Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững

08:26 | 28/04/2023

364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để góp phần định hướng về chuyển đổi số nhằm phát triển việc tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá trong nước, ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững
Toàn cảnh hội thảo

Những năm gần đây, thương mại toàn cầu và trong nước găp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những rủi ro, bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này vừa đem lại những thách thức và cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển đổi phương pháp tổ chức sản xuất truyền thống. Đây cũng là dịp để tất cả doanh nghiệp cùng khám phá, nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phatd biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’. Là một trong những ngành quan trọng, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

"Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành", ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp cùng với các chuyên gia, viện nghiên cứu đã trao đổi, rà soát, đánh giá và đưa ra những nhận định về tình hình chuyển đổi số ngành logistics hiện nay. Từ hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và những kinh nghiệm được rút ra, các đại biểu đã tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics thông qua định hướng về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Nói về triển vọng của ngành logistics từ “sức nóng” của thương mại điện tử, ông Nguyễn Triều Quang - Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc - Lazada logistics Việt Nam nhấn mạnh, thị trường logistics ở Việt Nam mạnh mẽ và giàu tiềm năng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của TMĐT, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; Ứng dụng công nghệ & chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam tham luận tại hội thảo

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho biết, trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics, lý do cho sự thay đổi này là do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Ông Đinh Hoài Nam nhấn mạnh, sự phát triển của ngành logistics hiện nay đang đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như e-commerce, last-mile delivery... Nhà kho hiện đại được xây dựng để đáp ứng những yêu cầu này. Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác. Với những ưu điểm trên, nhà kho hiện đại đang dần thay thế các hệ thống lưu trữ truyền thống trong ngành logistics; các công nghệ mới như IoT, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Các hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững
Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn

Để phát triển ngành logistics hiện đại, bền vững, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho rằng, với các doanh nghiệp logistics, cần có sự chung tay giữa các doanh nghiệp trong ngành, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy cũ sang lối tư duy mới, thay đổi cách làm cũ và cần sự đồng hành, sự ủng hộ, hợp tác của doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro và đơn giản hóa quy trình trong xây dựng và phát triển giải pháp mới cho hệ thống logistics tại địa phương cũng như kết nối liên vùng nhằm tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ, thông suốt góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới sẽ góp phần tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hồng Kông.

Với cơ quan Nhà nước, trước những yêu cầu phát triển xanh, bền vững, đặc biệt trong ngành logistics, Nhà nước và các địa phương cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức tạo thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, đẩy mạnh liên kết vùng, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp các xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các dịch vụ, công nghệ mới.

Với yêu cầu về sự chính xác, minh bạch trong hệ thống cũng như nhu cầu về sự nhanh chóng hơn, các doanh nghiệp cần hướng tới một bộ máy quản lý tinh gọn và linh hoạt, cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực có trình độ, có thể đáp ứng các yêu cầu công việc và quá trình hội nhập toàn cầu. Các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự chất lượng cao, có mô hình hợp tác với nhà trường, trung tâm đào tạo nhằm phối hợp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, mang tính ứng dụng cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022”. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản cuốn Báo cáo này.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao.

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022 có một số nội dung mới như: Thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; Cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập hiệp định CPTPP của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…

N.H

Giải pháp nào cắt giảm chi phí logictics?Giải pháp nào cắt giảm chi phí logictics?
Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logisticsNâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics
Phát triển nhân lực logistics trong môi trường kinh doanh sốPhát triển nhân lực logistics trong môi trường kinh doanh số