Đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh

12:04 | 11/03/2012

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 GS. TS Đỗ Đức Bình, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có WTO là một xu hướng tất yếu. Bên cạnh những cơ hội thì doanh nghiệp (DN) cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức. Chính vì vậy, đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh chính là một trong những yêu cầu sống còn đối với DN.

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO”, các đại biểu tham dự đều cho rằng: Phần lớn các DN ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường còn yếu.,… đặc biệt là chưa theo kịp những yêu cầu mới của hội nhập và cam kết với WTO.

Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam rất yếu.

Theo GS.TS Đỗ Đức Bình, để từng bước hạn chế những yếu điểm trên, các DN Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải đổi mới, nâng cao trình độ khoa học công nghệ của DN. Đây chính là yếu tố có tính chất chiến lược đối với sự phát triển và sức mạnh của mỗi DN trên thương trường. Muốn thưc hiện tốt các điều nêu trên, các doanh nghiệp cần dành một tỷ lệ thích đáng các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hình thành các dây chuyền sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với sự phát triển nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng dân cư từng khu vực và trên thế giới. Để góp phần khắc phục biến đổi, khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Thứ hai, có chính sách phát triển cho các DN có khả năng cạnh tranh quốc tế bởi trong điều kiện khả năng cạnh tranh quốc tế của các DN và hàng hóa Việt Nam còn thấp (cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả, uy tín..) thì Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đó là các doanh nghiệp đi vào thị trường ngách, cung ứng ở những phần nhỏ của thị trường quốc tế rộng lớn, có nhiều đối thủ cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng được chiến lược cạnh tranh tích cực gắn liền với chính sách cơ cấu, tập trung mạnh vào các phần thị trường, những sản phẩm mà các đối thủ cạnh tranh không quan tâm hoặc còn bỏ ngỏ, chú trọng đầu tư để tạo ra sự khác biệt của sản phẩm với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Nhà nước chỉ nên thực hiện sự bảo hộ và ưu đãi đối với những ngành, bộ phận giá trị trong những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Sự bảo hộ, ưu đãi này chỉ mang tính tạm thời, có chọn lọc, gắn với từng địa chỉ cụ thể tùy thuộc vào lộ trình hội nhập và phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ sắp xếp, đổi mới thực sự hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, phân loại, công khai hóa tài chính của từng doanh nghiệp.

Thứ ba, DN phải thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng và đăng ký thương hiệu, nhãn mác sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế để hội nhập có hiệu quả, hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Phải bằng mọi biệp pháp để thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng và đăng ký thương hiệu bản quyền, chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế với tư cách là rào cản trong thương mại quốc tế như HACCP, SA8000, ISO 14000 v.v…

Việc xây dựng thương hiệu có thể bằng nhiều cách như liên kết hợp tác xây dựng thương hiệu, liên doanh thương hiệu, mua thương hiệu, tự xây dựng thương hiệu,… Tiếp theo đó là việc xây dựng thương hiệu mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện có tính quyết định là phải đăng ký bảo hộ thương hiệu, phát triển thương hiệu.

Thứ tư, nâng cao tính liên kết hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng DN để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh và phát triển, hay nói một cách khác, các DN luôn luôn sẵn sàng liên kết, hợp tác, hiến kế làm giàu, giành thế cạnh tranh đi lên cùng với đồng đội một cách vững chắc, hiệu quả, an toàn trên con đường hội nhập quốc tế và WTO nói riêng.

Trong điều kiện đa số các DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, số vốn không cao, trình độ khoa học, công nghệ và quản lý thấp, kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế còn hạn chế,… muốn tồn tại và có thể tận dụng tốt cơ hội để phát triển thì biện pháp hữu hiệu nhất là tăng cường các mối liên kết, hợp tác giữa các DN Việt Nam với nhau, giữa DN Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chính việc phát triển và mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, liên danh và liên doanh giữa các DN sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để khắc phục tính yếu kém từng mặt của mỗi doanh nghiệp, gắn kết các DN trong mối quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc và tùy thuộc vào nhau trong sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, các DN cần phải liên kết, hợp tác với nhau thông qua hiệp hội, ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bằng các yếu tố thị trường như chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, dịch vụ hậu mãi thuận tiện và hoàn hảo nhất,v.v… và hơn nữa, yếu tố có tính quyết định, bền vững trong kinh doanh là các DN Việt Nam phải giữ "chữ tín” trên thương trường.

Thanh Ngọc