Đằng sau những “hứa hẹn” của Mỹ với Trung Quốc

17:39 | 22/08/2011

385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng như trong bài phát biểu với sinh viên Đại học Tứ Xuyên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục đưa ra những lời bảo đảm sự an toàn tài chính của Trung Quốc và hứa hẹn về món nợ với quốc gia này. Tuy nhiên, chừng đó có đủ để làm dịu những mối quan tâm từ phía Bắc Kinh và dư luận thế giới, hay cần hơn là những hành động từ phía Hoa Kỳ nhằm bảo đảm những lời hứa đó của mình?

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc

Từ “lời hứa” của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden

Với chuyến công du kéo dài 5 ngày mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Biden đã mang đến Trung Quốc một thông điệp của sự tin tưởng, bằng lời hứa hẹn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào và tạo dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài trong tương lai. Giới phân tích cho rằng, chuyến công du lần này của ngài Phó Tổng thống Mỹ đã thành công trong “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với tương lai kinh tế Mỹ” từ phía các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

Song, chính Hoa Kỳ “thấm thía” hơn ai hết những hậu quả khi sự tự tin chỉ hiển hiện trong lời nói, mà không xuất phát từ hành động thực tiễn và hướng tới trách nhiệm lâu dài.

Theo đánh giá của Quỹ Tín dụng Standard & Poor thì mức tín nhiệm của Mỹ đã bị đánh tụt từ mức AAA xuống còn AA+. Trung Quốc – quốc gia “chủ nợ” nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ đã tăng đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ hơn 3 tháng qua, một thời kỳ được coi là “hỗn loạn” khi chính phủ Mỹ phải “vật lộn” tới từng ngày từng giờ để nâng mức nợ trần.

Động thái trên của Trung Quốc rõ ràng nhằm duy trì sự ổn định của thị trường toàn cầu, và chứng minh sự chịu trách nhiệm một cách không hề né tránh của nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Có một sự thật rõ ràng trước mắt đó là, sự phục hồi đầy mong manh của nền kinh tế toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Hoa Kỳ và ngược lại, nếu không có các biện pháp mạnh được đưa ra. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ phải chuẩn bị những phương án đối phó ở mức xấu nhất, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và các mức nợ, chi tiêu vẫn chưa được giải quyết.

Để thực hiện “lời hứa” của mình, Hoa Kỳ rõ hơn ai hết thực trạng nền kinh tế hàng đầu thế giới và theo dõi tốc độ tăng trưởng kinh tế của chính quốc gia này. Mỹ cũng phải đưa ra những điều chỉnh hợp lý trong vay nợ nước ngoài, cắt giảm đáng kể ngân sách các chương trình không cần thiết nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu kinh tế.

Với mục đích tìm kiếm sự tin tưởng từ phía Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng nên có nhiều hành động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các kết nối thương mại giữa hai phía, như: hạn chế xuất khẩu công nghệ cao đã lạc hậu và san lấp mặt bằng sân chơi cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nếu không, cả hai bên có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực như năng lượng, môi trường sinh học, tài chính.

Khi quan hệ thương mại phát triển nhanh chống, Hoa Kỳ nên tránh chính trị hóa các tranh chấp thương mại, hai bên cần có những biện pháp giải quyết những khó khăn đặc thù của từng nền kinh tế dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

“Hoa Kỳ không bao giờ mặc định số phận mình, sẽ không bao giờ!”, Phó Tổng thổng Mỹ nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình. Đã đến lúc Hoa Kỳ cho thế giới thấy rằng họ không chỉ nói mà sẽ biến mọi thứ thành hiện thực.

Trong bài phát biểu trước hàng trăm sinh viên Trung Quốc, ông Biden khẳng định tăng trưởng của Trung Quốc cũng là yếu tố phát triển tích cực đối với Mỹ và toàn thế giới. Ông nhấn mạnh nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ không bao giờ bị vỡ nợ và Mỹ vẫn là điểm đầu tư tốt nhất.

Ngoài ra, ông Biden cũng kêu gọi sự hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh trong việc giải quyết "mối đe dọa” từ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và của Iran. Ông đề nghị Trung Quốc "gửi thông điệp rõ ràng” tới lãnh đạo Iran rằng họ "phải tuân thủ các cam kết quốc tế.”

Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương Mỹ – Trung

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc từ 17/8 đến 22/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với đại diện doanh nghiệp 2 nước. Tại đây, các nhà lãnh đạo hai nước đã kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế giữa quốc gia.

Rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi đã tham gia cuộc gặp, nhằm thảo luận về những thách thức mà các công ty Trung Quốc và Mỹ đang phải đối mặt hiện nay. Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Trung Quốc cho biết, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phải hạ cánh cứng, cho dù tình hình kinh tế thế giới đang rất bất ổn.

Ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Trung Quốc: "Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính năng động và chính sách tiền tệ thận trọng. Trung Quốc sẽ duy trì sự ổn định và kiên định trong chính sách kinh tế vĩ mô… Chúng tôi tự tin rằng, Trung Quốc có thể duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và ổn định. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ bị hạ cánh cứng”.

Phó Chủ tịch Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ sẽ vượt qua mọi thách thức và phát triển nhanh hơn. Đây là lời bình luận đầu tiên của nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau khi nền kinh tế Mỹ bị Standard & Poors hạ mức xếp hạng tín dụng.

Về phần mình, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, ông khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đến làm ăn tại thị trường Mỹ.

Ông Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ: "Chúng tôi hoan nghênh, Tổng thống Obama và tôi hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc, sẽ có những lợi ích tích cực từ những khoản đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nó sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người dân Mỹ”.

Trong khuôn khổ chuyến công du lần này, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày lần này của Phó Tổng thống Mỹ là nhằm xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc và củng cố lòng tin giữa 2 cường quốc kinh tế.

Và những quan ngại chưa hẳn đã chấm dứt…

Gần đây có rất nhiều mối quan ngại và những ý kiến tỏ ra nghi ngờ vào sự phục hồi nền kinh tế số 1 thế giới. Xia Bin, một nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã bước vào giai đoạn dài suy thoái kinh tế.

Trung Quốc lo sợ nhất là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện mua trái phiếu vòng ba được biết đến như là việc nới lỏng về số lượng, viết tắt theo hai chữ cái tiếng Anh là QE3. Washington có thể sẽ hạ tỷ lệ lãi suất và tăng cường đầu tư bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc sợ rằng điều đó xảy ra sẽ làm tăng giá hàng hóa thanh toán bằng đồng USD, thổi bùng lạm phát, làm mất giá thêm đồng USD, khiến 1.200 tỉ USD tiền trái phiếu chính phủ mà Trung Quốc đã mua của Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất giá theo.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Xiao Gang nói rằng, Mỹ nên kiềm chế để không tiến hành QE3, đồng thời hãy thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm nâng cao niềm tin của thế giới vào đồng đô la Mỹ. Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi Washington bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài và giá trị đồng USD. Đây là vấn đề mà Trung Quốc trước đây thường tránh nêu cụ thể, nhưng nhân chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Phó Tổng thống Joe Biden, báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng bài chỉ rõ Bắc Kinh muốn Mỹ thực hiện hai điều nói trên.

Tân Hoa xã nói rằng Trung Quốc có lợi ích lớn đối với sự ổn định của đồng USD cũng như mỗi thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ đều ảnh hưởng đến Trung Quốc. Cũng theo hãng tin này, việc Mỹ giải quyết những vấn đề kinh tế một cách có trách nhiệm có thể giúp cải thiện mối quan hệ Trung-Mỹ.

Trước đây, một số nước phàn nàn rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư phải chuyển tiền của họ từ Mỹ sang các nền kinh tế đang phát triển nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, điều này khiến giá trị đồng tiền của các nước đầu tư vào Mỹ lên giá và giá hàng hóa xuất sang Mỹ tăng lên.

Xưa nay, đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là ít rủi ro nhất, nhưng gần đây việc Mỹ nâng trần nợ công và Standard & Poor đánh tụt chỉ số xếp hạng tín dụng của nền kinh tế Mỹ khiến Trung Quốc lo ngại.

Nhà phân tích kinh tế học tư bản Mark Williams cho rằng, chính Trung Quốc cũng đang phải đối mặt vấn đề nợ công khi Bắc Kinh tiết lộ rằng, các chính quyền địa phương nước này hiện nợ các ngân hàng 1.600 tỉ USD vay để chi trả cho những công trình công cộng và chi phí khác.

Hương Mai (Tổng hợp)