Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

16:31 | 01/11/2018

548 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 1/11, tại Hà Nội, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ III: Ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phát triển kinh tế-xã hội.  

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh hợp tác, tập trung thực hiện các quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị cho công tác tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoi
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử: Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg, trong đó nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển tiềm lực KHCN hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đã thu được nhiều kết quả khoa học, thực tiễn, được đánh giá là có nhiều triển vọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ hi vọng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đánh giá các kết quả, những hạn chế trong thực tiễn công tác quản lý, nghiên cứu ứng dụng NLNT, nhận diện những khó khăn thách thức và đề xuất những giải pháp trọng tâm để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng ứng dụng NLNT phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế, xã hội nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoi
TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT trình bày tổng quan về ứng dụng NLNT trong việc phát triển kinh tế-xã hội

Tại hội thảo, TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT đã trình bày các kết quả nổi bật về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, hiện cả nước có 35 cơ sở y học hạt nhân với trên 45 thiết bị xạ hình, đạt tỷ lệ khoảng 0,5 máy/triệu dân. Một số kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại tương đương với trình độ y học hạt nhân các nước trên thế giới như: xạ hình SPECT tưới máu cơ tim, xạ hình SPECT Tc99m gắn hồng cầu chẩn đoán u mao mạch gan… Về xạ trị: Cả nước hiện có 40 cơ sở xạ trị (phần lớn tập trung tại các thành phố lớn). Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam.

Chẩn đoán hình ảnh (điện quang): Hiện cả nước có 174 máy chụp cát lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, trên 500 máy X quang cao tần. Các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành.

Về sản xuất và sử dụng đồng vị dược chất phóng xạ trong y tế: Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp trong nước đạt gần 50% nhu cầu).

Trong lĩnh vực công nghiệp: Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3 và thiết bị CT/SPECT công nghiệp có nhiều ứng dụng trong công nghiệp dầu khí. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình KC05, Trung tâm còn nghiên cứu và chế tạo thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh đã xuất khẩu sang 7 nước theo đặt hàng của IAEA.

Thời gian qua, ứng dụng kỹ thuật Tracer trong công nghiệp và các ngành tế - kỹ thuật đã đạt được một số kết quả bao gồm việc thiết lập được công nghệ khảo sát cho các pha dầu, nước và khí với hơn 20 chất khác nhau, xây dựng các được các thuật toán và chương trình tính toán mô phỏng được IAEA và nhiều nước đánh giá cao.

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Tính đến năm 2017, đã tạo trên 68 giống cây trồng nông nghiệp bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến trong đó chủ yếu là giống lúa (48 giống lúa, 13 giống đậu tương, 2 giống ngô, 2 giống lạc…). Theo đánh giá của IAEA năm 2014, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TS. Trần Duy Quý và 02 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố HCM, và cho 2 cá nhân của Sở NN&PTNT Sóc Trăng.

day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoi
Toàn cảnh hội thảo

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và nộp lưu trữ Bản đồ phông bức xạ tự nhiên Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000. Thực hiện Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đã xây dựng Bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho 5 khu đô thị, dân cư lớn và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đến nay, 27 trạm quan trắc phóng xạ đã được xây dựng tại các mỏ có chứa phóng xạ trên 16 tỉnh, thành. Trong công tác dự báo và phòng ngừa thiên tai, đã và đang tiến hành quan trắc một số thông số bức xạ tự nhiên tại 14 trạm khí tượng bề mặt, 3 trạm ô zôn - bức xạ cực tím.

Trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ: Ứng dụng công nghệ bức xạ đã được triển khai ở Việt Nam trong các lĩnh vực thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu, khử trùng dụng cụ y tế, chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ.

Đặc biệt, trong soi chiếu an ninh hải quan, việc sử dụng bức xạ tia X có mức năng lượng lớn phát ra từ các máy gia tốc đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác soi chiếu an ninh hải quan, cho phép kiểm tra chính xác hành lý, hàng hóa xuất nhập cảnh, tiết kiệm thời gian, chi phí kho bãi. Đến nay, có 5 Cục Hải quan địa phương đã được trang bị tổng số 11 máy soi container. Tuy nhiên, với công suất soi chiếu đạt khoảng 200 container/ngày, số lượng máy soi container trong cả nước hiện vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia cũng đã tập trung thảo luận về triển vọng, khó khăn, thách thức, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong từng lĩnh vực của ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ.

day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoi

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức bố trí gian trưng bày để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng và giới thiệu các công nghệ, trang thiết bị và dịch vụ ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Hoan

day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoiThúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam
day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoiMiễn học phí cho học viên ngành Năng lượng nguyên tử
day manh ung dung nang luong nguyen tu phuc vu phat trien kinh te xa hoi"Sinh viên sẵn sàng làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân"

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps