Dự án đường ống khí đốt nối Nga-Trung đạt cột mốc quan trọng

15:23 | 07/12/2022

990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới giữa Nga và Trung Quốc đã chứng kiến một cột mốc quan trọng sau khi một đường hầm lớn trên sông Dương Tử được hoàn thành vào cuối tuần qua.
Nga - Trung
Nhân viên của PipeChina kiểm tra đường ống dẫn khí đốt nối Nga - Trung tuyến phía đông ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc.

Đường hầm trên sông dài hơn 10 km (6,2 dặm) và việc xây dựng mất 28 tháng để hoàn thành, theo PipeChina.

Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để toàn bộ dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Trung Quốc được hoàn thành và đưa vào vận hành. Kế hoạch hiện tại là tuyến đường ống có thể đi vào vận hành vào năm 2025.

Bởi vậy, Trung Quốc sẽ cần phải đợi thêm vài năm để có thể tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, hồi cuối tuần qua nói với Global Times rằng. việc hoàn thành đường hầm là một phần của đường ống phía đông, sẽ thúc đẩy nguồn cung năng lượng của Trung Quốc trong bối cảnh giá toàn cầu tăng cao.

Nga - Trung đã thúc đẩy hợp tác trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu năng lượng lớn nhất của Nga sau khi châu Âu ngừng nhập khẩu than của Nga, áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô bằng đường biển và chỉ nhận một phần nhỏ lượng khí đốt của Nga so với lượng nhập khẩu trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Nga, bao gồm than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đã đạt 60 tỷ USD kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tăng từ 35 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước, Bloomberg đưa tin.

Được biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cho biết nước này sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong lĩnh vực năng lượng.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập trong một bức thư gửi tới Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng Nga - Trung cho hay: "Hợp tác năng lượng là nền tảng quan trọng của sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời cũng là động lực tích cực để duy trì an ninh năng lượng toàn cầu".

Bình An