Động lực nào thúc đẩy giá vàng trong thập kỷ tới?

10:39 | 31/08/2024

230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã tăng khoảng 20% ​​kể từ đầu năm. Các nhà phân tích nhấn mạnh Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy đà tăng khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã mua vào một lượng lớn kim loại quý này trong 18 tháng liên tiếp.

Trong khi PBoC đã kiềm chế việc mua thêm vàng gần đây, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết việc tạm dừng tích trữ vàng chỉ là tạm thời vì "cơn sốt vàng của Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn" trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và những nỗ lực nhằm “tránh xa” đồng đô la Mỹ của quốc gia này.

“Trong bối cảnh ngân hàng trung ương mua vào, nhu cầu vàng vật chất mạnh mẽ và sự gia tăng nắm giữ chứng chỉ vàng ETF, Trung Quốc dường như là động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng vào đầu năm nay”, các nhà phân tích cho biết. “Trong tương lai, chúng tôi cho rằng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng lên khi nền kinh tế nước này chậm lại trong thập kỷ này. Điều này sẽ gây áp lực tăng giá và có thể là nguồn biến động lớn của thị trường vàng trong những năm tới”.

Trung Quốc: Động lực thúc đẩy giá vàng trong thập kỷ tới
Trung Quốc được nhận định là động lực thúc đẩy giá vàng trong thập kỷ tới (Ảnh: Kitco)

Và không chỉ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quan tâm đến vàng. "Bên cạnh việc PBoC mua vàng, nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc cũng tăng lên so với mức trước đại dịch", các nhà phân tích cho biết.

“Điều quan trọng là sự gia tăng nhu cầu về chứng chỉ vàng ETF và hợp đồng giao dịch vàng tương lai dường như đã tiếp thêm động lực cho cơn sốt vàng ở Trung Quốc”, các nhà phân tích nói thêm. “Nhu cầu này ở Trung Quốc thấp hơn so với các nước phương Tây, nhưng dòng tiền chảy vào các ETF tại Trung Quốc đã bù đắp cho dòng tiền chảy ra khỏi các ETF tại Bắc Mỹ trong đợt tăng giá từ tháng 2 đến tháng 4/2024”.

Capital Economics nhận thấy nhu cầu sẽ cao hơn trong thập kỷ tới, tuy nhiên trong ngắn hạn, họ cho rằng PBoC có thể tiếp tục tạm dừng mua thêm cho đến khi giá vàng giảm từ mức cao kỷ lục.

“Sự kết hợp của các yếu tố theo chu kỳ chỉ ra rằng nhu cầu vàng ở Trung Quốc đang suy yếu trong ngắn hạn”, các nhà phân tích cảnh báo. “Giá tăng cao đã gây áp lực lớn lên nhu cầu vàng trang sức. Các biện pháp kích thích kinh tế sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và hiệu suất thị trường chứng khoán sẽ tăng”.

Các nhà phân tích cho rằng: “Kết hợp tất cả các yếu tố này này lại, cho thấy sức hấp dẫn của vàng so với các tài sản khác có thể sẽ giảm và nhu cầu “trú ẩn an toàn” đối với vàng ở Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt”.

Tuy nhiên, sự tạm dừng này chỉ là tạm thời vì nền kinh tế của đất nước này dự kiến ​​sẽ suy thoái đáng kể, chủ yếu do sự khủng hoảng của thị trường bất động sản.

“Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ tăng mạnh, tạo áp lực tăng giá đáng kể trong suốt thập kỷ còn lại”, theo các nhà phân tích.

“Chúng tôi cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế sẽ chỉ có thể trì hoãn, chứ không thể ngăn chặn sự suy thoái kinh tế do bất động sản sắp xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến lựa chọn đầu tư thay thế hướng đến vàng, do đó thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại này như một loại tài sản trú ẩn an toàn”.

Một trong những động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng là thực tế vàng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong dự trữ của Trung Quốc trong khi quốc gia này tiếp tục lựa trọn “tránh xa” đồng đô la Mỹ, Capital Economics cho rằng vàng sẽ giúp lấp đầy khoảng trống này.

“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể là một nhân tố chính trên thị trường toàn cầu vì họ có 3 nghìn tỷ đô la tài sản dự trữ nhưng hiện chỉ nắm giữ 5% trong số này bằng vàng”, các nhà phân tích cho biết.

“Chẳng hạn, nếu PBoC tăng tỷ lệ vàng lên ngang bằng 9% của Ấn Độ, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương này cần khoảng 15.000 tấn vàng - tương đương với khoảng 30% nhu cầu vàng toàn cầu vào năm 2023”, các nhà phân tích lưu ý. “Nếu những lần mua này được trải dài trong 10 năm, điều này sẽ làm tăng thêm khoảng 3% nhu cầu vàng toàn cầu hàng năm, chắc chắn sẽ thúc đẩy giá”.

Vì vậy, trong khi nhu cầu từ PBoC vẫn ở mức thấp trong thời gian tới, Capital Economics dự kiến ​​hoạt động mua vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và người dân sẽ tăng trở lại trong thập kỷ tới khi nền kinh tế nước này phải vật lộn với nhiều thách thức.

“Triển vọng kinh tế vĩ mô kém khả quan và thiếu các lựa chọn đầu tư đang ngày càng thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến vàng. Điều này, cùng với việc mua vàng mang tính chiến lược của PBoC, sẽ tác động đến giá vàng toàn cầu mạnh hơn bao giờ hết”, các nhà phân tích kết luận. “Chúng ta có thể thấy nhiều đợt biến động giá - phần lớn là tăng giá, diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc "bước đi trên con đường gập ghềnh" để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong thập kỷ này”.

D.Q

Kitco