Đưa trẻ lên truyền hình - 'con dao hai lưỡi'

07:00 | 27/04/2016

2,369 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây Trung Quốc đã cấm sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình thực tế tập trung vào trẻ em. Ngoài ra, Luật quảng cáo sửa đổi của Trung Quốc còn cấm trẻ em dưới 10 tuổi đại diện quảng cáo cho mọi sản phẩm. Quyết định này đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi, không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở Hàn Quốc và cả Việt Nam. 

Thi nhau đưa ‘nhí’ tranh tài

Tại Trung Quốc, từ khi chương trình truyền hình thực tế (THTT) “Bố ơi, mình đi đâu thế?” lên sóng vào năm 2013 và tạo được hiệu ứng rating cực kỳ ấn tượng, ngày càng nhiều chương trình THTT lấy trẻ em làm đối tượng xây dựng với mô-tip “cha mẹ nổi tiếng và con tham gia”, biến đứa trẻ thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm.

Tờ Shanghaidaily cho biết, nếu như trước đây những người nổi tiếng luôn cố gắng bảo vệ con họ trước sự soi mói của dư luận thì nay mọi thứ đã thay đổi cùng với sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Hàn Quốc khi mỗi năm các đài sản xuất hàng chục show lớn nhỏ có sự tham gia của trẻ dưới tuổi thành niên.

dua tre len truyen hinh con dao hai luoi
"Bố ơi, mình đi đâu thế?" của Trung Quốc bị ngừng phát sóng

Nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý truyền thông Trung Quốc, Hàn Quốc đã bày tỏ mối lo ngại về tác động tiêu cực về thể chất và cả tinh thần đối với những đứa trẻ nổi tiếng sớm. Họ lo lắng các “sao nhí” phải đối diện nhiều áp lực ngoài tầm kiểm soát do mức độ phủ sóng của các chương trình. Bởi thực tế, có những đứa trẻ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra, liệu có phù hợp đạo đức hay không khi phán quyết như vậy với một đứa trẻ đang hình thành nhân cách và cần sự uốn nắn, giáo dục? Với những đứa trẻ trở thành tâm điểm chú ý, kiếm được tiền quá sớm khiến trẻ ảo tưởng chúng là trung tâm của vũ trụ, bỏ rơi việc học và thiếu sự phấn đấu nghiêm túc. Lâm Chí Dĩnh thừa nhận, sau khi tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế?” con trai anh trở nên khó tính hơn và anh dường như bất lực, không dạy nổi con mình. Một phụ huynh có con nhỏ chia sẻ trên Sina: “NSX và Đài truyền hình luôn nói chương trình của họ là minh chứng của sự tiến bộ xã hội, các em nhỏ được phát triển toàn diện. Nhưng bao nhiêu em nhỏ sau các chương trình dễ dàng từ bỏ ánh hào quang thoáng chốc đó? Thực tế, sau các chương trình, các em nhanh chóng trở về con số 0”.

Còn tại Việt Nam, tình hình có vẻ đi ngược khi ngày càng nhiều chương trình THTT trẻ em bùng nổ. Bởi lẽ, khi người xem quan tâm thì các NSX và Đài truyền hình chẳng thể nào đứng ngoài xu hướng. Cộng thêm tâm lý của không ít bậc phụ huynh muốn con sớm được nổi tiếng và xem đó là một cuộc đầu tư dài hạn chứ không đơn thuần là chiều con theo sở thích. Nhiều trung tâm luyện thanh nhạc, vũ điệu cho các em nhỏ đua nhau mọc lên để “luyện gà” đến “trường thi”.

dua tre len truyen hinh con dao hai luoi
"Bố ơi, mình đi đâu thế?" phiên bản Việt

Hiện tại, có thể liệt kê hàng loạt chương trình “biến đổi phiên bản” từ người lớn sang trẻ nhỏ khi THTT đạt đến độ bão hòa và khủng hoảng thừa. Đó là những “Gương mặt thân quen nhí”, “The Voice Kids”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, năm nay còn có thêm “Vietnam Idol nhí”. Cộng thêm những sân chơi vốn được thiết kế dành riêng cho trẻ như: “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Đồ-rê-mí”, “Người hùng tí hon”, “Siêu nhí tranh tài”,… đủ mọi độ tuổi, từ 4 – 14 tuổi.

