Dịch tay chân miệng giảm, sởi gia tăng

13:21 | 26/10/2018

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong khi bệnh tay chân miệng đã tạm lắng thì bệnh sởi lại có xu hướng tăng,đặc biệt ở một số tỉnh phía Nam. Bộ Y tế đã khuyến cáo cách phòng chống bệnh sởi.  
dich tay chan mieng giam soi gia tangTP HCM: Dịch chồng dịch do diễn biến bất thường
dich tay chan mieng giam soi gia tangCách phòng chống 3 loại dịch bệnh mùa đông xuân
dich tay chan mieng giam soi gia tangHà Nội khẩn cấp chống sởi trong trường học

Bác sĩ cũng lây nhiễm sởi

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 256 ca mắc sởi. Trong khi năm 2017 không có ca mắc sởi nào. Đáng nói là tất cả các quận, huyện của thành phố đều có ca mắc sởi. Trong đó tập trung ở các quận huyện: Thủ Đức, quận 7, quận 9, quận 12, Bình Thạnh và Bình Tân.

dich tay chan mieng giam soi gia tang
Trẻ mắc sởi ở TP Hồ Chí Minh

Tại Đồng Nai, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh này cũng cho biết, đến ngày 18/10, dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp với 265 ca, trong đó có 16% số trẻ dưới 9 tháng tuổi, hơn 34% số trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, hơn 23% trẻ từ 2-5 tuổi, còn lại từ 5 tuổi trở lên. Đáng nói là, ngoài trẻ em và người dân nhiễm sởi, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đây đã ghi nhận trường hợp một bác sĩ đang công tác tại khoa cấp cứu của bệnh viện cũng bị lây nhiễm sởi.

Còn tại Nghệ An, theo số liệu từ Khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tính từ ngày 1/9/2018 - 15/10/2018 khoa này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó 11 trường hợp bị biến chứng. Số lượng bệnh nhân điều trị sởi hiện tại ở khoa chiếm gần một nửa so với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Bệnh Nhiệt Đới.

Nguyên nhân chủ yếu đều bệnh nhi chưa được tiêm phòng nhưng trong số đó hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm phòng.

Tiêm đủ vắc xin là cách phòng sởi hữu hiệu

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, điều này hoàn toàn bình thường bởi có thể lý giải do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.

dich tay chan mieng giam soi gia tang
Tiêm phòng là cách loại trừ sởi

TS Trần Minh Điển cũng cho biết, Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân và thường xảy ra với trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc hơn.

Cách phòng ngừa tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

TS Điển khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Sởi dễ lây nên theo các bác sĩ, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin rubella trên toàn quốc trong những năm gần đây đạt cao, tuy nhiên chưa đạt mức 95% trên quy mô toàn quốc. Một số quận, huyện nguy cơ cao chỉ đạt mức dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và số trẻ đã tiêm nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Nguyễn Bách