Đúng là cần phải như Đà Nẵng!

06:46 | 20/08/2013

1,334 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận Đà Nẵng và cả miền Trung đang xôn xao về việc chính quyền thành phố Đà Nẵng khởi kiện các “nhân tài” gồm một số cán bộ được tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao của thành phố sau khi học xong không chịu quay về làm việc cho thành phố theo đúng hợp đồng.

Nghĩa Văn (NLM số 249)

Lần đầu tiên trong hệ thống chính trị của nước ta có 580 trí thức trẻ tình nguyện về các xã khó khăn nhận chức Phó chủ tịch UBND xã nghèo với mong muốn được đóng góp xây dựng địa phương vươn lên thoát nghèo. Bước đầu các phó chủ tịch xã đã nhanh chóng tiếp cận, làm quen với công việc; hăng hái, nhiệt tình đi cơ sở nắm tình hình thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kết quả và sự trưởng thành của các phó chủ tịch xã đã cho thấy những thành công ban đầu rất đáng trân trọng, khẳng định đây là chủ trương đúng trong công tác cán bộ. Thủ tướng nhìn nhận dự án đã tạo ra mảnh đất dụng võ cho anh em trí thức trẻ; môi trường công tác tại xã là trường học thực tiễn toàn diện và sinh động, giúp trí thức trẻ trưởng thành, đào tạo ra đội ngũ cán bộ vừa có trình độ, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, bổ sung vào hệ thống chính trị. Dự án này cũng góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ.

Chuyện cán bộ trẻ là vậy, thế nhưng cán bộ “nhân tài”, “nguồn” được gửi đi đào tạo lại bội tín, bất chấp cam kết, đơn phương vi phạm cam kết, bỏ của chạy lấy người, trở thành cán bộ “chuồn”, nhân tài “lỉnh” đến nỗi bị kiện như ở Đà Nẵng thì thật đáng luận bàn.

Dư luận Đà Nẵng và cả miền Trung đang xôn xao về việc chính quyền thành phố Đà Nẵng khởi kiện các “nhân tài” gồm một số cán bộ được tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao của thành phố sau khi học xong không chịu quay về làm việc cho thành phố theo đúng hợp đồng. Chữ tâm với thành phố như thế nào thì còn phải xem xét tiếp chứ chữ tín thì hỏng hẳn. Trước việc bội tín này, có nhiều ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm, bắt họ bồi thường đúng quy định. Lý do rất đơn giản là vì tiền nuôi họ đi học nước ngoài là tiền thuế của dân. Nếu cần nên truy cứu trách nhiệm hình sự tội bội tín. Thế nhưng cũng có ý kiến khác lại cho rằng, có thể các học viên này về nước cũng khó có điều kiện cống hiến… nên giải phóng cho họ?!

Câu hỏi đặt ra là các cán bộ nguồn ở Đà Nẵng bội tín như thế nào?

Được biết trong Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành theo Quyết định ngày 11/2/2011, nhằm thực hiện chiến lược cán bộ của thành phố đến năm 2020.

Thành phố chọn cử 20 người đi học đại học ở nước ngoài, 40 người học đại học ở trong nước, 10 người đi học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại nước ngoài; tuyển chọn và tiếp tục đài thọ đào tạo cho 5 người đang theo học đại học và sau đại học tại nước ngoài. Kinh phí du học lấy từ ngân sách. Sẽ không có chuyện gì nếu các cán bộ này học xong, trở về nhận công tác tại thành phố và sẽ thực hiện đúng như cam kết về thời gian làm việc.

Do có chuyện bội tín, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với 3 người gồm: Nguyễn Văn Lời (công tác ở Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng), Hồ Thị Như Mai (công tác ở Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) và Hà Thanh An (công tác ở Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố như hợp đồng đã ký.

Theo cam kết, các cán bộ này không được tự ý bỏ học giữa chừng, và khi học xong trở về phải làm việc tại các cơ quan thuộc thành phố ít nhất 7 năm (đối với học viên được đưa đi đào tạo ở nước ngoài).

