Độc đáo nét kiến trúc chùa Ông

14:00 | 10/02/2016

4,144 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lâu, chùa Minh Hương (hay còn gọi là chùa Ông, chùa Quan Thánh Đế quân) được xem là một trong những ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Sài Gòn. Nơi đây là địa chỉ tâm linh quen thuộc của cộng đồng người Hoa, người Việt và cả du khách thập phương.

Chùa Minh Hương tọa lạc ở số 184 Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP HCM. Sở dĩ Minh Hương được gọi là chùa Ông hay chùa Quan Thành Đế Quân là vì chùa thờ Quan Vân Trường ở chánh điện; đây cũng chính là tục thờ của người Hoa và nhiều người Việt.

Chùa Ông không quá bề thế về quy mô, chùa nằm yên tĩnh và uy nghiêm giữa khu trung tâm náo nhiệt của Q.5. Chính không gian thoát tục, cùng kiến trúc độc đáo và những câu chuyện tâm linh bí ẩn đã khoác lên ngôi chùa chiếc áo linh thiêng và lôi cuốn.

doc dao kien truc chua ong
Cửa vào chùa chùa Ông

Chúng tôi đến chùa vào một ngày thường cuối năm, không phải những ngày cao điểm lễ bái Rằm hay Mùng 1 nhưng khách đến viếng chùa vẫn khá đông. Có người thì chủ yếu đến tham quan, chụp ảnh, đó là những du khách nước ngoài. Người thì đến thấp hương lễ bái rất cung kính và thành tâm, họ là những người thường xuyên đến đây để cầu nguyện về chuyện kinh doanh buôn bán hằng ngày của họ.

Đến chùa Ông, ấn tượng đầu tiên đập ngay vào mắt đó chính là lối kiến trúc độc đáo chủ yếu bằng gốm và gỗ. Khắp nơi từ ngoài cổng, mái vòm đến các cột trong chùa đều chạm trổ hoa văn dày đặc. Đặc biệt là trên đỉnh mái chùa là mô hình phù điêu thu nhỏ bằng gốm sứ và phù điêu nghệ thuật cổng tam quan. Hai bên của hai mái vòm cong vút là tượng ông Tơ, bà Nguyệt vươn tay.

doc dao kien truc chua ong
Một phần kiến trúc độc đáo trước cửa chùa
doc dao kien truc chua ong
Một góc trên mái chùa

Chánh điện của chùa thờ bức tượng Quan Thánh Đế mặt đỏ râu dài, áo bào uy nghi. Bên phải có tượng thờ 5 bà Ngũ Hành và bên trái là tượng ông Bổn (ông Địa). Tượng Bồ tát Quán Thế Âm nằm ở bên trái khuôn viên chùa, tượng Phật Di Lặc thì được đặt bên phải, lúc nào cũng đèn nhang nghi ngút khói. Ngay bên trái cửa vào Chánh điện là tượng ngựa Xích Thố cao to, màu nâu đậm.

Bên trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như: tượng thờ bằng gỗ lim có niên đại trên 300 năm, lư hương kiểu cổ, sư tử đá, giá trưng kích thương, các bộ bàn, ghế, giường, đồ gỗ xưa…

doc dao kien truc chua ong
Bên phải chánh điện chùa Ông

Một đặc điểm ấn tượng khác khuôn viên chùa là có hàng chục nén nhang vòng lớn hình chóp nón màu đỏ được treo lơ lửng trên đỉnh đầu.

Các nén hương này do Phật tử phát tâm tạ lễ, trên mỗi nén nhang có treo một mẫu giấy màu đỏ ghi lại lời cầu nguyện của chủ nhân gửi đến đấng linh thiêng. Họ thấp nhang rồi treo nó lên trần chùa. Mùi hương trầm cứ thế lan tỏa khắp nơi, vừa tôn thêm nét thiêng liêng huyền diệu vừa tạo nên nét tĩnh tâm đến lạ thường. Được biết là những nén nhang này thắp đến 2 tuần mới cháy hết…

doc dao kien truc chua ong
Chánh điện thờ Quan Công trong chùa
doc dao kien truc chua ong
Thờ ngựa Xích Thố

Theo quan sát của chúng tôi, anh Huy (40 tuổi, nhà ở quận 6) là người lễ bái thuần thục, nghiêm trang nhất trong các khách đến viếng chùa hôm ấy. Lễ xong, chúng tôi có đến trò chuyện với anh. Anh chia sẻ rằng rất hay đến chùa thấp hương, trước là cầu sự bình an cho mình và người thân, sau là cầu cho công việc kinh doanh được thuận lợi.

Hỏi vì sao chọn chùa này để cầu nguyện, anh Huy cho biết do anh có nhân duyên với chùa. Cách đây mấy năm anh tình cờ vào chùa, sau lần đó anh cảm thấy phù hợp, có niềm tin nên dần dần thường xuyên đến, dù chùa Ông không phải là địa chỉ tâm linh duy nhất của anh ở Sài Gòn này.

Còn chuyện chùa linh thiêng thế nào thì anh Huy bảo tùy vào niềm tin của mỗi người. Bản thân anh cũng nghe là chùa Ông rất linh thiêng, cầu được ước thấy, nhưng anh thì không dám khẳng định, chỉ biết mình thành tâm kính tin thì sẽ có kết quả tốt. Và bản thân anh cũng đã từng đạt được sở nguyện trong chuyện làm ăn.

doc dao kien truc chua ong
Trong chùa có rất nhiều đồ cổ

Được biết, vào những ngày Rằm, mùng 1 khách đến chùa rất đông; đặc biệt nhất là đêm Giao thừa và ngày Vía Quan Thánh Đế Quân 24/06 ÂL hàng năm thì khách đến đông nghẹt, đến mức không có chỗ để đứng.

Kỳ 2: Chùa Ông linh thiêng như thế nào?

Trúc Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.