Indonesia cấm bán điện thoại của Google

15:06 | 02/11/2024

840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Indonesia cho biết họ đã cấm bán điện thoại thông minh do Google sản xuất do các quy định yêu cầu sử dụng linh kiện sản xuất trong nước, vài ngày sau khi cấm bán iPhone 16 của gã khổng lồ công nghệ Apple vì lý do tương tự.
Indonesia cấm bán điện thoại của Google
Dòng điện thoại thông minh Pixel 9 của Google (Ảnh: Reuters)

Indonesia đã cấm bán điện thoại Google Pixel vì công ty này không đáp ứng được quy định yêu cầu một số điện thoại thông minh bán trong nước phải có ít nhất 40% linh kiện được sản xuất nội địa.

"Chúng tôi đang thúc đẩy các quy tắc này để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà đầu tư tại Indonesia", Febri Hendri Antoni Arief, người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Indonesia, cho biết hôm thứ Năm (1/11). "Các sản phẩm của Google không tuân thủ theo quy định mà chúng tôi đặt ra, vì vậy không thể được bán ở đây".

Google cho biết điện thoại Pixel hiện chưa được phân phối chính thức tại Indonesia.

Theo ông Febri, người tiêu dùng có thể mua điện thoại Google Pixel ở nước ngoài, miễn là họ đóng đầy đủ thuế, đồng thời cho biết thêm rằng quốc gia này sẽ xem xét hủy kích hoạt những điện thoại được bán bất hợp pháp.

Lệnh cấm này được đưa ra một tuần sau khi Indonesia cấm bán iPhone 16 trong nước, cũng vì không đáp ứng các quy định về nội địa hóa.

Các công ty thường tăng cường sử dụng linh kiện trong nước để đáp ứng các quy định này thông qua quan hệ đối tác với các nhà cung cấp nội địa hoặc bằng cách tìm nguồn cung ứng linh kiện trong nước.

Google và Apple không nằm trong số các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại Indonesia. Hai nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu tại quốc gia này trong quý I/2024 là công ty Trung Quốc OPPO và công ty Hàn Quốc Samsung 005930.KS, công ty nghiên cứu IDC cho biết vào tháng 5/2024.

Indonesia có dân số đông am hiểu công nghệ, khiến quốc gia Đông Nam Á này trở thành thị trường mục tiêu để đầu tư về công nghệ.

Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho biết động thái này là chủ nghĩa bảo hộ "giả", gây tổn hại đến người tiêu dùng và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

D.Q

Reuters