Dịch bệnh nghiện game tấn công trẻ Trung Quốc

14:04 | 02/12/2019

276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay vì hâm mộ cầu thủ như Messi hay Ronaldo, nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc mơ ước nối gót game thủ đình đám như Doinb và The Shy.

Giới chuyên gia và một số nghiên cứu như báo cáo của Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2018 cảnh báo 18% người trẻ độ tuổi 13 -17 ở nước này có nguy cơ nghiện game.

Dịch bệnh nghiện game tấn công trẻ Trung Quốc
Người chơi game tại tiệm cà phê internet tại Thái Nguyên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tình hình đáng báo động này buộc chính phủ vào cuộc, áp dụng nhiều biện pháp cùng các quy định nhằm ngăn chặn giới trẻ nghiện game. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 5 chính thức xem nghiện game là một chứng bệnh tâm thần.

Quy định mới nhất bao gồm cấm người dưới 18 tuổi chơi game trực tuyến từ 22h đến 8h, giới hạn 90 phút/ngày và trong dịp nghỉ lễ là ba giờ/ngày.

Biện pháp này chỉ phản ánh phần nào về căn bệnh xã hội mới, chưa thật sự giúp nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy khả năng tự kiểm soát bản thân cho những người có nguy cơ nghiệm game.

"Nhìn chung, chúng ta càng cấm thứ gì thì nó lại càng hấp dẫn. Tôi chơi game khoảng ba giờ/ngày. Nếu tôi không có gì để làm thì thường chơi suốt ngày. Tôi nghĩ rằng biện pháp giới hạn độ tuổi lẫn thời gian chơi game không hiệu quả và không thể giải quyết tận gốc vấn đề", sinh viên Lu Chengyi, 20 tuổi, cho biết.

Các công ty thiết kế game cũng đang tham gia nỗ lực nhằm cắt giảm tỷ lệ người trẻ nghiệm game đáng báo động. Tuy nhiên, tạo ra game mới để kiếm lợi nhuận mà không gây hại cho người chơi là một thách thức.

"Ngoài việc trò chơi điện tử gây nghiện vì mang đến sự giải trí và vui vẻ ngay lập tức, các công ty còn có bộ phận về tâm lý học chuyên nghiên cứu, hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật để thiết kế game khiến não con người luôn muốn chơi nhiều hơn", theo Oscar Lopez, người Tây Ban Nha vừa đến Trung Quốc cách đây hai tháng để lãnh đạo một nhóm tại công ty game hàng đầu.

"Nếu bạn muốn tìm kiếm công việc thiết kế game, cụ thể là game trên điện thoại di động, thì Trung Quốc đang là thánh địa do có thị trường nội địa khổng lồ", Lopez, 27 tuổi, cho biết. Tổng doanh thu ngành game Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đạt 116,31 tỷ nhân dân tệ (16,9 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng đều hàng năm là 10,8%, theo số liệu của công ty Gamma Data Corp.

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử thể hiện rõ trong ngành giáo dục, với hàng chục đại học mở chương trình đào tạo thiết kế và lập trình game trong những năm gần đây.

Một yếu tố khác khiến giới trẻ nghiện game là ngày càng có nhiều chương trình phát trực tiếp những giải thi đấu esport (thể thao điện tử), giúp nhiều game thủ có cơ hội tỏa sáng, trở thành ngôi sao đẳng cấp thế giới.

Chương trình nổi tiếng nhất là giải thi đấu quốc tế League of Legends (Liên minh huyền thoại), thu hút 100 triệu lượt xem. Trong vòng hai năm qua, chỉ có các đội của Trung Quốc giành chiến thắng.

Doinb là game thủ chuyên nghiệp 22 tuổi người Hàn Quốc, tên thật là Kim Tae-sang. Anh là thành viên của đội FunPlus Phoenix (Trung Quốc) và có trên 4 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo. The Shy, tên thật Kang Seung-lok, cũng là game thủ Hàn Quốc, 20 tuổi, đầu quân cho đội Invictus Gaming của Trung Quốc, có 1,4 triệu người hâm mộ trên Weibo.

"Những game thủ nổi tiếng có thể kiếm được nhiều tiền nên nhiều bạn trẻ muốn được như họ", Yang Fan, giám đốc bộ phận phòng chống nghiện tại Wangjing Education, một công ty đào tạo game thủ chuyên nghiệp.

Ngoài huấn luyện, công ty này thường tổ chức hội nghị chuyên đề về phòng chống nghiện game tại các trường học. "Ngành công nghiệp này không thể phớt lờ tác hại mà game mang lại cho xã hội. Thậm chí khi chính phủ ban hành các quy định khắt khe về chơi game, giới trẻ, nhất là học sinh sinh viên, dễ dàng tìm được những lỗ hổng để né tránh", ông Yang cho biết.

"Một số học sinh dùng cả thẻ căn cước công dân của bố mẹ để đăng ký chơi game. Đối với trò chơi yêu cầu đăng nhập bằng hình thức nhận diện, chúng tranh thủ lúc bố mẹ ngủ để quét khuôn mặt", theo Yang.

"Quy định giới hạn thời gian chơi game không thể giải quyết vấn đề", Yang nói, đồng thời cho rằng bố mẹ cũng phải có trách nhiệm quản lý, nhưng nhiều người phớt lờ hoặc chấp nhận con cái nghiện game.

"Chính các bậc phụ huynh cũng dùng smartphone quá nhiều. Họ muốn con cái phụ giúp việc nhà nhưng bản thân không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại", ông nói.

Chính vì thế, công ty của Yang mở thêm lớp học dành riêng cho bố mẹ để giúp họ hiểu rằng game không là "con quái vật" như họ nghĩ và có một số công cụ nếu kiên trì, sẽ giúp dạy cho các game thủ biết cách rèn luyện khả năng tự kiểm soát bản thân.

Theo VNE

Vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến
Ấn Độ, Nhật Bản phản đối Trung Quốc gây sức ép lên ASEAN về COC
Liên tiếp đưa tàu tới Biển Đông, Mỹ gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc
Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc tại dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng
Trung Quốc bị “tố” có ý đồ quân sự tại Bắc Cực
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được quy hoạch như thế nào?