Bất động sản nghỉ dưỡng

Động lực bật dậy hậu Covid-19

14:00 | 07/12/2021

339 lượt xem
|
(PetroTimes) - Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng ngay sau khi bước vào thời kỳ “bình thường mới”, du lịch nói chung, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng, đã và đang nỗ lực hồi phục. Động lực nào để bất động sản nghỉ dưỡng (BĐSND) bật dậy và phát triển?
Động lực bật dậy hậu Covid-19

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Mô hình dự án có nhiều thay đổi

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý III/2021, cả nước có 26 dự án mới với hơn 1.300 biệt thự du lịch được cấp phép, tập trung chủ yếu tại Bình Thuận và Lâm Đồng. Có 54 dự án với 14.500 căn hộ du lịch và gần 4.000 biệt thự du lịch đang được triển khai tại Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên... Cũng trong 3 quý năm 2021, có khoảng 10.000 sản phẩm BĐSND được chào bán. Tỷ lệ hấp thụ lên đến 30-40% - tỷ lệ khá cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước.

BĐSND có điều kiện phát triển là do mô hình dự án của chủ đầu tư thay đổi. Thị trường ghi nhận không còn dự án nhỏ lẻ “ăn theo” hạ tầng chung mà phát triển thành các dự án đa mục tiêu, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, một số dự án kết hợp thêm vui chơi, văn hóa, mua sắm...

Thị trường bất động sản du lịch có thể chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất từ năm 2018 trở về trước, phát triển nóng. Mô hình sở hữu, ủy quyền khai thác phát triển đột phá, cùng với đó là các cơ sở lưu trú nở rộ tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc... Tỷ lệ hấp thụ, giao dịch thành công của các dự án nghỉ dưỡng, condotel, biệt thự biển tới trên 80%.

Giai đoạn thứ hai là từ năm 2019-2021, giao dịch chững lại, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa hầu như không có giao dịch. Nguyên nhân chính không phải do dịch bệnh mà do tại nhiều địa phương, số dự án đã quá lớn, gần như bão hòa.

Động lực bật dậy hậu Covid-19
Động lực bật dậy hậu Covid-19

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Chăm sóc sức khỏe hậu đại dịch

Thực tế cho thấy, chỉ khi nào du lịch phát triển thì BĐSND mới phát triển. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đang nổi lên xu hướng “thời thượng” du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Bởi khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì vấn đề an toàn, chăm sóc sức khỏe càng được đặc biệt quan tâm. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, có lẽ thị trường BĐSND sẽ phục hồi nhanh nhất.

Thị trường BĐSND Việt Nam trong những năm qua phát triển khá nhanh. Hiện nay, các thương hiệu nổi tiếng thế giới đã xuất hiện khắp các vùng, miền Việt Nam, đặc biệt là các khu vực ven biển, sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm BĐSND Việt Nam nở rộ mạnh mẽ trong thời gian tới. Thế nhưng, theo tôi, ngoài phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven biển, cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng ở miền núi, Tây Nguyên, đồng bằng... Có lẽ, du lịch nghỉ dưỡng ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đang bị bỏ quên.

Động lực bật dậy hậu Covid-19

Ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Quy mô lớn, đa mục tiêu, nhiều tiện ích

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề. Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất đã được Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện.

Ngay sau khi bước vào thời kỳ bình thường mới, các chủ đầu tư, các địa phương đã quay lại triển khai các dự án để bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới. BĐSND tác động lớn đối với ngành du lịch. Nếu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tăng 1% sẽ góp phần tăng trưởng 0,325% cho ngành du lịch. Con số này phần nào cho thấy vai trò quan trọng của bất động sản du lịch với thị trường bất động sản cũng như với ngành du lịch Việt Nam.

Các sản phẩm BĐSND trong thời gian tới sẽ mang tính quy mô lớn, đa mục tiêu, nhiều tiện ích trong một dự án. Trong giai đoạn trước, các dự án sản phẩm truyền thống phần lớn chỉ có 2 chức năng chủ yếu là ăn uống và ngủ nghỉ. Nhưng thời gian tới, các dự án BĐSND sẽ có thêm chức năng nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao...

Mong muốn thị trường BĐSND phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn thiết kế đối với căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng để các chủ đầu tư thực hiện. Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện quy định cụ thể về mẫu hợp đồng mua bán sản phẩm BĐSND, tạo cơ sở vững chắc cho loại hình này phát triển, bởi một số nội dung về mẫu hợp đồng mua bán loại hình BĐSND hoặc các thủ tục liên quan chưa được quy định một cách cụ thể.

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam: Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn khác với bất động sản nhà ở. Thời gian hoàn vốn bất động sản nghỉ dưỡng (khách sạn, resort) khoảng 8-10 năm, tỷ suất sinh lời 10-12%/năm, trong khi thời gian hoàn vốn bất động sản nhà ở chỉ mất 3-5 năm. Trong thời gian đó luôn có những biến động về kinh tế hoặc thị trường mà nhà đầu tư phải dự phòng trước cho những rủi ro. Bất động sản nghỉ dưỡng giai đoạn 2020-2021 thực sự khó khăn, vì nguồn thu không có. Song, với những nhà đầu tư có cái nhìn trung và dài hạn, khó khăn đó là bình thường.

Thanh Hồ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc