Doanh nghiệp thất thế, nhà nông chịu thiệt
Trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Chủ trương này hướng đến mục đích vừa giúp Chính phủ điều tiết cung - cầu khi thị trường phân bón có biến động, vừa giảm giá bán cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (gọi tắt là Luật số 71) lại đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế GTGT. Quy định này đã dẫn đến một số bất cập.
Thứ nhất, do mặt hàng phân bón thuộc thuộc diện không chịu thuế GTGT nên hệ quả là không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên. Khi đó, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán, dẫn đến không giảm được giá bán cho người nông dân.
Thứ hai, chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi phải cạnh tranh với nhiều loại phân bón nhập khẩu. Do phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT nên giá bán thấp hơn phân bón sản xuất trong nước. Trong khi đó, theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Do vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, kéo theo tình trạng nhập khẩu phân bón tăng, khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô sản xuất.
![]() |
Nhân viên làm việc tại Cảng xuất hàng Nhà máy Đạm Cà Mau |
Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi doanh nghiệp mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT nên buộc phải tính vào chi phí sản xuất, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nông dân sẽ phải mua phân bón sản xuất trong nước với giá cao hơn phân bón nhập khẩu, vì phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, khi thực hiện Luật số 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân super lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải tăng giá bán sản phẩm. Và như thế, nông dân là người cuối cùng phải gánh chịu hậu quả do phân bón tăng giá.
Nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước không thấp; giá than, giá khí không giảm, cộng với việc không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời phải cạnh tranh khốc liệt với phân bón nhập khẩu về giá nên nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất, giảm giá bán sản phẩm tối đa để cạnh tranh. Cũng vì thế, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước liên tục bị sụt giảm lợi nhuận. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu từ các thị trường khác như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Điều đó càng dẫn đến suy giảm khả năng cạnh tranh của phân bón trong nước ngay trên thị trường nội địa.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng trăm nghìn tấn là một minh chứng cho “tác động ngược” của Luật số 71, vừa kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân. Chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh phân bón nhập khẩu là hưởng lợi nhiều nhất.
Ngành phân bón muốn được đóng thuế
Nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón trong nước cho rằng, việc áp dụng Luật số 71 khiến không ít doanh nghiệp mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Để sản xuất vài trăm nghìn tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật số 71, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, làm tăng giá trị tài sản cố định. Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật số 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản. Cụ thể: Tại Tổng Công ty phân bón hóa chất Dầu khí – (PVFCCo) Dự án NPK khoảng 180 tỷ đồng; tại Công ty cổ phần phân bón Cà Mau (PVCFC) Dự án NPK khoảng 80 tỷ đồng không được khấu trừ phải ghi nhận tăng tổng giá trị đầu tư (tính chung, thuế GTGT không được khấu trừ từ năm 2015 đến 2018 khoảng 25,33 tỷ đồng).
![]() |
Toàn cảnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ |
Ngoài ra, việc loại bỏ thuế GTGT đối với phân bón còn làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp sản xuất phân bón cho ngân sách Nhà nước. Có nghĩa là, trong khi chi phí doanh nghiệp tăng lên thì nguồn thu ngân sách Nhà nước lại giảm đi. Những bất cập này đã nhiều lần được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước và đề xuất sửa đổi Luật Thuế theo hướng đưa phân bón sản xuất trong nước vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại thuế suất 5% như trước. Thực tế, từ tháng 8.2017, Bộ Tài chính đã từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%. Thế nhưng, đến nay dự thảo luật này vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc.
Chính sách thuế bất cập có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam “đi thụt lùi”, ngược xu thế thế giới - từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu. Về dài hạn, nếu không có sự thay đổi thì nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác. Cuối cùng, môi trường, sức khỏe người sản xuất nông nghiệp và nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do trên thị trường có quá nhiều loại phân bón mà không dễ dàng gì để kiểm soát chất lượng tất cả.
Vì vậy, để sớm tháo gỡ những khó khăn, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà sản xuất phân bón trong nước, trong đó có 2 doanh nghiệp thành viên Tập đoàn là PVFCCo và PVCFC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét quyết định cho phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0% (không phần trăm) cho sản phẩm phân bón cho đến khi chờ sửa đổi Luật.
Theo Đại biểu nhân dân
![]() |
![]() |
![]() |
-
Tin tức kinh tế ngày 26/11: Kinh doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế VAT
-
Bất cập trong quy định thuế VAT đối với ngành phân bón
-
Bộ Tài chính phản hồi đề xuất bỏ quy định miễn VAT đối với hàng hóa có trị giá nhỏ
-
Nhà nông Nam Định: run rẩy đối mặt cơn bão lớn
-
Đề nghị đánh thuế VAT hàng nhập giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ
-
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong huy động và sử dụng dòng vốn nội bộ
-
Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
-
Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
-
Chuyến thăm 4 nước của Tổng Bí thư tạo thêm động lực và nguồn cảm hứng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới