EVN đảm bảo cung ứng điện với chất lượng cao

11:32 | 05/07/2018

774 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện cho các nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế, chất lượng cung ứng điện năng cũng không ngừng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cải thiện, nâng cao.
evn hoan thanh tot nhiem vu cung ung dien voi chat luong cao
Ảnh minh họa.

Theo EVN, trong 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết; đảm bảo điện đối với các hoạt động lễ hội đầu năm và sự kiện Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đảm bảo điện phục vụ các kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Các đơn vị thuộc ngành Điện đang phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lũ tại tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.

Tập đoàn và các đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương vận hành điều tiết các hồ thủy điện đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt; đã thực hiện 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017 - 2018 tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

6 tháng đầu năm 2018, EVN đã đưa vào vận hành thương mại 2 tổ máy dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và hoàn thành chạy tin cậy dự án Nhiệt điện Thái Bình. Tính chung trên toàn quốc, tổng công suất các nguồn điện được đưa vào phát điện 6 tháng năm 2018 khoảng 1.500 MW.

Đến cuối tháng 6/2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 46.900 MW, trong đó nguồn điện của EVN là 28.124 MW chiếm gần 60%.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 6/2018 đạt 19,3 tỷ kWh (trung bình 643,3 tr.kWh/ngày), lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 105,9 tỷ kWh, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng, sản lượng ngày lớn nhất đạt 711,3 triệu kWh và công suất lớn nhất đạt 34.154 MW (ngày 22/6). Trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và vào miền Nam. Lũy kế 6 tháng sản lượng truyền tải ước đạt 89,42 tỷ kWh (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó sản lượng truyền tải vào miền Nam khoảng 9 tỷ kWh (tương đương 21,5% nhu cầu điện miền Nam), mức truyền tải cao nhất trên giao diện Bắc - Trung là 2.400 MW và Trung - Nam là 3.950 MW.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN lũy kế 6 tháng ước đạt 91,78 tỷ kWh, tăng 10,65%, trong đó điện thương phẩm nội địa tăng 10,94% so cùng kỳ năm trước.

Trong các tháng đầu năm 2018, EVN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng. Với việc triển khai Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo, các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực đã báo cáo UBND các tỉnh/thành phố để triển khai cơ chế “1 cửa liên thông” trong việc giải quyết thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp; cung cấp các dịch vụ tại Trung tâm Hành chính công của 14 tỉnh/thành phố; kết nối để cung cấp dịch vụ tại cổng dịch vụ công trực tuyến của 39 tỉnh/thành phố và đang tiếp tục làm việc để triển khai tại tỉnh/thành phố còn lại... Đến nay, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định triển khai cơ chế “1 cửa liên thông” giữa ngành Điện với UBND Hà Nội và Bắc Ninh.

Về các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện 6 tháng đầu năm 2018, tính chung toàn Tập đoàn, trong 6 tháng đầu năm, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 358,74 phút (giảm 18,4% so với cùng kỳ 2017), tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 0,83 lần/khách hàng, tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 3,18 lần/khách hàng. Tổn thất điện năng toàn Tập đoàn 6 tháng là 6,7%, thấp hơn 0,5% so với kế hoạch phấn đấu năm 2018 (7,2%). Đây là cố gắng nỗ lực rất lớn của các đơn vị trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành khi giảm được đáng kể thời gian cắt điện phục vụ thi công, giảm số lần và thời gian sự cố trong khi quy mô lưới điện không ngừng tăng lên.

Về đầu tư xây dựng, 6 tháng đầu năm 2018, EVN đã nỗ lực trong việc điều hành, chỉ đạo thi công các công trình theo kế hoạch đề ra, đặc biệt các công trình phục vụ cấp điện mùa khô, với giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 51.129 tỷ đồng và giá trị giải ngân đạt 41.913 tỷ đồng. Tình hình thi công của hầu hết các dự án trọng điểm cơ bản bám sát tiến độ.

Về công tác thoái vốn, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cơ điện Thủ Đức (EMC) thu về 77,5 tỷ đồng, thặng dư vốn 31,56 tỷ đồng. Phương án thoái vốn tại CTCP Phong điện Thuận Bình dự kiến sẽ được thực hiện trong quý III/2018. Về công tác cổ phần hóa, đã thực hiện IPO Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), hiện đang chuẩn bị các thủ tục để tổ chức Đại hội cổ đông thành lập Công ty Cổ phần.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, EVN và các đơn vị đã hoàn thành đóng điện 84 công trình lưới điện 110 – 500 kV (gồm 4 công trình 500 kV, 15 công trình 220 kV và 65 công trình 110 kV), trong đó có các công trình quan trọng như: Trạm biến áp (TBA) 500 kV Lai Châu, nâng công suất các TBA 500 kV Tân Định, Sơn La; các TBA 220 kV Phù Mỹ, Phú Thọ, Nông Cống, Đăk Nông, Cần Thơ, Phong Điền; nâng công suất các TBA 220 kV Đông Anh, Bắc Ninh 3, Vũng Tàu, Uyên Hưng, Đức Hòa, Tây Hồ; toàn tuyến đường dây 500/220 kV Hiệp Hoà - Đông Anh - Bắc Ninh 2...

Tổng số các công trình đã khởi công xây dựng là 59 công trình lưới điện 110 – 500 kV (bao gồm 02 công trình 500 kV, 8 công trình 220 kV và 49 công trình 110 kV). Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã hoàn thành đóng điện 2 xã cuối cùng của cả nước chưa có điện tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là Ch’ơm và Tr’Hy. Như vậy, đến nay 100% số xã trên toàn quốc (8.989 xã) đã có điện lưới quốc gia.

Viết Trung