EVN đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

20:14 | 08/11/2023

851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong tháng 10/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, EVN đã bảo đảm cung cấp điện an toàn và chủ động ứng phó với các đợt mưa lớn gây ngập lụt diện rộng tại miền Trung.

Theo báo cáo, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 10/2023 đạt 24,28 tỷ kWh (trung bình 783,2 triệu kWh/ngày) - tăng 11,3% so với cùng kỳ tháng 10/2022; sản lượng ngày cao nhất đạt 857,9 triệu kWh (ngày 06/10), công suất cao nhất đạt 41.183 MW (ngày 05/10). Lũy kế 10 tháng năm 2023, sản lượng toàn hệ thống đạt 234,13 tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

KTV EVN lắp đặt thiết bị lên lưới điện
Kỹ thuật viên EVN lắp đặt thiết bị lên lưới điện.

Trong 10 tháng năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 97,48 tỷ kWh, chiếm 41,63% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Về đầu tư xây dựng, trong các tháng 9 và 10/2023, lãnh đạo EVN và các đơn vị đã làm việc với UBND một số tỉnh phía Bắc về việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình điện và cung cấp điện trên địa bàn tỉnh; đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện Quốc gia từ Sóc Trăng cho huyện Côn Đảo; đồng thời làm việc với đoàn công tác của các nhà đồng tài trợ thẩm định Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái để thu xếp vốn cho dự án.

Trong 10 tháng năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 62 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 71 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV (bao gồm: 1 công trình 500 kV, 9 công trình 220 kV và 61 công trình 110 kV), trong đó đã khẩn trương tổ chức triển khai thi công đường dây 500 kV Nam Định 1 - Thanh Hóa (đoạn tuyến từ VT96 đến VT117) và đóng điện giai đoạn 1 dự án trạm biến áp 500 kV Lào Cai và các đường dây 220 kV đấu nối...

Về tình hình thực hiện thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tính đến ngày 3/11/2023 vẫn có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.597,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 69 dự án (tổng công suất 3.927,41 MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/69 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW; có 21 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.201,42 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới. Trong đó có 24 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 40 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 4 dự án với tổng công suất 136,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt gần 761,7 triệu kWh.

Trong tháng 11 năm 2023, EVN dự kiến sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống ở mức 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân dự kiến vẫn tiếp tục được bảo đảm, đặc biệt là phục vụ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện, EVN tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống bão lũ tại các công trường, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nguồn điện: Nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho Dự án Thủy điện Trị An mở rộng...

Minh Châu