Doanh nghiệp Việt khó vào chuỗi giá trị toàn cầu
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước được ký kết đã tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao trong các năm trở lại đây.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện Việt Nam có giá trị xuất khẩu trên GDP cao hơn nhiều nước. Tuy nhiên, hiện DN FDI đang chiếm tới 3/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
![]() |
Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ôtô thấp |
Một vấn đề quan ngại nữa, DN Việt chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng sản phẩm để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng các nhà sản xuất lớn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường phàn nàn về việc thiếu các nhà cung cấp trong nước. Công ty Samsung Việt Nam cho biết, có 200 nhà cung cấp trong nước quan tâm đến việc cung cấp linh kiện mà Samsung muốn tìm mua, gồm 91 linh kiện cho Galaxy S4 và 53 linh kiện cho máy tính bảng, nhưng không DN Việt nào có thể đáp ứng các yêu cầu. Hiện nay, số DN Việt là nhà cung cấp linh kiện cho Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là DN các nước (53 DN Hàn Quốc, 7 DN Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Anh). Điều đáng quan tâm, 4 nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam chủ yếu là DN bao bì có giá trị gia tăng thấp, bao gồm: bao bì giấy, bao bì màng mỏng, bao bì giấy gấp nếp.
Ông Charles Kunaka - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới: Việt Nam có nguy cơ bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp, nghĩa là chỉ cạnh tranh giá rẻ. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Một là tiếp tục phát triển như hiện nay, hai là tận dụng cơ hội phát triển công nghiệp trong nước. |
Tương tự, trong ngành công nghiệp ôtô có khoảng 200-300 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, song phần lớn là các DN vừa và nhỏ với năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu, chỉ tham gia ở các giai đoạn giá trị gia tăng thấp, đó là lắp ráp, hàn, sơn. Ngoài ra, các DN trong nước cũng chỉ đóng góp các chi tiết có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động như lốp, ắc quy và dây điện. Chính vì vậy, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ôtô chỉ chiếm khoảng 10-20% so với 45% của Thái Lan. Hiện nay, các nhà cung cấp đa quốc gia cấp 1 là Denso, Yazaki, Robert Bosch, Sews.
Nói về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, cao su Thống Nhất cung cấp khớp nối dưới gầm xe, ống cao su để luồn dây điện tại cửa xe cho công ty Nhật. Tuy nhiên, cao su Thống Nhất phải bán cho một công ty trung gian khác, sau đó công ty này bán lại cho các DN ôtô như: Mazda, Suzuki… Nghĩa là, dù có tham gia vào chuỗi giá trị nhưng DN nội địa vẫn chưa đủ lực để cung ứng linh kiện tới tận tay nhà sản xuất cuối cùng.
Chậm liên kết chuỗi
“DN Việt Nam chỉ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp. Đây chính là công đoạn hạ nguồn của sản xuất, phần thượng nguồn do DN FDI nắm giữ”, ông Charles Kunaka - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB nhận định.
![]() |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhưng kết quả về tăng trưởng và việc làm vẫn do DN FDI mang lại. Trong khi đó, DN FDI không kết nối được với khu vực tư nhân trong nước. Trường hợp có liên kết được thì cũng chỉ là những liên kết cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như: vật tư đơn giản, bao bì. Về cơ bản, hầu hết các DN Việt được tích hợp gián tiếp vào các chuỗi cung ứng và sản xuất các linh kiện không quan trọng của chuỗi giá trị thượng nguồn. Điều này phản ánh trong bảng xếp hạng của Việt Nam về chất lượng của các nhà cung cấp địa phương trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, nơi Việt Nam xếp thứ 109 trong số 138 nền kinh tế, đứng sau Philippines (74), Thái Lan (77), Malaysia (22).
Ông Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Không thể nói là muốn hay không muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang dịch chuyển đầu tư vào Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, thì việc tham gia chuỗi giá trị không chỉ với khâu hàn, sơn, lắp ráp… |
Không ít FDI thông tin, thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là hạn chế lớn nhất mà DN trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo đang phải đối mặt.
Hiện nay, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam chủ yếu là nhà cung cấp cấp 3, được mô tả như là ngành sản xuất các nguyên liệu đầu vào cho nguyên liệu đơn giản, giá trị gia tăng thấp hoặc linh kiện đơn giản. Trong lĩnh vực phần cứng của ngành điện tử, ôtô, những sản phẩm này bao gồm: nhựa, cao su, các bộ phận kim loại, khuôn mẫu. Các nhà cung cấp cấp 3 cũng không liên kết được với các công ty đầu chuỗi - những công ty có công nghệ cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN nội không liên kết được với FDI được lý giải: Nhà cung ứng thiếu kỹ năng, thiếu thông tin, thiếu tài chính, lực lượng lao động thiếu kỹ năng… Những điều đó đang cản trở DN Việt liên kết với DN FDI.
Có 200 nhà cung cấp trong nước quan tâm đến việc cung cấp linh kiện mà Samsung muốn tìm mua, gồm 91 linh kiện cho Galaxy S4 và 53 linh kiện cho máy tính bảng, nhưng không DN Việt nào có thể đáp ứng các yêu cầu. |
Thanh Hồ
-
Lối đi nào để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
-
Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
-
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi
-
Cơ chế “xanh hóa” của EU và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt
-
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4