Cấp nước đổ ải vụ Đông Xuân 2018-2019:

EVN đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

19:00 | 04/04/2019

223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ đầu năm 2019 đến nay, các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đã tiến hành 3 đợt xả với 4,42 tỷ m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Kết quả cho thấy, EVN luôn chia sẻ lợi ích doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Cấp nước cho gần 600.000 ha

Ngay từ cuối năm 2018, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã nhận định, nguy cơ hạn hán trên diện rộng dẫn đến thiếu nước cho sản xuất điện vào những tháng mùa khô năm 2019 là khó tránh khỏi vì lưu lượng dòng chảy của các sông chính đều thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Thực tế cũng cho thấy, lượng mưa sụt giảm nghiêm trọng, dòng chảy tự nhiên trên lưu vực các sông thấp hơn nhiều so với TBNN đã dẫn đến, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đạt thấp.

Vì vậy, ngay từ cuối năm 2018, Tổng cục Thủy lợi, EVN đã tích cực làm việc với các địa phương như, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc... Đây là những địa phương các năm trước tiến độ lấy nước rất chậm. Qua đó, các địa phương đều cam kết và thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm bơm, đảm bảo tiến độ lấy nước nhanh, tiết kiệm nhất, đồng thời vẫn giữ nước cho phát điện.

EVN đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
Ngành điện đã cung cấp đủ nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho vụ Đông Xuân 2018 - 2019.

Nhận thức rõ, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, EVN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT thống nhất lịch và phương thức xả nước. Theo đó, 3 đợt xả của các hồ đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân cũng như chính quyền địa phương các cấp, đồng thời các chủ hồ chứa cũng có sự chuẩn bị rất kỹ.

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, trước khi xả nước đợt 1, Công ty đã tích nước hồ chứa đạt mực nước dâng bình thường (MNDBT) là 117 mét, đồng thời sẵn sàng huy động cả 8 tổ máy, xả lưu lượng tối đa theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.

Ông Dương Thanh Tuyên - Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết, bên cạnh việc tích nước hồ chứa đến MNDBT, hệ thống máy móc, thiết bị luôn được Công ty duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo vận hành tốt.

Với sự chuẩn bị kỹ, chu đáo, sau 3 đợt xả, các hồ chứa thủy điện đã cấp 4,42 tỷ m3 nước (tiết kiệm hơn 2,2 tỷ m3 nước) cho các tỉnh/thành phố Trung du và đồng bằng Bắc bộ gieo cấy vụ Đông Xuân với tổng diện tích gần 600.000 ha.

Theo nhận xét của các chuyên gia, việc xả nước phục vụ nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng mà EVN đã tiến hành rất tốt trong nhiều năm qua. Theo tính toán sơ bộ, mỗi ngày các hồ thủy điện xả xuống hạ du khoảng 280 triệu m3 nước phục vụ đổ ải. Chi phí cho xả 1 m3 nước khoảng 330 đồng. Do thời điểm này huy động cao nguồn thủy điện là không tối ưu cho vận hành hệ thống điện quốc gia, ảnh hưởng lớn đến khả dụng của thủy điện trong mùa khô. Trong khi đó, vào mùa khô do thiếu nguồn thủy điện phải huy động nguồn nhiệt điện than, khí hoặc dầu với giá thành cao dẫn đến chi phí sản xuất điện tăng rất cao. Như vậy, nếu rút ngắn được một ngày xả nước sẽ tiết kiệm được gần 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng: “Đồng bằng Bắc bộ có diện tích trồng lúa lớn thứ 2 trong cả nước, nguồn nước tưới chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn. Nhiều năm qua, EVN đã chia sẻ lợi ích doanh nghiệp, điều tiết các hồ chứa thủy điện phù hợp với yêu cầu lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mỗi vụ lúa Đông Xuân đều có sự đóng góp quan trọng của EVN”.

Còn nhiều thách thức ở phía trước...

Kết thúc 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mức nước hồ Thuỷ điện Hoà Bình giảm 5,65 mét, hồ Thác Bà giảm 2,83 mét, hồ Tuyên Quang giảm 5,5 mét. Tình trạng này cộng thêm dự báo hạn hán sẽ còn gay gắt vào những tháng mùa khô sắp tới, nguy cơ cạn kiệt nước tại các hồ thủy điện, thậm chí xuống dưới mực “nước chết” là điều rất dễ xảy ra.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, hiện tượng xói mòn lòng sông dẫn đến mực nước hạ du hệ thống sông (mực nước thượng lưu các cửa lấy nước của một số hệ thống công trình thủy lợi) bị hạ thấp đã diễn ra những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Tình trạng này gây khó khăn cho việc lấy nước của các hệ thống công trình thủy lợi và làm tăng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Thực tế trong đợt đổ ải vừa qua, mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất, nhưng mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn không thể đạt +2,2 m theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, một số công trình thủy lợi tuy đã được cải tạo, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chủ động vận hành, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Ví dụ như, Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (Hà Nội), dù đã được đầu tư hạ thấp cao trình mực nước bơm theo thiết kế từ +2,5m xuống +1,5m, nhưng vẫn không đảm bảo đủ nước, dẫn đến thời gian lấy nước kéo dài.

Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và dân sinh và tiết kiệm nước để phát điện, Tổng cục Thủy lợi kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tạm dừng việc cấp phép mới khai thác cát và quản lý chặt tình trạng khai thác cát trái phép dưới lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình, giảm việc hạ thấp và biến đổi lòng sông Hồng. Đồng thời, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn, sớm đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động cho các khu vực khó khăn về nguồn nước, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Mực nước các hồ chứa trước và sau khi cấp nước đổ ải:

Hồ chứa

Mực nước lúc 0h ngày 18/1/2019 (mét)

Mực nước lúc 24h ngày 21/2/2019 (mét)

Suy giảm

(mét)

Hòa Bình

113,86

108,21

5,65

Thác Bà

57,35

54,52

2,83

Tuyên Quang

119,77

114,27

5,5

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng có thể phát điện sớm hơn kế hoạch
Kinh nghiệm của EVNSPC về điều chỉnh phụ tải
EVN Hà Nội lên kịch bản ứng phó sự cố điện năm 2019
Điện mặt trời áp mái: Giảm áp lực cho nguồn cung điện
Đảm bảo đủ điện năm 2019: EVN cần làm gì để vượt qua thách thức?

Đinh Liên