Đi Mỹ nhờ một bài ca dao

07:40 | 21/06/2017

436 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghề làm báo vất vả nhưng nhiều lúc cũng thật thú vị. Hồi ấy, Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ, muốn sang nước Mỹ tham quan là khó lắm. Thế nhưng, trong một chuyến đi chơi Đà Lạt, tình cờ đọc một bài ca dao ngẫu hứng. Vậy mà lại được đi Mỹ một chuyến 20 ngày.  

Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Hồi ấy, việc đi nước ngoài tuy có dễ dàng hơn trước kia, nhưng đó chỉ là đi các nước ở châu Á, châu Âu, chứ còn đi Mỹ là một ước mơ xa vời.

Hôm ấy là ngày Chủ nhật, chúng tôi từ Sài Gòn đi Đà Lạt chơi. Trên chuyến xe 12 chỗ đi “ké” của một doanh nhân có nhiều người, ba nhà báo chúng tôi và một vài doanh nhân ở Sài Gòn cùng mấy Việt kiều ở Mỹ về. Vì là đi ké nên chúng tôi chẳng hề quen ai trên xe, trừ chủ xe. Chuyến đi bắt đầu từ 5 giờ và dự định tối phải về. Quả thật có một chút lãng mạn và phiêu lưu vì đi về trong ngày ở nơi cách xa đến 400km thì riêng ngồi trên xe đã mất đến quá nửa thời gian.

di my nho mot bai ca dao

Đến Đà Lạt đã gần 14 giờ, ăn uống xong, đi du ngoạn được một vài nơi thì đã sẩm tối, chúng tôi quyết định phải về vì sáng mai còn phải đến cơ quan làm việc. Đường về nó mới xa làm sao. Đêm thăm thẳm. Ánh đèn xe cứ hun hút. Lúc đi, mọi người trên xe đã làm quen giới thiệu với nhau. Thì ra đây là hai nhóm doanh nhân có quan hệ làm ăn qua lại giữa Mỹ và Việt Nam, mà lại toàn là doanh nhân nữ. Cánh nhà báo chúng tôi lại toàn đàn ông nên ban đầu cũng còn kiêng dè. Nhưng rồi đường về xa quá, đêm dài quá, mọi người trên xe đều buồn thiu, bỗng một người nêu ý kiến: “Hát lên đi mọi người ơi, sao lại ngồi im đến phát mệt thế?”. Mọi người liền hưởng ứng và phân công lần lượt mỗi người hát một bài. Không biết hát thì đọc thơ. Không biết đọc thơ thì kể chuyện tiếu lâm.

Thế là cả xe nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người trở nên thân thiện với nhau hơn. Đến lượt một doanh nhân nữ ở bang California có tên Việt là Xuân, tên Mỹ là Nancy Nguyễn. Cô nói cô không biết hát và xin đọc một bài thơ. Điều bất ngờ đã đến. Bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng được cô đọc diễn cảm và suôn sẻ một mạch từ đầu đến cuối với chất giọng đặc sệt Nam Bộ. Tôi không thể nghĩ rằng một doanh nhân đang sống cách Việt Nam đến nửa vòng trái đất, suốt ngày tính toán đến tiền bạc, lợi nhuận lại có thể dành ra được một góc nhỏ trong trái tim cho thơ. Và ấn tượng hơn, tôi lại sinh ra và lớn lên ở cái thị xã Sơn Tây nhỏ bé ấy mà không thuộc bài thơ ấy như cô.

Đến lượt tôi, biết tôi quê ở Sơn Tây, mọi người yêu cầu tôi đáp lễ. Bí quá, tôi liền đem một bài thơ tôi đã thuộc lòng từ bé trong cuốn ca dao Việt Nam ra đọc một mạch. “Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần/ Răng đen hạt nhót chân đi cù lèo/ Tóc rễ tre chải lược bồ cào/ Xù xì da cóc hắc lào tứ tung/ Trên đầu chấy rận như sung/ Rốn lồi quả quýt má hồng trôn niêu…”. Đọc xong, sau những tiếng cười chảy nước mắt nước mũi là tiếng la ó phản đối. Làm gì có chuyện “Đôi mắt người Sơn Tây” đẹp như thế mà lại có những cô gái như thế. Làm gì có chuyện một cô gái lại có nhiều cái xấu như thế…

Tôi đành giải thích rằng, xuất xứ bài thơ là một câu chuyện tình đơn phương của một chàng hàn sĩ Hà thành. Khi phải lòng một cô gái Sơn Tây nhưng tơ duyên không thành, thế là làm một bài thơ với ý định “không ăn được thì đạp đổ”. Mọi người hiểu ra và bắt tôi đọc lại bài thơ một lần nữa. Cả xe cười nghiêng ngả.

Cô Xuân vừa cười vừa nói: “Chuyến xe này mà đang ở Cali thì vui biết mấy”. Lúc ấy, mọi người đã có vẻ thân thiết với nhau hơn nên tôi cũng buột miệng nói vui: “Khó gì nhỉ, em cứ có lòng đi, tụi anh có bụng. Có lời mời là tụi anh sang liền”. Chẳng ngờ cô tròn mắt: “Thật nhé!”. Tôi cũng chẳng tin lắm về một lời hứa bâng quơ nên tiếp lời: “Thật chứ, nhưng cánh nhà báo tụi anh ăn uống tốn lắm đấy, em phải cân nhắc cho kỹ”. Cô liền trả lời tỉnh bơ: “Tiền của Chính phủ Mỹ lo chứ có phải của em đâu mà các anh ngại”. Sau một hồi giải thích, chúng tôi mới hiểu rằng mỗi một năm, doanh nghiệp của cô đóng thuế khoảng 400 ngàn USD. Toàn bộ chi phí cho khách mời của công ty sẽ được trừ vào tiền đóng thuế mỗi năm. Có nghĩa là tiền chi phí đi lại, ăn ở của chúng tôi nếu trở thành hiện thực thì cô cũng chẳng mất gì.

Tuy vậy, tôi cũng không tin lắm và sau đó quên luôn. Đột nhiên hơn một tháng sau, Tòa soạn nhận một bản fax từ California mời ba nhà báo sang Mỹ tham quan doanh nghiệp 20 ngày.

Đấy, chỉ vì thuộc một bài ca dao từ đời nảo đời nào mà chúng tôi đã được một chuyến du ngoạn sang bên kia Tây bán cầu. Đời làm báo thú vị là vậy!

Nguyễn Hoàng Linh