Doanh nghiệp nhỏ lo hụt hơi chạy theo 4.0

07:08 | 21/09/2018

285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một số doanh nghiệp lớn đã hòa nhập "cuộc chơi" 4.0, trong khi đa phần doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ tụt lại, nếu không năng động.

"Cơn lốc" 4.0 với việc ứng dụng hàng loạt công nghệ như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, công nghệ trực quan, thực tế ảo... đã có mặt trong ngành công nghiệp sản xuất thức uống.

Ông Nguyễn Văn Phi Vân - Giám đốc kỹ thuật của Tetra Pak Việt Nam cho biết, ứng dụng 4.0 vào ngành này có 4 cấp độ, từ kiểm soát chức năng từng chi tiết đến cả dây chuyền, cả nhà máy và cao nhất là kết nối tất cả nhà máy trong hệ thống. Một số giải pháp tổng thể được xem là "thời thượng" như truy xuất toàn bộ dữ liệu quá trình sản xuất, bảo trì tiên toán hay thực tế ảo.

Nơi ông Vân làm việc có thể là cái tên xa lạ với người tiêu dùng, nhưng hiện là nhà cung cấp vỏ hộp và dây chuyền máy móc cho hầu hết doanh nghiệp thức uống đóng gói tại Việt Nam. Ông Jeffrey Fielkow - Tổng giám đốc Tetra Pak Việt Nam tiết lộ, đã có khách hàng đã đầu tư những giải pháp rất "xịn".

Cụ thể, một doanh nghiệp dự kiến từ 18-24 tháng tới sẽ tung sản phẩm với bao bì có QR Code, giúp người dùng biết mọi thông tin sản phẩm mà họ uống, từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, đến đóng gói, vận chuyển qua các kênh. "Giải pháp này đòi hỏi đầu tư tiền bạc khá lớn, nhất là cho khâu công nghệ máy móc", ông Jeffrey Fielkow bình luận.

Doanh nghiệp nhỏ lo hụt hơi chạy theo 4.0
Công nghiệp 4.0 đang chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn.

Một đại gia đồ uống khác còn có nhà máy với toàn bộ thiết bị kết nối hoàn toàn. Vài đơn vị khác đã dùng công nghệ thực tế ảo trong bảo trì, xử lý sự cố.

"Người phụ trách máy đeo kính thực tế ảo thì có thể kết nối với các chuyên gia nơi xa. Tất cả thông tin tại nhà máy ở Việt Nam mà kỹ sư nhìn thấy thì người bên kia cũng thấy trong thời gian thực, giúp cho các thông tin hướng dẫn nhanh chóng", vị tổng giám đốc mô tả.

Chuyển động của ngành đồ uống là một ví dụ về ứng dụng của 4.0 ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người tiên phong đa phần là doanh nghiệp lớn. Có lo ngại rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ "hụt hơi" trong cuộc chạy đua này.

"Nhiều doanh nghiệp nhỏ không lớn nổi, do tự phát, tự đầu tư, không biết đường phát triển. Mặt khác, lại có những công ty phát triển rất lớn nhờ sự đầu tư và tập trung công việc từ nhà nước", ông Phan Xuân Trung - Đại diện một công ty về phần mềm quản lý bệnh viện băn khoăn tại hội thảo "Chuyển đổi kinh tế số Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4" diễn ra hôm 20/9 tại TP HCM.

Những lo ngại là có cơ sở. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đóng góp khoảng 40% GDP và sử dụng 51% lao động. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hầu hết doanh nghiệp này đều đang thờ ơ hoặc coi những khái niệm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 rất xa vời.

Theo nghiên cứu của Russell Reynolds Associates, 5 ngành chịu tác động lớn nhất của công cuộc chuyển đổi số bao gồm truyền thông, viễn thông, tài chính, bán lẻ, công nghệ.

"Theo đánh giá cá nhân, ở Việt Nam, ngành viễn thông đang tích cực nhất. Các doanh nghiệp lớn đã có lộ trình chuyển đổi số sẵn sàng. Kế đến là tài chính, các ngân hàng giờ có phần mềm lõi (core banking) khá tốt. Họ còn kết hợp với Fintech và nghiên cứu dùng Blockchain. Ngành truyền thông chuyển đổi số cũng nhiều còn bán lẻ có phần ít hơn", ông Đào Trung Thành - Giám đốc kỹ thuật Media Venture Vietnam Group bình luận.

Tuy nhiên, giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện trưởng Viện John von Neumann cho rằng, các thành thức về ngành và quy mô không "bít cửa" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Cách mạng 4.0.

"Tôi vẫn thấy có con đường cho những công ty nhỏ. Ngay cả những vấn đề phức tạp thì cũng có chỗ cho công ty lớn và nhỏ tham gia", ông Bảo trấn an.

Ông Vũ Ngọc Anh - Giám đốc điều hành Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, cần có cách tiếp cận về 4.0 gần gũi, thiết thực hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp này cũng cần chủ động hơn trong việc sáng tạo.

“Chúng tôi mong muốn câu chuyện Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ ngày càng gần gũi, thiết thực hơn với cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Họ là những công ty năng động, là môi trường tốt để nuôi dưỡng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng tôi tin tưởng nếu dành đủ sự quan tâm và quyết tâm cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 , các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến chuyển nhanh chóng, tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp lớn tiếp theo", ông Vũ Ngọc Anh lạc quan.

Theo VnExpress.net

Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh thời là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Lo Việt Nam thành bãi rác công nghệ trong cách mạng 4.0
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Quốc gia đang phát triển có nhiều cơ hội trong CMCN 4.0
Cha đẻ của khái niệm công nghiệp 4.0: 'Đừng để con người thành nô lệ của robot'