Dữ liệu hữu ích về xuất nhập khẩu
Thông tin hữu ích đối với doanh nghiệp
Đánh giá về Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây là ấn phẩm quan trọng giúp các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN định hướng thị trường trọng điểm, thông tin quy định tiêu chuẩn hàng hóa xuất nhập khẩu, thông lệ quốc tế hiện hành…, giúp DN thành công và giảm thiểu rủi ro khi tiếp cận các thị trường. Điển hình, nếu có được thông tin dữ liệu chính thống và xác thực, hoạt động giao thương của DN ở những thị trường khó tính, thị trường mới nổi… sẽ thuận lợi hơn, hạn chế rủi ro hơn.
![]() |
Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 |
Theo ông Trương Đình Hòe, hiện nay bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA), cộng đồng DN cũng quan tâm đến vấn đề bảo hộ, rào cản kỹ thuật trong thương mại ngày càng được nhiều quốc gia tăng cường áp dụng... Do đó, VASEP kỳ vọng Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam được phát hành hằng năm không chỉ cập nhật thông tin mới, mà còn mở rộng nội dung, đặc biệt là những vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm hay các diễn biến mới trên thị trường trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của các lĩnh vực, ngành hàng thế mạnh của Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM đánh giá: Báo cáo rất bổ ích với DN bằng những con số “biết nói”. Qua báo cáo xuất nhập khẩu, DN nhìn rõ hơn vị trí của mình trong lĩnh vực xuất khẩu. Song, ông Trần Việt Anh kiến nghị cần có thêm thống kê thông tin xuất nhập khẩu lĩnh vực, ngành hàng chiến lược của từng địa phương, từ đó định hướng cho các địa phương phát triển sản phẩm chiến lược để phục vụ cho đầu tư, đồng thời các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng có thông tin nền tảng để lựa chọn mở rộng đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, nên tham vấn cho DN định hướng xuất khẩu sản phẩm mục tiêu, không giẫm chân lên nhau, nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu. Mặt khác, thông qua báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam, các nhà xuất nhập khẩu, đơn vị thu mua trong và ngoài nước xác định được vùng sản xuất, nguồn cung hàng hóa.
Một năm thành công của xuất khẩu
Tại lễ công bố báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá: Năm 2017 là năm thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu của cả nước đạt 214,02 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành công thương, trong đó có 8 nhóm hàng có kim ngạch trên 6 tỉ USD, 20 nhóm hàng trên 2 tỉ USD, 29 nhóm hàng trên 1 tỉ USD. Trong nhóm trên 1 tỉ USD có nhiều ngành rất nhỏ mà cách đây 2-3 năm không thể nghĩ tới kết quả này. Tỷ trọng của các nhóm ngành xuất khẩu cũng đang thể hiện rõ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu với hàm lượng nhóm ngành sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, nhóm xuất khẩu thô ảnh hưởng đến tài nguyên giảm bớt.
5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỉ USD năm 2017 gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác. |
Về phía nhập khẩu 2017, Việt Nam có tổng kim ngạch nhập khẩu tăng cao, nhưng tập trung các nhóm cần nhập khẩu phục vụ sản xuất như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, điều này đúng và cần thiết với nền kinh tế có độ mở lớn, phục vụ nhiều DN xuất khẩu.
Một số tín hiệu tích cực cũng được Bộ Công Thương đưa ra: Cán cân thương mại thặng dư 2,92 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu 3 tỉ USD là con số tuyệt đối lớn nhất từ trước đến nay với Hoa Kỳ, EU. Còn nhập siêu từ châu Á như ASEAN, Hàn Quốc tăng nhanh thay cho mọi năm tỷ trọng nhập siêu chỉ dồn từ phía thị trường Trung Quốc.
Phân tích sâu, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, có nhiều nhóm "động lực" đối với thị trường năm 2017 và cả năm 2018. Trong đó, để tạo thuận lợi cho xuất khẩu trước hết là nhóm pháp luật với nhiều luật, nghị định cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành như Luật Quản lý ngoại thương có thể ví là một bước tiến xa so với Luật “hỗn hợp” là Luật Thương mại được ban hành từ năm 2005. Cùng với đó là chính sách phát triển xuất khẩu với các chiến lược, định hướng và tầm nhìn dài hạn đã được đặt ra.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, thành tích xuất khẩu có sự đóng góp lớn của các FTA, với 17 FTA được ký kết, trong đó 11 FTA có hiệu lực. Các DN đang quan tâm tới các FTA như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) đang tiếp tục đàm phán trong năm 2018; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, là 1 phiên bản nâng cấp sâu hơn của Hiệp định ASEAN cũng sẽ được Bộ Công Thương và Chính phủ nỗ lực kết thúc trong năm 2018.
Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2017 được đánh giá đã tập hợp nhiều nội dung thiết thực như mô tả bức tranh tổng thể thông qua những nguồn thông tin chính thống, nội dung đa dạng và chi tiết ở từng ngành hàng, nhóm hàng, thị trường… Bên cạnh đó, báo cáo còn có nội dung và tiến trình thực thi các FTA mà Việt Nam tham gia để phục vụ việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, đây là cơ sở dữ liệu nền tảng hỗ trợ cho DN hoạch định chiến lược đầu tư, kinh doanh, mở rộng xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. |
Nguyên Phương
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng