Dòng điện về đất phương Nam

08:00 | 04/12/2014

632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với gần 40 năm, trong đó có trên 10 năm tăng tốc điện khí hóa nông thôn, đến nay Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã cung cấp điện đến 100% xã phường với 98,2% số hộ dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Đó là một hành trình dài, đầy gian nan vất vả.

Năng lượng Mới số 379

Điện về thắp sáng miền Tây

Trong một lần về thăm Cà Mau, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo các bộ, ngành cần đẩy nhanh điện khí hóa nông thôn và xây dựng tuyến đường từ Năm Căn đến Đất Mũi. Từ đó đến nay, Cà Mau được đổi thay nhanh chóng. Từ vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ đến Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển… điện đã vượt sông băng đồng về từng xóm, ấp. Năm 2014, gần 100% hộ dân trên địa bàn Cà Mau đã có điện. Cũng giữa năm 2014, cây cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn nối hai bờ Năm Căn và Ngọc Hiển đã hoàn thành. Ước mơ tuyến đường Hồ Chí Minh dọc theo chiều dài đất nước từ Pác Bó - Cao Bằng đến Đất Mũi - Cà Mau được nối liền đã hiển hiện trước mắt.

Về Đất Mũi, nơi đặt cột mốc quốc gia, nơi là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ những “con tàu không số” của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển và người anh hùng Bông Văn Dĩa đã rất gần. Có điện, đường, có “huyền thoại” và văn hóa sông nước Nam Bộ đang kéo khách du lịch đến với Cà Mau. Ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước… nghề nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh chóng với chục ngàn hécta, đưa Cà Mau trở thành một trong những địa phương đứng đầu về nuôi trồng và xuất khẩu thủy, hải sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn ở Ninh Thuận

Không ít dịp đi thực tế địa bàn, Tổng giám đốc Nguyễn Thành Duy và các lãnh đạo EVNSPC và các cán bộ tổng công ty đều đau đáu một suy nghĩ làm thế nào để nhanh chóng xóa đi những vùng lõm về điện của vùng đồng bằng bao la, trù phú và còn lắm gian nan này.

Chiếm 12,6% diện tích tự nhiên và 20,8% dân số của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng thủy sản của cả nước với trên 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, chiếm 43% sản lượng hải sản đánh bắt biển và 68% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Nhưng tiềm năng của vùng chưa được khai thác hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mặt bằng y tế, giáo dục còn thấp hơn các vùng khác, đời sống bộ phận dân cư còn khó khăn.

Những con số “vĩ mô” này không phải ai, lúc nào cũng nhìn vào đó, nhưng với những nhân viên điện lực có cách cảm nhận riêng. Ai cũng có thể nói vanh vách xã này, ấp nọ, cồn, bãi kia làm ăn sung túc hay còn nghèo khó, trẻ em học hành, trường lớp ra sao, nơi đấy có điện hay chưa. Và cũng chẳng cần kinh nghiệm gì cả, họ chỉ cần nhìn vào hóa đơn tiền điện hằng tháng là biết hộ giàu hay nghèo, hộ làm ruộng hay làm vườn, chăn nuôi. Nói như vô tình, nhưng những thông tin ấy là những kế hoạch, những dự án đưa điện về những nơi chưa có điện, những nơi cần điện để bơm nước cho cây lúa, cho nuôi tôm công nghiệp, cho những nhà vườn, cho cụm tuyến dân cư vượt lũ ở An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

Nặng Tình với miền Đông

Đồng bào S’tiêng ở Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vốn nổi tiếng vì những năm chiến tranh đồng bào nơi đây một lòng theo cách mạng, đi tiếp lương, tải đạn, ngày đêm giã gạo nuôi bộ đội. Hình ảnh ấy đã làm lay động cảm xúc của cố nhạc sĩ Xuân Hồng để ông viết lên bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”. Hàng chục vạn hộ đồng bào Churu, Lạch, K’Ho, Rắclây, S’tiêng ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận đã có điện rất sớm trong chương trình đưa điện về các thôn, buôn của Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Có câu chuyện vui kể rằng: Những năm đầu khi đưa điện về đây, nhân viên của Điện lực Bình Phước đến thu tiền điện, bà con bảo: Tưởng cái điện của Đảng, Nhà nước cho chứ, sao lại phải trả tiền à? Đấy! Bầy gà trong vườn cán bộ bắt lấy vài con.

