Để khóa lễ đầu năm… thanh thản

06:37 | 07/03/2013

948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỗi khi xuân về, lễ Phật, vãn cảnh chùa đã trở thành sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Nhưng trong hoàn cảnh thương mại hóa và sự biến tướng hiện nay của sinh hoạt tâm linh, làm thế nào đi lễ chùa được thanh thản, bình an đúng như mục đích của nó là quan tâm không chỉ của thiện nam tín nữ.

Nét đẹp văn hóa tâm linh

Thông thường, đi lễ chùa đầu năm ai cũng cầu mong cho gia đình mình được bình an, con cháu trong nhà khỏe mạnh, học hành tiến bộ, mọi người hòa thuận, đi xa về gần đều gặp may mắn và làm ăn phát đạt…

Cụ Nguyễn Thị Thảo, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng từ sớm mồng Một tết Quý Tỵ cụ đã bảo con đưa đến chùa Vạn Niên, một ngôi chùa cổ nằm trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Cụ bảo, gần 20 năm qua, cứ vào dịp đầu năm là cụ lại đến chùa Vạn Niên để lễ Phật, lễ Mẫu, cầu xin Phật và Mẫu ban cho cụ cùng con cháu trong nhà có sức khỏe, bình an, gặp may mắn, làm ăn phát tài, phát lộc… Khi đến chùa cụ Thảo thấy trong lòng thư thái và khỏe mạnh hơn, bởi không gian xanh mát với nhiều cây cối và quang cảnh thơ mộng của hồ Tây.

Cụ Mai Thúy Hòa, 79 tuổi, nhà ở quận Đống Đa nhưng tết năm nào cụ cũng đến chùa Bằng A, nằm giáp khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội để lễ cầu an cho gia đình và con cháu. Cụ Hòa bị huyết áp thấp từ nhiều năm, lúc nào cũng thấy chóng mặt, nhưng khi đến chùa lễ Phật là cụ thấy mình hết chóng mặt.

Theo cụ Hòa, do không khí trong chùa thực sự thanh tịnh, yên tĩnh, những vườn cây xung quanh chùa càng tạo cho cảnh quan nơi đây thêm thanh tịnh hơn. Sau khi lễ xong, cụ Hòa thường ngồi nghỉ dưới ngôi tháp Phật 13 tầng, hay thăm vườn La Hán trong chùa cụ càng thấy lòng tự tại, thanh nhàn và sức khỏe tốt hơn. 

Để sở cầu như nguyện

Không chỉ vào dịp lễ tết, mà những ngày Rằm, mồng Một hay các ngày lễ khác, phần lớn gia đình nào cũng sắm lễ đến chùa, đền hay phủ… để lễ Phật, lễ Thánh, cầu an, cầu tài lộc. Nhưng không phải ai cũng biết việc sắm lễ vật đi lễ tại chùa, đền, phủ như thế nào và ở đâu cầu cúng gì mới đúng...

GS.TS Trần Lâm Biền, một chuyên gia quen thuộc với những vấn đề này cho biết: Khi đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm lễ chay. Còn lễ mặn chỉ được dâng tại nơi có thờ tự các vị Thánh, Mẫu (nếu như trong khu vực chùa có thờ các vị Thánh, Mẫu). Không nên sắm vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa (nếu có lễ này thì đặt ở các ban thờ như thần linh, Thánh Mẫu hay Đức Ông). Ngoài ra, đồ mã cũng kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát, còn tiền thật cũng không nên đặt trên ban thờ chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức…

Khi đến chùa hành lễ cần theo thứ tự như sau: Đặt lễ vật, thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước. Sau đó, đặt lễ vật, thắp hương của chính điện, rồi đến các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, thờ Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu). Sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới, hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức…

Đặc biệt, mọi người khi đi lễ chùa, đền hay phủ… thì nên thong thả, không vội vàng chen lấn, xô đẩy nhau và tinh thần thoải mái, tâm hồn thanh tịnh, không tà uế, không to tiếng cãi nhau và đi đứng hết sức nhẹ nhàng… Hiện tại, không ít người đến chùa lễ đã đốt cả nắm hương to, khiến cho khói bốc lên mờ mịt. Theo GS.TS Trần Lâm Biền: “Các cụ xưa đi chùa lễ, nếu thấy trên ban thờ đã thắp hương thì các cụ không thắp thêm hương nữa. Nếu không có thì mới thắp 1 hoặc 3 nén hương. Theo quan niệm, nén hương thắp trên ban thờ là chỉ lối cho con người đến với thần linh, hay gọi là thông linh”.

