Hành trình điện khí hóa nông thôn

08:48 | 29/01/2016

975 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm qua, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề vốn nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa điện về vùng nông thôn để phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2015, theo số liệu của EVN, cả nước đã có 99,8% số xã có điện.

Nền tảng phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 30-11-2011, căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu Bộ Công Thương đặt ra cho ngành điện là đến hết năm 2015, cả nước sẽ có 7.709 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 85% tổng số xã trên toàn quốc. Đây có thể xem là mục tiêu hết sức nặng nề bởi áp lực đầu tư, phát triển mở rộng hệ thống lưới điện, gồm cả nguồn và lưới mới để phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đặt trên vai ngành điện là rất lớn.

tin nhap 20160128153536
Cán bộ điện lực huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện

Tuy nhiên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao cho, EVN đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, trong giai đoạn từ 2011-2015, thông qua các nguồn vốn như khấu hao cơ bản, vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn ứng của các địa phương, vốn vay thương mại, vay vốn ODA của các tổ chức tài chính nước ngoài... EVN đã đầu tư khoảng 13.400 tỉ đồng để cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn. Tính chung 5 năm, Tập đoàn đã xây dựng, cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn với khối lượng 15.800 trạm biếp áp phân phối, 8.900km đường dây trung thế, 32.400km đường dây hạ thế. Chất lượng điện nông thôn vì thế đã được cải thiện rõ rệt, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến hết năm 2015, cả nước đã có 99,8% số xã có điện, trong đó có 66,6% đặt tiêu chí số 4 về xây dựng nông thôn mới.

Điện đã thực sự “đi trước một bước”, tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, Lai Châu, Nghệ An… việc có điện và được sử dụng điện lưới quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Có điện không chỉ giúp bà con nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn giúp bà con nâng cao cuộc sống tinh thần.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Chương trong một cuộc trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới đã khẳng định, với một tỉnh còn nghèo, khó khăn như Lai Châu thì việc đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn giúp các hoạt động giao lưu văn hóa, xã hội được thuận lợi hơn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo vì thế sẽ bền vững hơn.

Hay như chuyện ở bản Nà Giòn (xã Mường Cai, Sông Mã, Sơn La) chẳng hạn. Đây là một trong những xã nghèo, khó khăn bậc nhất của tỉnh Sơn La và cũng một thời nổi tiếng là “cái nôi” ma túy của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, kể từ khi có điện, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hẳn. Hoạt động giao thương, buôn bán trở lên tấp nập, nhộn nhịp hơn, những máy móc thiết bị như tivi, tủ lạnh, máy cày, máy kéo, máy sát gạo chạy điện… không còn là điều xa xỉ.

Lò Văn Phong (dân tộc Thái, bản Nà Giòn) khi đề cập tới điều này cho hay: Kể từ khi Mường Cai có điện, cuộc sống của người dân được cải thiện nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên. Nếu như trước kia, ngô sắn làm ra phải bán hết vì không có điện bảo quản thì nay người dân đã xây lò sấy, làm nhà kho để bảo quản, được giá thì họ mới bán còn không thì họ để đấy, mang ra xay xát nuôi lợn, nuôi gà, hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Rất nhiều hộ khác ở Mường Cai đã thoát nghèo từ khi có điện.

Chung tay cùng ngành điện

Mặc dù ngành điện đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận như vậy, nhưng theo ông Lộc, nếu so với mục tiêu được Chính phủ, Bộ Công Thương đề ra thì lại chưa đặt yêu cầu. Theo ông Lộc, đến hết năm 2015, cả nước có 6.016 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt tỷ lệ 66,3% và tăng 2.471 xã so với năm 2011 nhưng lại thấp hơn kế hoạch 1.693 xã, tương đương 18,7%.

Chia sẻ về câu chuyện này, ông Lộc cho biết: Trong quá trình triển khai các dự án đưa điện về nông thôn, EVN đã phải đối diện với rất nhiều vấn đề thách thức. Phần lớn lưới điện nông thôn các đơn vị điện lực quản lý được tiếp nhận từ các tổ chức bán điện nông thôn, lưới điện khi tiếp nhận rất cũ nát không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nên đòi hỏi khối lượng vốn đầu tư rất lớn. Hầu hết các khu vực chưa có điện thì chủ yếu ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt, sống không tập trung theo quy hoạch và chưa có đường giao thông chính, nên việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều khó khăn như đường dây dài, trạm phân phối non tải, suất đầu tư cấp điện cho hộ dân rất lớn; công tác quản lý sửa chữa lưới điện và thu tiền điện rất khó khăn do không có đường giao thông, có nơi chi phí cho việc thu tiền điện nhiều hơn tiền điện thu về. Chính bởi những “đặc thù” trên mà nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện khu vực nông thôn là rất lớn, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng của các đơn vị điện lực lại có hạn. Nguồn vốn của điện lực cho khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nguồn vốn ngân sách của đa số các địa phương là có hạn, hầu hết chỉ có thể hỗ trợ trong công tác quy hoạch sử dụng quỹ đất giải quyết các thủ tục về cấp đất, đền bù, giải phóng mặt bằng cho xây dựng lưới điện, còn việc bố trí ngân sách cho đầu tư cấp điện nông thôn là rất khó khăn.

Quy hoạch hạ tầng tại các xã, đặc biệt hạ tầng giao thông nông thôn có nhiều thay đổi làm cho lưới điện đầu tư trước đây không còn phù hợp về vị trí và quy mô ảnh hướng đến việc cung cấp điện cho khách hàng. Ở nhiều vùng nông thôn, do tình trạng dân trí thấp, điều kiện kinh tế có hạn cộng với nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều hộ không có khả năng hoặc chưa quan tâm đầu tư lưới điện của gia đình đảm bảo sử dụng an toàn. Và đặc biệt, cả nước hiện vẫn còn khoảng 850 xã do các các tổ chức điện nông thôn quản lý lưới điện và bán lẻ điện, ngành điện không thể đầu tư thực hiện tiêu chí số 4.

Mặc dù tỷ lệ số xã đạt tiêu chí về điện trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2011 thấp hơn kế hoạch đề ra và khó khăn, thách thức đối với ngành điện trong thời gian tới còn rất lớn nhưng theo ông Lộc, EVN đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có 95% số xã đạt tiêu chí về điện. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, ngay từ những ngày đầu năm 2016, EVN đã yêu cầu các đơn vị, các điện lực khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn đã có; đầu tư mở rộng đưa điện về những vùng nông thôn chưa có điện; tiếp tục khởi tạo các dự án mới cho khu vực điện nông thôn.

Riêng đối vấn đề vốn, EVN sẽ tranh thủ các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo kế hoạch Nhà nước hằng năm và vốn tài trợ quốc tế theo các Hiệp định; vốn ngân sách của trung ương và địa phương; vốn của các đơn vị kinh doanh hạ tầng, dịch vụ, các khách hàng lớn; các nguồn vốn hợp pháp khác; và nguồn vốn đóng góp của người dân…

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, vì thế ông Lộc cho rằng, ngoài sự nỗ lực của EVN, ngành điện cũng rất cần sự chung tay giúp sức của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của người dân trong việc phát triển các dự án điện!

 

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 495

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps