Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị giảm kiểm tra chuyên ngành
Một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón vi sinh bày tỏ: “15 năm hoạt động nhập khẩu phân bón, cùng một mặt hàng mà lần nào nhập về cũng phải qua phân tích, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, có cần thiết hay không? Trong khi, mỗi lần kiểm tra là hàng hóa doanh nghiệp bị ách tắc, ngưng trệ rất lâu mới được thông quan, gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp”.
Tương tự, Công ty Greendelta Vietnam, phường Tân Phong, quận 7 cũng bức xúc khi tất cả các lô hàng nhập khẩu của công ty đều bị hải quan yêu cầu phải qua kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành mới được thông quan, kể cả hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế hay hàng hóa đã kiểm tra chuyên ngành đạt yêu cầu nhiều lần trước đó.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM đồng tình, việc kiểm tra chuyên ngành hiện nay quá nhiều với 8 luật, 33 nghị định và 134 thông tư liên quan. Đây là nguyên nhân chính gây ách tắc hàng hóa doanh nghiệp dài ngày ở cửa khẩu. Nhưng những việc này nằm ngoài quản lý của cơ quan hải quan mà do các bộ ngành xây dựng danh mục kiểm tra, hải quan chỉ thực thi. Nếu trong kiểm tra hải quan, hàng hóa phân luồng xanh chỉ mất 5 phút, luồng vàng thì mất khoảng 4 giờ, luồng đỏ mất tối đa hai ngày để thông quan thì kiểm tra chuyên ngành lại mất từ 1 tuần đến 2 tháng hàng mới được thông quan. Do đó, việc kiểm tra chuyên ngành quá nhiều sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối thoại giữa doanh nghiệp và Cục Hải quan TP HCM
Theo ông Nghiệp, sắp tới sẽ có một số giải pháp được đưa ra để giảm kiểm tra chuyên ngành như: chấp nhận kiểm tra ở nước xuất khẩu, giảm kiểm tra đối với những mặt hàng đã được kiểm tra trước đó đạt yêu cầu... Đồng thời, tại các cửa khẩu lớn sẽ thành lập lực lượng liên ngành trực tiếp kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không phải mất thời gian đi lại, tìm kiếm đơn vị kiểm tra.
Về hải quan điện tử, đại diện Công ty TNHH Hóa chất Toàn Hưng, 343 Phạm Ngũ Lão, quận 1, chuyên nhập khẩu hóa chất, phụ gia thực phẩm nguồn gốc từ Thái Lan về phân phối cho các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu thắc mắc: Từ khi triển khai hải quan điện tử, mặt hàng nào của công ty cũng bị phân luồng đỏ. Trong khi trước đó thì đa số được phân luồng vàng, nên nhanh chóng thông quan hơn. Công ty luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế, hàng hóa kiểm tra sau thông quan 4 năm liên tiếp đều đạt yêu cầu chất lượng, tại sao lại bị xếp vào diện kiểm tra đặc biệt như vậy?
Về vấn đề này, ông Nghiệp cho biết: Do hải quan điện tử đã mặc định danh mục phân luồng hàng hóa, trong khi đó, trước kia cán bộ hải quan thực hiện phân luồng sẽ còn xem xét một số yếu tố khác như: việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, xuất xứ hàng hóa... nên doanh nghiệp được phân luồng vàng. Việc này, Cục Hải quan TP HCM sẽ ghi nhận và đề xuất có giải pháp để việc phân luồng hải quan điện tử linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng gặp khó khăn do hải quan điện tử được triển khai trước khi có Chính phủ điện tử, nên khi thực hiện hải quan điện tử thì giảm bớt nhiều loại giấy tờ, trong khi doanh nghiệp đến các đơn vị hành chính khác thì lại yêu cầu xuất trình giấy tờ của cơ quan hải quan, doanh nghiệp không có giấy tờ xuất trình, gặp khó khăn trong việc đưa hàng hóa ra thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp nhận định, hải quan điện tử thời gian qua đã nhận được rất nhiều sự đồng tình, hưởng ứng của doanh nghiệp bởi tạo thuận lợi rất lớn. Tuy nhiên, do giai đoạn đầu triển khai nên không tránh khỏi còn nhiều lúng túng. Cục Hải quan TP HCM sẽ ghi nhận và báo cáo Tổng Cục Hải quan để có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Mai Phương
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/5: Xu hướng chậm lại trong các dự án năng lượng tái tạo
-
4 tháng đầu năm, tiêu thụ xăng dầu tăng gần 6%
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm