Đỉnh cao như bao bì iPhone

15:00 | 02/05/2023

1,284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bao bì tốt phải bảo vệ, quảng bá và khiến sản phẩm nổi bật. Nhưng Apple còn làm tốt hơn thế, khi giờ đây đập hộp iPhone đã trở thành một nghi thức, chứ không chỉ đơn thuần là một công việc.
Đỉnh cao như bao bì iPhone

Có một sự thật là bao bì iPhone ngày càng tối giản. Dòng iPhone 12 ra đời năm 2020 không có tai nghe và củ sạc, do đó số lượng bao bì giảm một nửa. Đến iPhone 14 ra mắt tháng 9 năm ngoái, Apple bắt đầu chế tạo hộp đựng từ chất xơ mà Apple gọi là “nguồn nguyên liệu tái chế và có trách nhiệm”, đồng thời lượng nhựa trong bao bì cũng giảm xuống còn 5%, so với 7% trong iPhone 12.

Tuy nhiên còn một sự thật khác về hộp iPhone, đó là nó rất ít bị ném vào thùng rác. Hay nói cách khác, người dùng vẫn giữ nguyên vẹn những chiếc hộp iPhone, thay vì ném nó đi. Thống kê năm 2021 cho thấy có đến 28,3% người dùng giữ hộp iPhone mãi mãi, 59,5% giữ hộp cho đến khi thay điện thoại mới, và chỉ 8,4% người dùng ném hộp iPhone đi.

Vì sao iPhone lại làm được điều này?

Năm 2007, Steve Jobs chính thức giới thiệu iPhone. Thế nhưng đến sáu tháng sau, những chiếc iPhone đầu tiên mới ra mắt người dùng. Và lúc đó khách hàng xếp hàng dài tại những cửa hàng để mua iPhone. Hiện tượng này vẫn còn diễn ra mỗi khi iPhone tung ra phiên bản mới.

Nhiều người nói rằng dòng người xếp hàng dài sau 6 tháng ấy chính là kết quả của sự chờ đợi. Và thiết kế hộp đựng của iPhone cũng cùng một “trường phái” như vậy, cũng đều chậm rãi, để người dùng có cảm giác chờ đợi và hồi hộp.

Đa số người dùng sẽ mở hộp iPhone bằng cách nhấc phần nắp. Còn phần nắp thì bao trọn hoàn toàn phần thân hộp. Do đó từ lúc mở nắp đến lúc lực hấp dẫn kéo phần thân hộp lại, để lộ ra phần sản phẩm bên trong, thì những giây phút ấy đem đến cảm giác phấn khích và trông ngóng cho khách hàng. Và khi nghe một tiếng động nhỏ thoát ra, người dùng biết phần nắp đã được tách khỏi thân.

Mở được phần nắp ra rồi, thì cũng tốn thêm một chút thời gian để mở hết các lớp của hộp, để thấy được toàn bộ sản phẩm bên trong. Đó là chưa kể một số bộ phận còn được gói lại như gấp origami vậy.

Bà Greta Diesel, giám đốc sáng tạo cấp cao tại công ty truyền thông thương hiệu và thiết kế Landor Fitch, phân tích rằng đội ngũ thiết kế của Apple đã rất chú trọng tạo ra một trải nghiệm “đập hộp” khó quên cho người dùng. Ở đó, những khách hàng vừa mua chiếc iPhone mới phải chờ đợi một khoảng thời gian mới có thể nhìn thấy sản phẩm của mình. Và trong thời gian chờ đợi, thì sự hồi hộp được đẩy lên cao độ.

Trong một bài đăng Twitter năm 2021, tài khoản Trung Phan mô tả rằng đập hộp iPhone là một trải nghiệm bằng nhiều giác quan: *thấy* hộp, *cảm nhận* chiếc hộp đang từ từ mở ra, *nghe* được một tiếng thoát khí khe khẽ vang ra.

Trong một cuốn tiểu sử về Steve Jobs, ông Jonathan Ive, trưởng nhóm thiết kế Apple từ 1992 đến 2019, cho biết ông và Steve đã làm việc rất lâu về bao bì của iPhone. Họ muốn tạo ra một nghi thức, ở đó chiếc hộp là sân khấu, và trải nghiệm đập hộp là một câu chuyện. Vì vậy mà các video đập hộp điện thoại đã trở nên cực kỳ phổ biến.

Có lẽ video đập hộp iPhone “phức tạp” nhất từng xuất hiện trên YouTube là video năm 2019 của kênh Mrwhosetheboss. Trong video đó, người này đập hộp 14 phiên bản iPhone, từ đời cũ nhất cho đến đời mới nhất (tính đến thời điểm đó), ngoại trừ phiên bản 2007. Hiện nay video này nhận về xấp xỉ 16 triệu lượt xem.

Nhiều người so sánh vui rằng trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng iPhone sẽ khác hoàn toàn cửa hàng giày dép. Trong cửa hàng giày dép, nếu khách hàng muốn thử, người bán thường sẽ lấy giày trong hộp ra đưa cho khách. Họ sẽ không bao giờ đưa nguyên hộp rồi bắt khách tự mở.

Thế nhưng tại cửa hàng iPhone, thì người bán không bao giờ mở hộp iPhone giúp khách. Ngay cả khi cần cài đặt máy, thì nhân viên vẫn sẽ chờ khách tự đập hộp, sau đó mới cầm lại máy của khách và thực hiện các bước kỹ thuật. Đó là tất cả những gì mà Apple đang cố gắng để khơi dậy sự phấn khích của khách hàng đối với trải nghiệm mua sắm iPhone của mình. Một ý tưởng và triển khai thiết kế rất tinh tế của Apple thời kỳ chỉn chu tới từng chi tiết của bộ đôi huyền thoại Jobs Ive.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà cung cấp của Apple muốn chi 400 triệu USD xây dựng nhà máy ở Việt NamNhà cung cấp của Apple muốn chi 400 triệu USD xây dựng nhà máy ở Việt Nam
Tổng các lô hàng điện thoại thông minh xuất xưởng 2022 thấp kỷ lụcTổng các lô hàng điện thoại thông minh xuất xưởng 2022 thấp kỷ lục