EU chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khác

14:06 | 22/03/2022

1,142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 22/3/2022 đưa tin hôm thứ Hai, các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã bất đồng trong việc liệu và làm thế nào để áp dụng các biện pháp cấm vận đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, trong đó Đức cho rằng khối này quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga để quyết định một lệnh cấm vận.
EU chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khác
EU chia rẽ về lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khác. Ảnh: EU.

EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp nặng nề chống lại Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này. Tuy nhiên, biện pháp cấm vận xuất khẩu năng lượng của Nga, như Mỹ và Anh đã làm, là một lựa chọn gây chia rẽ cho 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% khí đốt. Các nhà ngoại giao cảnh báo rằng năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất để thực hiện các biện pháp cấm vận, vì mỗi quốc gia EU đều có những làn ranh giới đỏ riêng.

Đức và Hà Lan cho biết EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể tự cắt đứt ngay bây giờ. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên rằng “câu hỏi về một lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào”. Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga, cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu, do vậy, thay vào đó, EU nên nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào Nga vì nhu cầu năng lượng của mình.

Trong khi các nước Baltic muốn có lệnh cấm vận dầu mỏ, Đức và Ý, những nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đang phản đối vì giá năng lượng vốn đã cao. Các lệnh trừng phạt đối với than đá là ranh giới đỏ đối với một số nước, bao gồm có Đức, Ba Lan và Đan Mạch, trong khi đối với những nước khác, như Hà Lan, dầu là vấn đề không thể đụng chạm tới.

EU chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, cân nhắc các bước đi khác
Các cơ sở chứa khí đốt của EU đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/3/2022. Ảnh: Bloomberg.

Trong một cuộc họp báo, Đại diện EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh Josep Borrell nói rằng mặc dù EU sẽ "tiếp tục cô lập Nga", các quyết định cụ thể sẽ được đưa ra sau. Một nhà ngoại giao EU cho biết một số người hy vọng rằng tới tháng 6, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu mỏ.

Các nhà ngoại giao cho biết các biện pháp trừng phạt tiềm năng khác đang được thảo luận, trong đó có bổ sung thêm tên mới vào danh sách trừng phạt, ngăn chặn tàu thuyền Nga cập cảng EU và cắt giảm quyền truy cập của nhiều ngân hàng hơn vào hệ thống nhắn tin toàn cầu SWIFT.

Tất cả những biện pháp này sẽ được thảo luận lại vào thứ Năm (24/3), khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ đến Brussels để đàm phán với 30 thành viên của Liên minh xuyên Đại Tây Dương NATO, EU và các nước G7, bao gồm cả Nhật Bản, để tăng cường phản ứng của phương Tây đối với Nga.

Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã thông qua một chiến lược an ninh nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của khối, thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh với tối đa 5.000 quân để được triển khai nhanh chóng trong một cuộc khủng hoảng. Josep Borrell cho rằng “cuộc chiến đang diễn ra là một sự thay đổi kiến ​​tạo", "chúng tôi phải có khả năng phản ứng nhanh chóng."/.

Thanh Bình