“Đôi co” tiền tác quyền liveshow Khánh Ly: Đôi bên đều... sai!

11:00 | 15/08/2014

1,319 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – đơn vị đi đòi tiền tác quyền và Ban tổ chức liveshow Khánh Ly đều có cái sai!

Chuyện tác quyền âm nhạc Việt Nam đang trở nên lùm xùm hơn bao giờ khi đại diện VCPMC là nhạc sĩ (NS) Phó Đức Phương và công ty Đồng Dao, đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly đôi co nhau. Cụ thể là trước giờ diễn ra hai đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội (2/8) và tại Đà Nẵng (8/8), NS Phó Đức Phương đã thân chinh đến tận nơi tổ chức biểu diễn để… đòi tiền tác quyền. Và đây là chuyện chưa từng có tiền lệ với NS Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC.

Thế nhưng, trớ trêu thay là cả hai lần ông NS đi đòi tiền tác quyền đó đều bất thành; thậm chí lần ở Đà Nẵng, vị NS này còn bị bắt ngồi chờ hàng giờ để rồi sau đó là… bị đuổi về!

NS Phó Đức Phương

Từ đó, câu chuyện tác quyền show Khánh Ly bắt đầu trở nên bùng nổ trên báo chí, hai bên đã có những tranh luận khá gay gắt. Sự việc có thể được tóm gọn trong 2 vấn đề: thứ nhất là phía BTC và VCPMC không thỏa thuận được mức phí tác quyền, thứ hai là việc tranh cãi về bằng chứng từ phía VCPMC để chứng minh họ có quyền thu phí tác quyền nhạc Trịnh. Theo phía Đồng Dao đòi hỏi là phải có đủ 7 chữ ký của người trong gia đình NS Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, hiện tại VCPMC chỉ có mỗi chữ ký ủy quyền của bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái NS Trịnh Công Sơn.

Không chỉ có giữa Đồng Dao và VCPMC tranh cãi mà dư luận, giới âm nhạc cũng chia ra thành hai phe. Một bên ủng hộ sự quyết liệt trong việc đòi tiền tác quyền âm nhạc của NS Phó Đức Phương, nhưng một bên thì lại phê phán, chỉ trích hành động của ông như là “giang hồ đòi nợ” là “ăn vạ”. 

Tuy nhiên, dù lý do gì thì vụ lùm xùm này cũng là chuyện đáng buồn cho nhạc Việt, nó cho thấy thánh đường đang bị vấy bẩn. Nhưng ở mặt khác, đây lại là một sự kiện cần thiết, bởi qua đó nó phản ảnh lên một thực tế tồn tại rất nhiều năm nay rằng, chuyện tác quyền âm nhạc còn nhiều bất cập và hầu như không được tôn trọng.

Nhiều nhạc sĩ cho biết, họ hầu như rất hiếm khi được phía đơn vị tổ chức liên hệ về chuyện tác quyền âm nhạc khi sử dụng ca khúc của họ. Trong cả nước, hàng đêm có biết bao chương trình ca nhạc diễn ra từ các sân khấu lớn nhỏ đến các phòng trà, nhưng tiền tác quyền âm nhạc từ hoạt động biểu diễn thu về rất ít!

Ca sĩ Khánh Ly

Trở lại chuyện tranh cãi giữa VCPMC mà cụ thể là NS Phó Đức Phương và Đồng Dao, ai đúng, ai sai trong vụ này?Theo phân tích của những nhạc sĩ tên tuổi đứng ngoài cuộc quan sát thì: cả hai đều sai!

Đầu tiên, cái sai có thể thấy đó là việc NS Phó Đức Phương đến tận nơi tổ chức biểu diễn để đòi tiền tác quyền. Rõ ràng đó là hành động không nên có, dẫu là vì ông bức xúc trước thái độ chây ì, thách thức, thiếu tôn trọng quyền sử dụng tác phẩm của đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly, công ty Đồng Dao. Nếu ông kết hợp với cơ quan chức năng thì sẽ được công nhận hơn.

