Đàn tranh Việt Nam và đàn Koto Nhật Bản hội ngộ

08:26 | 24/09/2012

6,388 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Đàn Koto Nhật Bản và cây đàn Tranh Việt Nam có những điểm tương đồng và khác biệt nào?

Vừa qua, tại tư gia GS Trần Văn Khê đã có cuộc gặp gỡ thân mật giữa các nghệ sĩ đàn Tranh Việt Nam và nghệ sĩ đàn Koto Nhật Bản do Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. GS Trần Văn Khê đã diễn giải về những điểm độc đáo, sự tương đồng và khác biệt của cây đàn Koto Nhật Bản và cây đàn Tranh Việt Nam. Nghệ sĩ hai nước đã biểu diễn một số tác phẩm xuất sắc để trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm diễn tấu loại nhạc cụ độc đáo này.

GS-TS Trần Văn Khê và GS Nhật Bản Toshiko Nagase 

Nghệ sĩ Nhật Bản có giáo sư Toshiko Nagase, nghệ sĩ biểu diễn Koto của Trường Yamada (Nhật Bản), cũng là người chơi Syamisen and Zyûsitigen (hay Jûshichigen – một loại đàn tranh 17 dây). Để phổ biến âm nhạc Nhật Bản ở nước ngoài, bà đã thành lập Hiệp hội Giao lưu Quốc tế của Âm nhạc Nhật Bản vào năm 1988 và đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của hiệp hội này với nhiều hình thức khác nhau. Và nghệ sĩ Kenzan Nagase (con trai GS Toshiko Nagase) là nghệ sĩ chơi tiêu Syakuhachi của Trường Tozan.

Đêm hội ngộ, phía Việt Nam ngoài GS-TS Trần Văn Khê- Ủy viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế (UNESCO), Thành viên Hàn lâm viện Khoa học và Văn học Nghệ thuật Âu Châu thì còn có nhạc sư Huỳnh Khải – quyền Trưởng Khoa Âm nhạc Dân tộc – Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và nghệ sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng – Giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh…

Trong cuộc gặp gỡ thân mật, GS Kenzan Nagase cùng nghệ sĩ Toshiko Nagase biểu diễn một số bài kinh điển như No Hu (hay “Xích Bích Phú”) được sáng tác vào năm 1934 bởi Nakanoshima Kin’ichi (1904 – 1984) dành cho đàn Koto (loại đàn tranh 13 dây) và sáo Syakuhachi (một loại trúc tiêu) và chính nghệ sĩ chơi đàn Koto cũng là người hát lên những giai điệu ngân nga của tác phẩm này.

Ngoài ra hai mẹ con nghệ sĩ người Nhật Bản còn hòa tấu bản Haru No Umi (hay “Biển Xuân”) là một tác phẩm khí nhạc được sáng tác vào năm 1929 bởi tác giả Miyagi Mitio (1894 – 1956). Ông là người luôn tích cực giới thiệu những yếu tố Tây phương trong các tác phẩm của mình, thông qua việc sử dụng những hình thức âm nhạc Tây phương như công-xéc-tô, biến tấu, can-tát,…

Nghệ sĩ Hải Phượng (đàn Tranh) và nhạc sư Huỳnh Khải (đàn kìm) 

Sau khi giới thiệu những nét độc đáo của đàn Koto Nhật Bản, GS –TS Trần Văn Khê giới thiệu những nét độc đáo của đàn Tranh Việt Nam cho hai nghệ sĩ Nhật Bản cùng toàn thể người yêu thích đàn Tranh hiểu hơn về nhạc cụ dân tộc này.

GS Khê cho rằng: “Nguồn gốc đàn Tranh Việt Nam là đàn “Tranh” giống như đàn “Sắt” từ Trung Quốc truyền sang nước Việt, có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng đàn 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi kích thước, số dây, từ dây tơ sang dây cước (dây đồng) đến dây thép. Nhưng qua 7, 8 thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, trong bài bản. Đàn Tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam, vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hàng 7, 8 trăm năm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rất rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam”.

Nghệ sĩ Hải Phượng và nhạc sư Huỳnh Khải song tấu những bản nhạc cổ điển của đàn Tranh và bản nhạc hiện đại do nghệ sĩ Thúy Hoan sáng tác dành cho đàn Tranh.

Khán giả đã dành những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt sau mỗi bản diễn tấu kết thúc, làm cho tinh thần các nghệ sĩ thêm hưng phấn, diễn tấu hay hơn, tuyệt vời hơn.

Một buổi gặp thân mật trong khuôn viên nhỏ tại tư gia GS Trần Văn Khê đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, không chỉ cho nghệ sĩ hai nước mà cả những khán giả có dịp thưởng thức đêm nghệ thuật đàn dân tộc tuyệt vời này.

          Thanh Đông