Đồ chơi ngày Tết: Coi chừng trẻ nhiễm độc!

07:17 | 10/01/2014

2,971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Mỹ và các nước châu Âu đồng loạt nói không với đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, các bậc phụ huynh vẫn thản nhiên chấp nhận thứ đồ chơi tiềm ẩn nhiều hiểm họa này…

>> Đầu độc trẻ bằng đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc

Những ngày qua, thông tin đồ chơi hình trái cây của Trung Quốc sản xuất bị thu hồi vì có chứa chất Phthalate một lần nữa làm rúng động dư luận. Đây không phải lần đầu tiên đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị thu hồi. Trước đó, đèn lồng nhựa Trung Quốc cũng được phát hiện là có hàm lượng cadimi - kim loại độc hại nhất với cơ thể người. Đồ chơi thú nhún, đồ chơi điều khiển dùng pin MH9996M, bóng hơi… đều có chứa phthalate - một chất có thể gây ung thư, tổn thương não, vô sinh hay phá hủy hệ hormone của cơ thể.

Nhưng một thực tế đáng buồn là các đồ chơi này đều được “vào lệnh” thu hồi sau khi trẻ đã… chơi chán. Sự thật là đa số những mẫu đồ chơi nhiễm độc bị thu hồi đều là sự “ăn theo”, chỉ khi các nước khác trên thế giới ban bố lệnh thu hồi thì các cơ quan chức năng trong nước mới rục rịch kiểm định.

Trong khi các cơ quan chức năng xử lý còn chậm thì chính các bậc phụ huynh cũng chưa thực ý thức được những hiểm họa đang rình rập sức khỏe của con cái mình.

Đồ chơi Trung Quốc chiếm 90% thị phần đồ chơi trong nước.

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội ngay khi thông tin thu hồi búp bê hình trái cây có chứa chất kịch độc vẫn còn nóng hổi thì thấy rằng: Đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ và đồ chơi Trung Quốc vẫn được các bậc phụ huynh vô tư lựa chọn.

Dọc các tuyến phố bán đồ chơi trên đường Bà Triệu, Hàng Lược, Trương Định, Lương Văn Can… la liệt đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Chị Minh Phương, chủ sạp hàng trên phố Bà Triệu cho hay: “Thông tin về búp bê đầu quả chứa chất độc gì đó, tôi có biết. Hiện tại, cửa hàng cũng không bán đồ chơi đó nữa nhưng nói thật, cứ nói chất này, chất khác, trong khi sản xuất công nghiệp thì làm sao mà tránh được, chỉ khi chất độc vượt quá mức độ cho phép thì mới đáng lo. Tôi thấy nhiều khi cứ hoang mang thái quá thì chỉ thiệt cho trẻ”.

Bắt gặp những quả bóng hơi và hình quả trái cây nằm lẫn với đống đồ chơi vẫn được bày bán trên sạp một cửa hàng cùng tuyến phố Bà Triệu, khi được hỏi chủ hàng cười trừ: "Chúng tôi có biết thông tin và chấp hành nghiêm chỉnh. Những sản phẩm này lẫn với món đồ chơi khác, chưa kịp bỏ...". Nhưng thực tế, theo quan sát của phóng viên thì chủ sạp vẫn lén lút bán ké nhằm “lòe” những khách hàng chưa rõ thông tin.

Dọc trên tuyến phố Lương Văn Can không thấy có bóng dáng những đồ chơi trong hạng mục thu hồi, nhưng khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của la liệt những đồ chơi bắt mắt được bày bán dọc tuyến phố, chị Trần Thị Huyền thẳng thắn: “Cả dãy phố này toàn là hàng Trung Quốc”.

Kiểu dáng đa dạng, bắt mắt và rẻ là lý do lý giải tại sao đồ chơi Trung Quốc lại chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trong nước.

Đi dọc những cửa hàng bán lẻ trên phố Trương Định (Hoàng Mai - Hà Nội), tìm mỏi mắt mới thấy một vài đồ chơi búp bê vải có nhãn mác Việt Nam, nhưng thông tin rất sơ sài. Hàng đồ chơi bằng nhựa của Việt Nam cũng ít, chủ yếu là hàng làm từ nhựa Song Long, Chợ Lớn nhưng kiểu dáng thô, giá thành lại cao hơn đồ nhựa Trung Quốc.

Theo một chủ cửa hàng trên phố Trương Định: "Khi có thông tin về đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc, không cần biết rõ là sản phẩm nào, người dân cũng có e ngại hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng một thời gian nữa sức mua cũng lại tăng thôi, năm hết, Tết đến, nhu cầu đồ chơi cho trẻ nhiều. Mà không chơi đồ Trung Quốc thì cũng chẳng có đồ chơi khác mà thay thế".

Trước thông tin đồ chơi Trung Quốc chứa chất kịch độc nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tư lựa chọn những đồ chơi không nhãn mác .

Dù biết đồ chơi Trung Quốc tiềm ẩn những nguy hiểm, nhưng chị Phương (Cầu Giấy - Hà Nội) tặc lưỡi: “Tôi cũng có nghe nói đồ chơi Trung Quốc độc hại từ lâu rồi, nhưng thấy người ta vẫn mua nhiều thì tôi cứ mua thôi. Trẻ con nhanh chán, chơi vài hôm lại thay đồ mới, mua đồ đắt thì phí quá…”.

Tương tự, anh Trung (Nghĩa Tân - Cầu Giấy) cũng chiều con khi cậu bé thích chiếc ô tô điều khiển pin mang nhãn mác Trung Quốc. Theo anh thì bỏ vài chục nghìn đồng cho một thứ đồ chơi của con là hợp lý, trẻ nhanh chán không cần đồ chơi phải quá bền.

“Biết là nguy hiểm, nhưng con đòi quá, tôi cũng không biết sao. Đồ đắt vài trăm nghìn đồng thì không hợp túi tiền, thôi thì cứ mua cho con thích, rồi cố gắng hạn chế cho tiếp xúc, chắc không phải sản phẩm nào cũng có độc...” - anh Trung giãi bày.

Thực tế, hiện tại các bậc phụ huynh muốn tìm các sản phẩm đồ chơi do Việt Nam sản phẩm cũng khó, vì không nhiều và không đa dạng về mẫu mã. Tất cả các chủ hàng đều chia sẻ một thực tế: Hàng Việt Nam có thể đảm bảo về chất lượng, nhưng kiểu dáng lại không đẹp. Phụ huynh có mua thì trẻ cũng không chơi. Trong khi đó, giá thành hàng Việt Nam cũng khá cao… Do đó lựa chọn đồ Trung Quốc cho trẻ vẫn là sự lựa chọn tối ưu. Và dù đã được khuyến cáo nhưng với tâm lý dễ dãi, chưa phản ứng ngay, chưa đáng lo ngại, các bậc phụ huynh vẫn thản nhiên lựa chọn đồ chơi không rõ nguồn gốc cho con trẻ. 

Tiền lệ đã có quá nhiều những đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc tràn sang Việt Nam cả năm trời mới phát hiện bị nhiễm độc. Ngay như hiện tại, trong khi Mỹ và các nước châu Âu đồng loạt nói không với đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc thì tại Việt Nam, các cơ quan chức năng mới chỉ… cảnh báo.

Khi tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn nhiều bất cập và khó kiểm soát thì nên chăng để bảo vệ trẻ trước những mối hiểm họa khôn lường, đầu tiên chính các bậc phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn đồ chơi an toàn cho con trẻ…!

Huy An