Thế nhưng, cán bộ Lời đang học nghiên cứu sinh tại Australia thì bỏ học giữa chừng, trong khi chi phí được cấp cho anh lên tới 2,38 tỉ đồng. Cán bộ Lời sẽ phải bồi thường ít nhất là 3,5 tỉ đồng? Trường hợp chị Hồ Thị Như Mai, người được TP Đà Nẵng hỗ trợ khoảng 60.000USD trong vòng 3 năm. Sau khi về nước, chị Mai mới làm việc cho thành phố được khoảng 2 năm, lấy lý do bận việc nhà chồng ở Anh, chị Mai đã theo chồng qua London và không về Việt Nam nữa. Theo quyết định của TP Đà Nẵng, chị Mai phải bồi thường số tiền là 6 tỉ đồng.

Chị Hà Thanh An sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ bằng kinh phí do TP Đà Nẵng đài thọ, chị đã tự ý đi học lên chương trình tiến sĩ, trong khi thành phố chưa có nhu cầu sử dụng tiến sĩ ở Sở Ngoại vụ. Cũng theo quyết định của TP Đà Nẵng, chị An sẽ phải bồi thường cho thành phố này số tiền là 3 tỉ đồng.

Dư luận cho rằng, việc xử lý như trên là đúng và không có gì bất ngờ bởi theo quy định học viên bị buộc ra khỏi đề án, đồng thời phải bồi thường cho thành phố số tiền gấp 5 lần kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố. Họ đã vi phạm một trong các lỗi: Tự ý bỏ học; Không trở về công tác tại thành phố; không chấp hành sự phân công công tác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ; Không thực hiện đủ thời gian làm việc theo cam kết; Đơn phương chấm dứt hợp đồng đào tạo; Trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành chương trình học (tính theo thời gian thực học của cơ sở đào tạo) không trình diện và báo cáo kết quả học tập cho cơ quan thường trực đề án. Chị Mai và chị An là công chức của TP Đà Nẵng, lại được bồi dưỡng và đào tạo học lên cao. Trước khi đặt bút ký hợp đồng đều đã biết rõ trách nhiệm làm việc cho TP Đà Nẵng. Kinh phí đào tạo là tiền của Nhà nước, mà gốc gác là tiền đóng thuế của dân không thể bị lãng phí vì cán bộ “chuồn” nhân tài “lỉnh”. Tội bội tín có thể tránh được vòng lao lý nhưng khó tránh búa rìu dư luận.

Được biết, trong số các học viên được TP Đà Nẵng cử đi đào tạo, đa số trở về thành phố thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Có một tiến sĩ đã về làm cho thành phố, trong khi có lời mời tiếp tục nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài với đãi ngộ hấp dẫn. Dù vậy, cán bộ này vẫn từ chối để trở về với TP Đà Nẵng. Được biết, học viên này chỉ được chu cấp một phần kinh phí đào tạo.

Nói về vụ này, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng cho rằng, nếu không xử lý nghiêm minh thì hàng trăm con người sau khi du học ở nước ngoài về đang cống hiến cho thành phố sẽ cảm thấy bất công, chưa kể đến những người tự bỏ tiền túi ra du học rồi về Đà Nẵng làm việc...

Hoan hô Đà Nẵng!

Lần đầu tiên có một địa phương dám thẳng tay với những kẻ bất tín. 580 trí thức trẻ xung phong về xã nghèo làm việc so với các “nhân tài” được chăm bẵm ở Đà Nẵng thật quá khác nhau. Người xung phong, kẻ thoái thác dù đã cam kết, càng ngẫm càng thấy buồn lòng vì nhân tình thế thái. Rồi đây, sau khi xảy ra lình xình, kiện tụng, họ có tự vấn lương tâm? Thì ra cụ Tố Như xưa nói thật chí lý: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”!

Các nhà quản lý cũng cần suy xét kỹ khi chọn “nhân tài” để tránh cảnh “Tò vò mà nuôi con nhện/Đến khi nó lớn nó quyện nhau đi” đến nỗi mất cả người lẫn của!

N.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc