Đưa điện về vùng cao Sơn La

13:15 | 05/01/2015

909 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn nhưng các dự án đưa điện về thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn được ngành điện triển khai đúng tiến độ. Và theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc đưa điện lưới tới các khu vực khó khăn này đã góp phần quan trọng giúp đồng bào từng bước ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Thoát nghèo nhờ điện

Ngành điện phải đi trước để tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội là điều kiện kiên quyết nhằm thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà Đảng, Chính phủ đề ra.

Theo EVN, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, hệ thống lưới điện quốc gia đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đến với đồng bào nhiều khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. 97,5% tổng số hộ dân cả nước và 97% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, với chất lượng ổn định, an toàn chính là sự khẳng định cho sự lớn mạnh đó. Đánh giá về kết quả này, tại Hội nghị tổng kết 15 năm Chương trình điện khí hóa nông thôn, giai đoạn 1998-2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Sự phát triển vượt bậc của ngành điện, đặc biệt là trong 15 năm triển khai chương trình điện khí hóa thôn đã góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo.

Trao đổi với phóng viên báo Năng lượng Mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Bùi Đức Hải khẳng định, việc được sử dụng điện lưới quốc gia chính là bước đột phá cho cuộc sống của người dân. Và trong lần đi thực tế ở Sơn La, chứng kiến cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày từ khi có điện mới thấy, việc đưa điện lưới quốc gia về các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó không đơn thuần là nguồn điện thắp sáng mà còn là động lực cho sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là động lực cho sự đổi thay trong tập quán sinh hoạt của người dân, là cầu nối tiếp cận với những tiến bộ khoa học…

Câu chuyện ở xã Chiềng Sơ (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) chính là minh chứng rõ nét nhất cho những nhận định này.

Chị Lê Thị Thúy và dàn máy xay sát chạy điện của gia đình.

Chiềng Sơ là một trong những xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Sơn La. Trước năm 2013, khi phần lớn hộ dân trong xã chưa có điện lưới quốc gia, nguồn điện chủ yếu từ máy thủy điện nhỏ đặt ngoài suối, hay cái ác quy nhỏ, chỉ đủ dùng vài ba tiếng trong ngày. Đồng bào vì thế mà không có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Trẻ con trong xã cũng không được học hành đầy đủ. Nhưng đến cuối năm 2013, khi dự án “Cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La” hoàn thành, xã có 1.300 hộ dân được sử dụng điện lưới, cuộc sống của người dân dần thay đổi.

Ông Tòng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ cho hay, từ ngày có điện, cuộc sống người dân thay đổi rất nhiều, nhà nào nhà ấy đều mua ti vi, xem chương trình thời sự, học cách làm ăn mới, trình độ dân trí được nâng cao, trẻ em có điện sáng học bài. Có điện cũng giúp việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được thuận tiện hơn. Nhờ có điện, hoạt động sản xuất của người dân cũng không ngừng được mở rộng, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn như trước đây, ngô sắn được bà con thu về phải phơi nắng, không có phương tiện sấy khô, bảo quản nên vào mùa thu hoạch là bị ép giá, không bán để đấy thì hỏng, lại phải bỏ. Nhưng từ khi có điện, người dân đã xây cho mình cái lò sấy, thậm chí, có hộ còn xây lò sấy với quy mô cả trăm tấn, gấp chục lần trước khi có điện để bảo quản, tích trữ ngô, sắn, được giá mới bán. Và cũng chính nhờ sự thay đổi này, chỉ sao 1 năm có điện lưới, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm mạnh, từ 43% năm 2013 xuống còn 36% vào năm 2014.

Chị Lê Thị Thúy, chủ một cửa hàng xay sát ở bản Thắng Lợi cho hay, từ ngày có điện, kinh tế gia đình được nâng lên rõ rệt. Chiếc máy xay xát chạy dầu cũ kỹ trước kia được thay bằng máy chạy điện, năng suất cao hơn trước rất nhiều. Khu nhà kho cũng được nâng cấp, mở rộng nhờ có hệ thống máy sấy khô. Nếu như trước kia, gia đình chị không dám mua hoặc mua với số lượng rất ít ngô, sắn để dự trữ thì nay số lượng có thể lên tới 60-70 tấn. Thu nhập của gia đình vì thế cũng tăng lên đáng kể, chỉ riêng chiếc máy xay sát, mỗi tháng cũng mang lại cho gia đình khoản thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Dấu ấn ngành điện

Như đã nói đến ở trên, ngành điện đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Và điều này đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tại Hội nghị tổng kết 15 năm Chương trình điện khí hóa nông thôn rằng: Phát triển điện đi trước một bước, bảo đảm điều kiện cơ bản cải thiện đời sống nhân dân, an sinh xã hội chuyển dịch kinh tế nông thôn là một mục tiêu, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước từ khi đất nước thống nhất đến nay. Thực hiện chủ trương đó, trong mỗi bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn của Trung ương, của từng địa phương đều đưa mục tiêu điện khí hóa nông thôn là một mục quan trọng. Với nỗ lực to lớn của hệ thống chính trị, của toàn dân, chương trình điện khí hóa nông thôn đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt sau 15 năm triển khai, 97,5% số hộ dân đã có điện. Qua đó, ngành điện đã góp phần tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống người dân, đóng góp tới 30-40% vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thách thức với ngành điện khi thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn trước mắt còn rất lớn. Mục tiêu chính phủ đề ra là đến năm 2015, 98% hộ gia đình nông thôn có điện, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản 100% hộ dân nông thôn có điện. Tổng mức đầu tư lên tới gần 30.000 tỉ đồng. Bên cạnh việc đầu tư cấp điện mới cho các vùng chưa có điện, từ nay đến năm 2020, ngành điện còn cần khoảng 2,5-3 tỉ USD để cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Bởi hệ thống mạng lưới này được đầu tư từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay đã cũ nát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điện trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt khi hầu hết các hộ dân nông thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Thậm chí, theo ông Phạm Văn Long-Phó giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, nhiều thôn bản nằm cheo leo trên vách núi hoặc sâu trong rừng, người dân lại sống dải rác nên việc cấp điện là vô cùng khó khăn. Vốn đầu tư cho những dự án này là rất lớn và nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngành điện thì sẽ không thể triển khai.

Xung quanh câu chuyện này, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, EVNNPC đã cấp điện lưới quốc gia đến 100% số huyện, 99,2% số xã và trên 97% số hộ dân nông thôn. Và để hướng tới mục tiêu cấp điện lưới cho 100% hộ dân nông thôn vào năm 2020, EVNNPC đang gấp rút triển khai một loạt các dự án như Dự án đưa điện ra 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn (Quảng Ninh); Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Lai Châu, Nghệ An… Đây là đều là những dự án đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và nếu không phải là chế độ Xã hội chủ nghĩa, nhà nước đứng ra đầu tư thì chắc chắn, người dân sẽ không thể có điện lưới quốc gia.

Được biết, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2010 đến nay, bên cạnh việc thực hiện đầu tư các dự án lưới điện trọng điểm cung cấp cho cá khu công nghiệp lớn tại các địa phương như Yên Bình (Thái Nguyên), Yên Phong (Bắc Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hóa)… EVNNPC cũng triển khai nhiều chương trình, mục tiêu lớn mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện. Trên tinh thần đó, Tổng công ty đã triển khai một loạt các dự án đưa điện đến các thôn bản, miền núi và hải đảo - những nơi chưa có điện lưới quốc gia với tổng mức đầu tư lên tới cả chục ngàn tỉ đồng.

Phát triển và củng cố lưới điện ở vùng đồng bằng, các khu vực trung tâm, thành thị đã khó nhưng việc đưa điện đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn khó khăn gấp nhiều lần. Mà để làm được điều này, đòi hỏi ngành điện phải nỗ lực, quyết tâm và hy sinh rất nhiều. Và chính nhờ những điều đó, Tết này nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tây Bắc đã có điện lưới quốc gia, với cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ hơn!

Thanh Ngọc (tổng hợp)