Đề xuất khởi tố hình sự vụ sập nhà ở Cửa Bắc
![]() |
![]() |
![]() |
Chiều 4/8, Công an quận Ba Đình đã có báo cáo kết quả điều tra ban đầu về vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc. Cụ thể, vào hồi 3h30 ngày 4/8, đã xảy ra vụ sập nhà dân 3 tầng tại địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Ngay sau khi nhận được tin báo cứu nạn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng gồm Cảnh sát PCCC thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Y tế cùng các lực lượng liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho các nạn nhân bị thương và bảo đảm an toàn cho các hộ dân xung quanh, ổn định tình hình trật tự khu vực.
![]() |
Hiện trường vụ sập nhà. |
Ngôi nhà bị sập do ông Trần Anh Tuấn (52 tuổi) làm chủ hộ. Nhà bị sập có diện tích khoảng 30m², 3 tầng 01 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Tại thời điểm xảy ra vụ sập nhà, trong căn nhà này có 9 người đang cư trú. Lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định có 4 người tự thoát ra ngoài, 5 người mắc kẹt trong nhà. Công tác cứu nạn đã được thực hiện khẩn trương.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, việc cứu nạn phải thực hiện khẩn trương nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho chính lực lượng cứu nạn và không gây sập, đè các tảng bê tông xuống những nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát. Do đó, lực lượng cứu nạn phải sử dụng các cẩu lớn cố định những tấm bê tông, sử dụng các phương tiện máy móc nhẹ để phá dỡ và chuyển đống đổ nát ra ngoài, đảm bảo không gây sụt, lún xuống phía dưới.
Chủ tịch thành phố đã cùng hai Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Thế Hùng và lãnh đạo các đơn vị liên quan trao đổi, bàn bạc các giải pháp thực hiện cứu nạn hiệu quả nhất, đảm bảo đưa được những người còn sống ra ngoài cấp cứu. Chủ tịch chỉ đạo không sử dụng phương tiện cơ giới nhấc những tấm bê tông đổ ngả vào nhà 45 Cửa Bắc vì khả năng những tấm bê tông đổ nghiêng như vậy chính là chỗ dựa cho nhà 45 Cửa Bắc.
Do đó, sau khi cứu người cuối cùng ra, Sở Xây dựng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo đã mời chuyên gia đến gia cố bằng các dầm chịu lực, đảm bảo an toàn cho các căn nhà bên cạnh. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu khẩn trương rà soát lại những khu nhà xung quanh khu vực, có tuổi đời lâu năm để lên phương án hướng dẫn người dân tránh nguy hiểm, cải tạo điều kiện sống.
Từ 4h đến 9h30, có 3 người lần lượt được đưa ra khỏi khu vực nhà sập, được tiến hành sơ cứu, cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn, Việt Đức. Đến nay, tình trạng sức khỏe của cả ba đang dần hồi phục. Đến 11h30, 2 trường hợp là anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi, ở TP. Phủ Lý, Hà Nam) và chị Nguyễn Thị Hằng (23 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) là những nạn nhân cuối cùng được đưa ra ngoài và được xác định là đã tử vong.
Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình xác định, ngôi nhà số 41 Cửa Bắc do bà Nguyễn Thị Vân (82 tuổi) làm chủ và con trai bà là Trương Quốc Hùng (43 tuổi) sinh sống tại đây. Nhà bà Vân được xây dựng từ năm 1980 nên xuống cấp trầm trọng. Ngày 7/7/2016, anh Hùng thuê thợ tháo dỡ để xây lại. Khi tháo xong phần mái nhà thì bị Thanh tra xây dựng Ba Đình đình chỉ vì không có giấy phép.
Sau đó, bà Vân đã hoàn thiện hồ sơ xin phép xây dựng, sửa chữa nhà. Ngày 2/8, UBND quận Ba Đình có công văn 1123/UBND - QLĐT của phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình về việc chấp thuận khôi phục nhà cũ.
Ngay khi có giấy phép, anh Hùng đã thuê em vợ là Trần Tiến Tuấn (31 tuổi, ở Thanh Hóa) xây dựng lại nhà số 41. Anh Tuấn thuê Bùi Quốc Tùng (30 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) đào móng và vận chuyển phế thải. Khoảng 22h ngày 3/8, anh Tùng thuê Trần Văn Minh lái máy xúc đến đào móng sâu khoảng 2 mét. Trong quá trình thi công thì xảy ra sập nhà số 43.
Nguyên nhân dẫn đến sập nhà số 43 được các đối tượng khai nhận, do quá trình thi công đã làm vỡ ống nước dẫn đến sụt lở móng nhà số 43. Mặt khác, nhà 43 xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước không có kết cấu bê bông nên nhà rất yếu.
Trước những dấu hiệu phạm pháp hình sự, Cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Ba Đình thực hiện công tác cứu trợ đột xuất. Chiều 4/8, thành phố và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên người bị nạn (bước đầu đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị thương với số tiền 5 triệu đồng/người và 2 gia đình nạn nhân tử vong với số tiền là 22,4 triệu đồng, trong đó: Mặt trận Tổ quốc Thành phố: 5 triệu, Hội CTĐ Thành phố: 2 triệu; UBND quận Ba Đình và UBND phường Trúc Bạch: 15,4 triệu; Bệnh viện Thanh Nhàn hỗ trợ phương tiện miễn phí đưa người bị nạn về nhà). |
Thiên Minh
-
Khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại thành phố Hồ Chí Minh
-
Đồng Nai: Giám đốc gọi giang hồ gây rối bị khởi tố thêm tội trốn thuế
-
TP HCM: Khởi tố tài xế container tông chết người trong cơn "phê" ma túy
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm tại dự án nhà ở Tây Nam
-
Bộ công an giải thích lý do để “sổng” ông chủ Nhật Cường mobile
-
Đại sứ Đặng Minh Khôi: Chuyến thăm kế thừa lịch sử và hướng tới tương lai cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga
-
Tổng Bí thư Tô Lâm chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác song phương Việt Nam - Kazakhstan
-
[VIDEO] Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Kazakhstan
-
Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật quan trọng
-
Thủ tướng: Triển khai hiệu quả "bộ tứ chiến lược", thực hiện bằng được các mục tiêu lớn