Số hóa doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược
Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng, các khách mời cao cấp cùng chia sẻ, thảo luận về doanh nghiệp số và các bước đi quan trọng để chuyển đổi số thành công trong thời đại công nghệ 4.0.
Thực tế hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, tạo ra nhiều chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống, xã hội. Theo nghiên cứu của Microsoft cho thấy, chuyển đổi số góp phần tích cực giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động. Điển hình như trong năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng 15% và dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 21%.
![]() |
Phó Chủ tịch HCA Phí Anh Tuấn chia sẻ tại hội thảo |
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) Phí Anh Tuấn khẳng định, số hóa doanh nghiệp là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Ông Tuấn cho rằng, dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và giá thành thu thập dữ liệu có ích cho doanh nghiệp giảm nhanh. Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ giúp con người phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, năng suất hơn và hiệu quả hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning (học máy), dữ liệu lớn (BigData)…
Công nghệ thông tin với nền tảng thứ ba cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào sản xuất kinh doanh với giá thành rẻ hơn, linh hoạt hơn. Từ những lợi thế đó, ông Tuấn đưa ra khuyến nghị, mỗi một doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường số hóa cho chính mình và sẵn sàng cho kết nối với doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái số hóa.
Theo ông Phí Anh Tuấn, việc cần làm đầu tiên của chủ doanh nghiệp đó là thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi người trong doanh nghiệp. Sau đó, cần lượng hóa các chỉ tiêu mà mô hình Digital Business mang lại, trong đó có 5 yếu tố phải xem xét lượng hóa để hình thành chiến lược kinh doanh số gồm: mô hình kinh doanh tạo nên từ công nghệ số; danh mục sản phẩm và dịch vụ được số hóa; thông tin, dữ liệu được coi là tài sản của doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào sản xuất kinh doanh; số hóa nội dung, phương tiện truyền tải và kênh truyền tải.
Bên cạnh đó, tư duy đầu tư cần có tính kế thừa để hình thành “năng lực số” trong doanh nghiệp. “Năng lực số” - nền tảng của Digital Transformation bao gồm: dữ liệu và quy trình thống nhất; năng lực phân tích; tích hợp nghiệp vụ gắn chặt với các hệ thống CNTT và giải pháp phải cung ứng được.
Phó Chủ tịch HCA khẳng định: “Nếu thực hiện được quy trình trên, thành ngữ “cá lớn nuốt cá bé” sẽ không còn luôn đúng. “Bằng sáng tạo trong Digital Transformation, “cá bé” nếu nhanh chóng áp dụng công nghệ số sẽ sớm “nuốt cá lớn”.
![]() |
GS.TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ tại hội thảo |
GS.TSKH Hồ Tú Bảo - Viện nghiên cứu cao cấp về Toán cũng khẳng định: Số hóa luôn là lợi thế cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong thời kỹ thuật số phát triển nhanh như vũ bão hiện nay. Có thể thấy, trong kỷ nguyên 4.0, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ nếu muốn xây dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường thì không thể nói không với chuyển đổi số, số hóa quy trình vận hành và quản lý trong doanh nghiệp của mình.
GS.TSKH Hồ Tú Bảo chia sẻ: “Chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi hành trình một cách cụ thể, đồng thời cần nắm vững và có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh”.
Nguyễn Hoan
-
Cùng robot khám phá xu hướng nghề nghiệp của tương lai
-
Khám phá các giải pháp năng lượng thông minh của Eaton tại VIMF 2024
-
Kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số Hà Nội 2024
-
Vietnam Water Week 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu giải quyết các thách thức về tài nguyên nước
-
2 nền tảng số MISA được công nhận là sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024