Về phía Đồng Dao, việc họ đòi VCPMC phải có đủ 7 chữ ký của các thành viên trong gia đình nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã vấp phải phản ứng gay gắt của nhiều nhạc sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một điều rất vô lý, thậm chí đó được xem là hành động “vừa ăn cắp, vừa la làng”!

Vô lý ở chỗ là xưa nay bà Trịnh Vĩnh Trinh được biết là người đại diện hợp pháp trong vấn đề tác quyền các ca khúc nhạc Trịnh. VCPMC có được sự ủy quyền của bà thì việc họ tiến hành làm đại diện thu tiền tác quyền từ các chương trình biểu diễn có ca khúc nhạc Trinh là điều hợp lý! Thế nhưng, phía BTC đã bắt bẻ rằng: gia đình NS Trịnh Công Sơn có 7 anh chị em thì phải có sự ủy quyền của đủ 7 người đó mới… hợp lệ!

Nhưng chuyện sai rành rành của Đồng Dao đó chính là việc họ đã cho buổi biểu diễn diễn trước khi hoàn tất thủ tục tác quyền với VCPMC! Đó là chưa kể, nhiều nhạc sĩ đặt ngược lại vấn đề rằng, nếu Đồng Dao nói VCPMC chưa đủ căn cứ để đòi tiền tác quyền vì chưa có đủ 7 chữ ký, vậy thì phía BTC đã có đủ các chữ ký để được phép sử dụng các ca khúc nhạc Trịnh trong chương trình Khánh Ly chưa?! Câu trả lời chắc chắn là không có!

Trong vụ lùm xùm nay thì việc thu tiền tác quyền cao hay thấp cũng gây tranh cãi nảy lửa. Phía BTC cho rằng VCPMC thu cao bất hợp lý. Nhưng rõ ràng việc này đã có “luật lệ” rằng, thu bao nhiêu là căn cứ vào tính chất chương trình và lượng vé thực tế bán ra. Ví dụ, với những chương trình ca nhạc từ thiện thì phía VCPMC sẽ không thu tác quyền, hoặc có chăng là tượng trưng, rất thấp. Với những chương trình mang tính thương mại, bán vé giá cao như liveshow Khánh Ly thì lại có mức thu khác, và cao thấp là còn tùy vào lượng vé bán ra!

Ca sĩ Khánh Ly im lặng trước vụ việc

Có thể nói, chính cách xử lý vấn đề của VCPMC liên quan đến tác quyền âm nhạc còn thiếu cơ sở, thiếu chuyên nghiệp; chính sự nhập nhằng của BTC liveshow Khánh Ly, hay nói rộng hơn là sự thiếu tôn trọng quyền tác quyền, thói quen “xài chùa” của nhiều nhà tổ chức đã dẫn đến những lùm xùm tương tự như với liveshow Khánh Ly vừa rồi.

Và cũng có một điều liên quan đến tác quyền âm nhạc cần khẳng định rằng, một người nhạc sĩ đã tận tâm tận trí để viết ra được một tác phẩm, họ rất mong tác phẩm của mình sẽ phục vụ tốt cho nhu cần giải trí của khán giả. Nhưng họ cũng cần được trả công xứng đáng với những cống hiến của họ.

Không ai hít thở khí trời mà sống được cả, cũng chẳng nhạc sĩ nào chỉ sống bằng tiếng vỗ tay của khán giả! Nhà tổ chức sử dụng bài hát của nhạc sĩ để kinh doanh qua hình thức bán vé thì cũng cần thể hiện sự tôn trọng đối với công sức của người nhạc sĩ qua việctrả tiền tác quyền nghiêm túc. Đó không những là đạo đức nghề nghiệp mà còn là nguyên tắc bắt buộc!

Song, rất tiếc là tâm lý “xài chùa” đã gần như chiếm lĩnh trong tư duy của nhiều nhà tổ chức show ca nhạc hiện tại!

Trúc Vân