sản, vừa bảo đảm an toàn điện khi nước lũ dâng cao.

Các đơn vị trực thuộc EVNNPC thường xuyên tổ chức kiểm tra, gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở, sự cố gây mất an toàn trước, trong và sau bão, bảo đảm an toàn cho hệ thống điện. Riêng các điện lực ở khu vực miền núi, công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến lưới điện luôn được quan tâm.

Đặc biệt, năm nay EVNNPC đã tổ chức diễn tập “3 trong 1” về công tác “PCTT&TKCN - An toàn - Sự cố lưới điện”. Qua đó, EVNNPC rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, ứng phó hiệu quả hơn với bão, lũ.

Dù chủ động trong ứng phó, nhưng thiệt hại do bão cũng như hoàn lưu bão gây ra đối với lưới điện là khó tránh khỏi, nhất là khi hiện nay, việc dự báo về lũ ống, lũ quét chưa chính xác, mới dừng ở mức cảnh báo. Chính vì vậy, mỗi khi có thiên tai, 100% đơn vị trực thuộc EVNNPC luôn sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị..., để khắc phục nhanh nhất các sự cố.

Vừa qua, hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho lưới điện huyện Thanh Sơn và Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Để khắc phục nhanh sự cố, PC Phú Thọ đã huy động gần 50 CBCNV từ các đơn vị ít bị ảnh hưởng do mưa lũ cùng với Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Phú Thọ, lên hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho Điện lực Thanh Sơn và Tam Nông, sớm cấp điện trở lại cho khu vực này.

Hoàn lưu bão cũng làm cho nhiều khu vực bị cô lập, nên tại những khu vực này, công nhân ngành điện thường phối hợp chặt chẽ với địa phương, tiếp cận hiện trường, vừa tuyên truyền về an toàn điện, vừa “canh nước”, nước rút đến đâu cấp điện đến đó, giúp người dân sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Khó khăn, thách thức là rất lớn, hầu như năm nào EVNNPC cũng phải đối phó với các cơn bão, ngập úng, lũ quét, lũ ống... Dù vậy, với sự chủ động trong mọi hoàn cảnh, EVNNPC đã và đang hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là các tình huống thời tiết bất thường.

Các đơn vị thuộc EVNNPC luôn thực hiện nghiêm yêu cầu “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, an toàn” và phương châm “4 tại chỗ”, giảm tới mức thấp nhất các thiệt hại.

Thùy Lê