Mặt trái của việc trẻ em tham gia các gameshow này không phải là chưa được cảnh báo ở nước ta. Còn nhớ ở mùa giải “Giọng hát Việt nhí 2013”, trong những trang nhật ký “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của một phụ huynh có con lọt vào top 15 đã vô tình tiết lộ một hậu trường trần trụi, thậm chí có phần nhếch nhác khuất sau vẻ hào nhoáng và đầy “nhân văn” của cuộc thi này. Nhật ký của anh kể về chuyện đưa con từ Hà Nội vào TP HCM dự thi, anh và những ông bố đồng cảnh ngộ đã phải tiết kiệm bằng cách mua cơm về ăn chung, năn nỉ khách sạn cho giặt quần áo trong phòng, hay nấu ăn ngay trong toilet để tiết kiệm chi phí…

Nhật ký ấy cũng đưa ra những cái “được”, “mất” như một chia sẻ để các phụ huynh cân nhắc khi có ý định đưa con đi thi cuộc thi sau này. Trong đó, được thì ít nhưng mất có vẻ quá nhiều, đó là mất thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng đến việc học hành của con… Đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng như các bé hẫng hụt vô cùng vì khi rời cuộc chơi (bị loại) thì ban tổ chức không hề có một động thái chia tay hay một lời động viên khích lệ…

Nhưng tất nhiên, những chia sẻ đó, dẫu có ồn ào mấy thì cũng khó cưỡng lại ý muốn của nhiều bậc phụ huynh cho con mình thi thố; và nhất là phía nhà sản xuất chương trình, họ vẫn tiếp tục thực hiện chương trình vì khai thác đề tài trẻ em đem lại cho họ món lời khủng khiếp!

Món lợi khổng lồ

Điểm đặc trưng của các chương trình THTT dành cho trẻ nhỏ là lượng người xem và quảng cáo được đảm bảo phần nào. Theo thống kê của Tổng Cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT), năm 2015, trong số hơn 100 chương trình giải trí phát sóng trên các Đài truyền hình Trung Quốc, rất nhiều chương trình có trẻ em tham gia. Doanh thu quảng cáo từ các chương trình này đạt hơn 10 tỷ NDT (tương đương 1,55 tỉ USD). Món lợi khổng lồ này lẽ nào các nhà đài và nhãn hàng chấp nhận làm ngơ? Chính vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, trẻ không chỉ bị tước mất quyền lớn lên hồn nhiên, thoải mái mà còn bị bóc lột sức lao động từ chính người thân, NSX và các Đài truyền hình.

dua tre len truyen hinh con dao hai luoi
Thần tượng âm nhạc nhí 2016

Tại Việt Nam, theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của “The Voice Kids” đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số, ngang bằng phiên bản người lớn mùa thứ ba lên sóng cùng thời gian. Dưới góc độ thương mại, rõ ràng, THTT cho trẻ em có rất nhiều lợi ích khai thác. Các chương trình này không chỉ thu hút trẻ em mà cả người lớn - phụ huynh. Do đó, chi phí quảng cáo đổ vào các chương trình này càng tăng mạnh. Đồng nghĩa, nhà đài và NSX thu lợi. Ngược lại, các nhãn hàng cũng tiêu thụ sản phẩm tốt.

Khi thông tin Trung Quốc siết chặt các chương trình THTT có yếu tố trẻ em lan sang Việt Nam trong bối cảnh các chương trình đua nhau nở rộ, người ta bắt đầu đặt câu hỏi khi nào xu hướng này sẽ kết thúc?

Có vẻ như đường vẫn còn dài khi sự tò mò của người xem vẫn chưa giảm nhiệt.  Doanh thu mùa thứ hai của “The Voice Kids” đã giảm so với mùa đầu lên sóng nhưng NSX không hề có ý định ngừng triển khai cuộc thi. “Vietnam Idol nhí” mùa đầu tiên chuẩn bị lên sóng, mùa “Đồ-rê-mí” mới đang rục rịch, và một số chương trình phiên bản nhí đang được xúc tiến bản quyền để lên sóng cho thấy xu hướng này sẽ còn chiếm sóng truyền hình trong một thời gian nữa. Chiếc bánh còn được lợi thì lẽ nào người khai thách chịu bỏ nó qua một bên!

Thiên Hương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.