Ngày nay, một số người (nhất là giới trẻ) cứ đến chùa, đền hay phủ… là đốt cả bó hương cháy nghi ngút, mặc dù bát hương trên ban thờ đã có nhiều hương, hoặc ngay cạnh đó có tấm biển không nên thắp hương, nhưng họ vẫn vô tư cắm thật nhiều hương lên ban thờ, điều này không những làm ảnh hưởng đến cảnh quan của đền chùa, mà còn làm thần thánh “sặc” khói, còn đâu là thông linh nữa để phù hộ, độ trì cho người lễ… Chỉ cần mọi người đến với cửa Phật, cửa Thánh, nếu có tâm tư nguyện vọng gì thì Phật và Thánh đã biết, chứ không cần phải thắp thật nhiều hương thì Phật, Thánh mới biết…  

Chùa to, phủ lớn không thiêng hơn

Hiện tại, không ít người quan niệm đi lễ phải lễ ở chùa to, phủ lớn, đền nổi tiếng… thì Phật và thánh thần ở đó mới thiêng… Vì vậy, nhiều người đi lễ dịp đầu năm hay vào các ngày trong năm đã chọn các chùa to, phủ lớn để đến lễ cầu xin thánh thần phù hộ, độ trì cho mình có nhiều tài lộc hơn… Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải, gây mất an ninh trật tự tại một số đền, chùa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, GS.TS Trần Lâm Biền cho biết: “Đó là quan niệm sai lầm của mọi người, bởi trong nhận thức của các cụ ngày xưa thì chùa nghèo, cảnh khó là nơi được Phật và Bồ Tát quan tâm nhiều hơn… Vậy, đi lễ ở chùa to, phủ lớn, hay đền nổi tiếng chắc gì đã hơn ở những chùa, phủ hay đền nhỏ và nghèo…”.

Cũng theo GS.TS Trần Lâm Biền, cúng bái là một thuộc tính trong mối quan hệ với thần linh, nếu nhìn nhận vấn đề này có trí tuệ thì đó là văn hóa, nếu không có trí tuệ, tâm mù quáng thì dẫn đến mê tín dị đoan. Lâu nay, một số người chưa được giáo dục đầy đủ về việc này, họ lại đặt lợi nhuận lên trên, dẫn đến sự sùng bái trong cúng lễ. Điều này thể hiện qua việc nhiều người đi lễ thường sắm mâm lễ thật lớn, họ nghĩ như vậy mới xin được thần linh phù hộ, ban cho nhiều tài lộc… nhưng việc làm trên đã phỉ bang thần linh, không coi thần linh là đấng tối thượng, tượng trưng cho vẻ đẹp tinh thần nữa, thần linh đã bị người đời bắt ăn hối lộ…

Ngày xưa, các cụ đến chùa, phủ hay đền để lễ thường bày đồ cúng lễ theo thứ tự và đầy chất trí tuệ, nhưng bây giờ mọi người đi lễ cứ bày đồ cúng vô tội vạ, bạ đâu để đấy. Kiểu lễ như vậy khác gì việc làm thần linh bội thực vì đồ thờ cúng... Điều đáng buồn hơn là nhiều người còn gắn cả tiền vào tay, vào lòng các tượng thần, nhét tiền vào linh vật… như vậy họ đã đem bụi trần gian vào cõi thần linh. Hoặc việc cúng lễ đồ vàng mã cũng vậy, nếu đồ vàng mã vừa đủ thì mang tính văn hóa, nếu quá một chút là sang mê tín dị đoan. Việc mọi người đốt ôtô, nhà lầu hay cả máy bay… cho người đã khuất là việc bôi nhọ linh hồn, vật chất hóa tầm thường người đã khuất…

Vĩnh Yên