Đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng có xu hướng giảm dần
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với báo giới trước những lo ngại về việc từ tháng 7/2017, nguồn vốn ODA không còn và từ năm 2018, nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng không còn, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, để bù đắp sự thiếu hụt này, Việt Nam cần huy đồng tín dụng từ các nguồn vốn ngoài nhà nước cũng như thực thi chính sách đầu tư tập trung, hiệu quả.
Theo ông Tuyến, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào đầu tư. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mức đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng có xu hướng giảm dần. Nếu như trước đây, đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng khoảng 60% thì những năm gần đây chỉ còn khoảng 53% và nhường cho các nhân tố khác. Đây là một tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế khi các nhân tố khác như thương mại, dịch vụ… trong nước có xu hướng phát triển.
Còn nếu xét riêng về vốn vay ưu đãi thì đây là nguồn vốn đầu tư chiếm tỉ trọng thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn vay ưu đãi thì nằm trong khu vực nhà nước, trong khi toàn bộ vốn đầu tư của khu vực nhà nước chỉ chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Còn lại là các nguồn vốn từ doanh nghiệp, các FDI…
“Nếu mất đi nguồn vốn ODA ưu đãi và xa hơn nữa là vốn vay ưu đãi của ADB thì giải pháp của chúng ta sẽ là phải tăng huy động tín dụng từ các đối tượng ngoài nhà nước” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước đạt 297,8 ngàn tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và bằng 32% GDP. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 99,9 ngàn tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn và tăng 4,9% so với cùng kỳ; Khu vực ngoài nhà nước đạt 117,4 ngàn tỉ đồng, chiếm 39,4% và tăng 13,8% so với cùng kỳ; Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 80,5 ngàn tỉ đồng, chiếm 27,1% và tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong quý I/2017 ước đạt 45,4 ngàn tỉ đồng, bằng 15,6% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó vốn Trung ương quản lý đạt 9,7 ngàn tỉ đồng, bằng 14,3% và tăng 1,6%; Vốn địa phương quản lý đạt 35,7 ngàn tỉ đồng, bằng 16% và tăng 6,4%.
Đáng chú ý, về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính đến 20/3, cả nước có 493 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký là trên 2,9 tỉ USD, tăng 4,2% về số lượng dự án và 6,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 3,9 tỉ USD. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 1.077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,9 triệu USD.
Hà Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 3/12: Giải ngân vốn ODA tại các bộ, ngành mới đạt hơn 39%
-
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ/ngành mới đạt 39,1%
-
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành y tế, giáo dục
-
Bộ Tài chính đề xuất loạt giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA
-
Đến 15/5, giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 8,58%
-
Tin tức kinh tế ngày 12/5: Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thuế quan
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay bật tăng
-
Giá vàng hôm nay (12/5): Tiếp tục duy trì ở mức cao
-
Giá dầu hôm nay (12/5): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/5: Nord Stream 2 trước những biến động mới