Đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc

18:58 | 13/06/2013

538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13/6, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết: Đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc, cho thấy niềm tin của giới đầu tư đối với thị trường Việt Nam đang tăng lên.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, tính đến 20/5, vốn FDI đăng ký đạt hơn 8,5 tỉ USD, tăng 8,9%, vốn FDI thực hiện ước đạt 4,6 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý là công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 7,6 tỉ USD, chiếm 89% vốn FDI.

Bên cạnh đó, việc Samsung chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất điện thoại di động của thế giới với vốn đầu tư đã đăng ký và sẽ thực hiện trong vài năm tới lên đến 4,5 tỉ USD có cả trung tâm nghiên cứu phát triển là một tín hiệu tích cực.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có nhiều dấu hiệu tích cực

Bảng tin ngày 30/5 của Bloomberg cho biết: Tính đến ngày 30/4, có 16.328 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam so với 16.000 tài khoản cả năm 2012, họ đã mua tổng công 253 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2008, là dấu hiệu của giới đầu tư tin tưởng rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 2010 trong bối cảnh lạm phát được giữ vững và chi phí vay vốn giảm. Do đó, từ đầu năm đến nay, VN – Index đã tăng 25%, là chỉ số chứng khoán tốt nhất khu vực Đông Nam Á.

Việc chính phủ phê chuẩn thành lập công ty mua bán nợ (VAMC) để giảm bớt nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tác động đến đà tăng trưởng kinh tế cũng như có tác động tích cực lên thị trường.

Bloomberg dẫn lời Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, ông Michael Kokalari cho biết: “Mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường Việt Nam đang ở mức cao nhất” kể từ khi ông này đặt chân đến đây. Ông Kokalari dự báo, VN - Index sẽ tăng lên 550 điểm vào cuối năm nay.

Ngoài ra, khảo sát thường niên của Phòng Thương mại Công nghiệp Châu Âu (Eurocham) ở Việt Nam cho thấy, chỉ số kinh doanh trong quý I và II của nước ta đã “tăng từ 48 lên 50 điểm sau ba quý liên tiếp dưới mức trung bình, mặc dù còn xa so với mức điểm cao nhất 79 điểm vào năm 2011 và sự cải thiện qua hai quý gần đây vẫn còn hạn chế, mỗi quý tăng 2 điểm”. Tuy vậy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đang được cải thiện dần dù còn một số do dự, 52% doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong tương lai.

Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Eurocham bình luận: “Chúng ta cần nhìn thấy sự cố gắng liên tục của Chính phủ để cải thiện các vấn đề về cấu trúc cơ bản của nến kinh tế và một sự thực thi mạnh mẽ và tích cực các Hiệp định thương mại tự do”.

Nhiều dự báo quốc tế và trong nước về kinh tế Việt Nam cho rằng, năm nay chúng ta sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 5,35% và lạm phát khoảng 6,5%.

Mai Phương