Miền Đông gian lao mà anh dũng trong chiến tranh là vậy, giờ đây đã bật dậy mạnh mẽ với thế mạnh của một vùng kinh tế năng động, vùng công nghiệp, dịch vụ quan trọng của cả vùng và cả nước. Mục tiêu của Chính phủ là toàn vùng, trừ TP Hồ Chí Minh, phải bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân cả nước, trên 10%/năm; là khu vực có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đứng trong tốp đầu của cả nước.

Các chuyên gia tính toán, ở Việt Nam cứ tăng trưởng GDP 1% cần tăng 1,8-2% điện năng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Vậy mà tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều KCN, nhu cầu điện có năm tăng kỷ lục 25-27%/năm, toàn tổng công ty nhiều năm liền có mức tăng trưởng 15-16%/năm, chạy đến hụt hơi. Thế nên, vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao cũng là thời kỳ đầy thử thách với tổng công ty. Tổng giám đốc Nguyễn Thành Duy đen nhẻm, gầy, tóc bạc trắng. Không lo sao được, người ta bảo làm dâu trăm họ đã khó, còn làm dâu triệu họ thì khó thế nào? Trên 6,5 triệu khách hàng vào năm 2014 này; rồi lo điện cho 21 tỉnh, thành, hàng trăm khu công nghiệp, hàng ngàn nhà máy lớn, khu du lịch, cảng xuất nhập khẩu đầu mối… thiếu hụt, quá tải, mất điện, sai sót, vấp váp là chuyện nóng trên mặt báo chí, lên cả Quốc hội.

Nỗ lực không mệt mỏi

Hành trình dọc theo chiều dài 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Lâm Đồng đến tận miền đất Mũi Cà Mau, nơi đâu cũng thấy sự “thay da đổi thịt” và thấm đẫm tình đất, tình người. Những người đi thực hiện bài ký sự này cũng được thơm lây với những công nhân của các công ty điện lực địa phương thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Người dân và chính quyền đều ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của họ vào sự phát triển mọi mặt của các địa phương trong suốt 40 năm qua, trong đó có hơn 10 năm tăng tốc điện khí hóa trên 21 tỉnh, thành phía nam.

Mỗi năm, tổng công ty đầu tư trung bình 2.000 tỉ đồng để phát triển hệ thống truyền tải và phân phối điện với hàng ngàn km đường dây và hàng ngàn MVA dung lượng máy biến áp. Địa bàn tổng công ty quản lý là địa bàn phức tạp, công nhân phải gồng mình kéo dây băng qua kênh, rạch, cù lao, cồn, bãi miền Tây; qua những thôn buôn heo hút để đem điện đến cho người dân, xóa đi cơn khát điện.

Đến năm 2014 đã có 100% xã, thị trấn, 98,2% số hộ dân trên địa bàn có điện, trong đó, số hộ dân nông thôn có điện đạt 97,8%. Các huyện đảo Phú Quốc đã có điện lưới quốc gia, sắp tới là Kiên Hải; Phú Quý, Côn Đảo… đang được tổng công ty bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh biển đảo.

Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu, mỗi năm, EVN SPC đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để phát triển nguồn và lưới điện, cung cấp điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng và cải tạo lưới điện nông thôn, thực hiện hàng loại các dự án điện khí hóa nông thôn để cấp điện đến tất cả các thôn, làng, bản vùng sâu, biên giới, hải đảo. Hiện nay, EVN SPC đã đưa điện đến 99,91% xã, phường, thị trấn và 98,6 số hộ dân trong khu vực, tỷ lệ số hộ dân nông thôn có điện đạt 97,6%.


Quang Thái

 

  • el-2024