Đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò: Thách thức lớn của ngành than

07:00 | 19/12/2013

1,886 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện đang xây dựng đề án cơ giới hóa hầm lò với chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu khai thác, đào lò, vận tải trong hầm lò. Đây là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế và quy hoạch phát triển của ngành than đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trước bối cảnh việc cơ giới hóa đồng bộ của ngành than trong những năm qua mới chỉ đạt 2,8%, còn lại là bán cơ giới hóa từng phần và lao động thủ công khiến năng suất thấp, tai nạn rủi ro cao.

Hiệu quả chưa cao

Thực tiễn áp dụng cơ giới hóa tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, khả năng tăng sản lượng khai thác và tốc độ đào lò khi áp dụng cơ giới hóa cao hơn nhiều so với khoan nổ mìn thủ công. Việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, giảm nặng nhọc cũng như số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ. Cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò sẽ giúp nâng cao năng suất, nâng cao độ an toàn, đồng thời giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác than. Cơ giới hóa hầm lò không những nâng cao năng suất, đẩy nhanh tiến độ mà còn giảm cường độ lao động cho công nhân, bảo đảm an toàn và đem lại nhiều lợi ích khác.

Máy khai thác than và giàn chống tự hành Vinaalta tại lò chợ của Công ty CP Than Vàng Danh

Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi cơ giới hóa tại nhiều đơn vị trong ngành than đang là bài toán phức tạp. Theo thống kê của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ, tổng trữ lượng các vỉa than có khả năng cơ giới hóa trong khai thác tương đối lớn, riêng ở khu vực bể than Đông Bắc là 740,839 triệu tấn, chiếm khoảng 13% so với tổng trữ lượng tài nguyên đã xác minh ở bể than này 5.572 triệu tấn. Điều đó có nghĩa, nếu với đà cơ giới hóa thấp như hiện nay, ngành than sẽ “lực bất tòng tâm”, dậm chân tại chỗ vì nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Đó là chưa kể đến việc áp dụng các thiết bị hiện đại trong đào lò không mấy tiến triển ở nhiều đơn vị (mới chỉ có Khe Chàm, Nam Mẫu tạm gọi là thành công) tỷ lệ bốc xúc thủ công chiếm tới một nửa đối với các gương lò than và 25% các gương lò đá. Một phần nguyên nhân do kinh phí mua máy đào lò khá cao (một máy com-bai đào lò đá và phụ kiện trị giá khoảng 200 tỉ đồng).

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn do điều kiện địa chất một số mỏ vùng Quảng Ninh không ổn định, chiều dài khai thác không lớn, nước chảy vào lò chợ nhiều ảnh hưởng đến công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò. Thiết bị khoan hiện đại, qua thực tế áp dụng tại một số đơn vị cho thấy, hiệu quả chưa cao và phạm vi còn hạn chế. Mặt khác, do các thiết bị cơ giới hóa chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài cho nên chưa chủ động được về thiết bị. Ngoài ra, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân còn nhiều hạn chế, dẫn đến công suất và năng suất lao động trong giai đoạn đầu áp dụng thử nghiệm chưa cao vì thiếu trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu như thiếu phòng thí nghiệm, độ tin cậy của tài liệu chưa cao, chế tạo cơ khí trong nước chưa phát triển nên khó khăn khi lựa chọn đồng bộ thiết bị...

Cần sự đầu tư mạnh mẽ

Do đặc thù của ngành công nghiệp khai thác là tác động trực tiếp đến tự nhiên, vì vậy khoa học công nghệ, cơ giới hóa được Vinacomin xác định là yếu tố hàng đầu. Vừa nhằm phát triển bền vững ngành than, vừa nhằm đảm bảo sản lượng, vừa duy trì môi trường ổn định, bền vững. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (Vinacomin), chương trình này đòi hỏi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, sự phối hợp chặt chẽ của các công ty khai thác hầm lò và các cơ quan tư vấn. Để thực hiện tốt chương trình này, trước hết phải đánh giá kết quả đã triển khai áp dụng cơ giới hóa đào lò và khai thác, phát triển mở rộng những mô hình cơ giới hóa đã thử nghiệm thành công, xác định những tồn tại, hoàn thiện những công nghệ hiện đang áp dụng.

Theo thống kê, để đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong cả nước, đến năm 2020, sản lượng khai thác hằng năm phải đạt mức 60 triệu tấn, trong đó khai thác ở hầm lò chiếm khoảng 60%. Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, vấn đề nâng cao an toàn lao động, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất tài nguyên là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Hiện nay, các mỏ than chủ yếu áp dụng công nghệ khai thác bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, chống giữ bằng cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động và gần đây là giá khung di động. Các công nghệ này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, đặc biệt là trong khấu gương, di chuyển cột, chuyển máng cào...

Bên cạnh đó, việc khai thác than hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào sức người. Cho nên, những năm gần đây, tình hình mất an toàn trong khai thác than vẫn đang là một vấn đề cần khắc phục. Để thực hiện mục tiêu, chiến lược cho ngành than, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng cả về nguồn lực và cơ sở vật chất và sự tác động sâu hơn nữa của các thành phần kinh tế trong và ngoài Tập đoàn để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho các dự án cơ giới hóa khai thác và đào lò, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ của Tập đoàn, của các đơn vị tư vấn nghiên cứu với các công ty khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển áp dụng cơ giới hóa. Hiện tỷ trọng khai thác hầm lò đang thay thế nhanh lượng mỏ khai thác lộ thiên, vì vậy ngành than cần một lực đẩy đầu tư rất mạnh trong 10 năm tới để hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược mà Chính phủ giao phó.

Mạnh Kiên

  • el-2024