Dán quốc kỳ vào nơi không tôn nghiêm, Big C đã phạm luật!

11:31 | 28/03/2013

1,877 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trên mỗi sản phẩm bày bán tại Big C đã từng được dán cờ Việt Nam thể hiện nguồn gốc xuất xứ và sau khi người dân mua sản phẩm về dùng, những chiếc cờ này sẽ bị bỏ vào thùng rác. Hành động này đã làm mất đi tính tôn nghiêm của dân tộc, quốc gia và vi phạm Luật Quảng cáo…

>> 'Nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc' - Big C xử lý kiểu trêu ngươi dư luận!

>> Big C: Hoặc là 'gian thương', hoặc là gián điệp!

>> Ai cung cấp cho Big C 'nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc'?

 >> Có một 'trung gian ảo' vụ 'nho Việt Nam gắn cờ Trung Quốc'?

Big C ém thông tin

Mặc dù đã liên hệ nhiều lần và đặt ra vấn đề trên thị trường, loại nho nhập khẩu từ Trung Quốc có đặc điểm bề ngoài giống nho Việt Nam bị gắn cờ Trung Quốc, đại diện siêu thị Big C Hà Nội vẫn chỉ một câu trả lời độc nhất rằng: “Thông tin về vụ việc phía Big C đã có thông cáo báo chí nói rõ vấn đề”.

Và khi phóng viên đặt câu hỏi, Big C có xác minh được đầu mối cung cấp tại vườn nho Ninh Thuận thì bà Nguyễn Thanh Huyền – người phụ trách truyền thông Big C Hà Nội nói rằng: “Chúng tôi không thể nói gì thêm…”

Nho xanh Việt Nam nhưng có cờ Trung Quốc.

Ngoài ra, trong buổi sáng ngày 27/3, phóng viên Báo điện tử Petrotimes đã gửi rất nhiều câu hỏi tới lãnh đạo Big C liên quan đến vụ gắn nhầm cờ, như: Đơn vị nào in ấn cờ, danh sách người bị kỷ luật vì sơ xuất gắn nhầm cờ thì bà Dương Thị Quỳnh Trang – Giám đốc Quan hệ công chúng & Đối ngoại cho biết: “Những gì cần thông tin với báo chí, chúng tôi đã thông tin rồi, ngoài ra chúng tôi không có bình luận gì thêm về vấn đề này”.

Theo thông cáo báo chí được phát đi vào chiều ngày 24/3, Big C khẳng định: “Đây là sơ suất của nhân viên trong quá trình đóng khay bày bán đã dán nhầm cờ chỉ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Sau sự cố nhẫm lẫn trên, chúng tôi đã tạm ngừng việc sử dụng cờ các nước chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tìm một giải pháp tối ưu hơn”.

Mặc dù Big C khẳng định, đây là nho có nguồn gốc tại vùng Ninh Thuận, do một nhà cung cấp đóng trên địa bàn huyện Đan Phường cung ứng. Thông tin này cũng đã được nhà cung ứng khẳng định. Thế nhưng cả Big C và nhà cung cấp này đều không thể đưa ra được chính xác tên, địa chỉ nhà vườn trong Ninh Thuận, mà chỉ nói chung chung là vùng Ninh Thuận.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Liên quan đến vụ gắn nhầm cờ Trung Quốc vào nho Việt Nam, Phóng viên Báo điện tử Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, ông Hùng bày tỏ nghi vấn về nguồn gốc của “nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc” có thật là nho Ninh Thuận như thông tin Big C nói.

Sau khi đọc thông cáo báo chí của Big C về vụ việc, ông Hùng cho hay: “Việc Big C xin lỗi  là hành động tôn trọng khách hàng, việc này đáng hoan nghênh”.

Thế nhưng, những nội dung giải trình của Big C trong thông cáo thì ông Hùng lại tỏ ra quan ngại về tính chính xác và cho rằng: “Việc giải trình như vậy xem ra chưa làm tan mối nghi ngờ về nguồn gốc của nho”.

Nhà cung cấp khẳng định do mình cung ứng nhưng không có địa chỉ nhà vườn ở Ninh Thuận.

Vị Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đưa ra giả thiết rằng, cũng có thể đây là sơ suất của Big C khi nhập hàng Trung Quốc về, khi bày bán lại quên không bóc cờ đi mà chỉ dán thông tin là nho Việt Nam?

Theo ông Hùng thì vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm là liệu đây có phải chỉ là sự nhầm lẫn của một nhân viên, hay nho Trung Quốc nhưng được dán nhãn Việt Nam. Để giải quyết những nghi ngại này một cách khách quan và cũng là việc cần thiết để cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng về một vấn đề đang được dư luận quan tâm, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.

Lý giải về vấn đề này, ông Hùng cho rằng: Big C khẳng định nho này có đầy đủ giấy tờ, thế nhưng báo chí không thể vào kiểm tra nên phải là quản lý thị trường vào cuộc.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đưa ra ý kiến cho rằng: “Để bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình, tốt nhất, siêu thị Big C nên chủ động mời cơ quan chức năng vào kiểm tra và công bố kết quả trên báo chí”.

Theo lời ông Hùng, trong quy định dán nhãn hàng hóa không có nội dung nào bắt buộc sản phẩm của nước nào phải dán cờ của nước ấy. Khi nhập hàng hoá từ nước ngoài về Việt Nam kinh doanh, chỉ cần làm đúng quy định pháp luật chứ đâu cần "thêu hoa dệt gấm".

Bên cạnh đó, người tiêu dùng làm sao mà thuộc được hết cờ các nước trên thế giới để nhận biết nguồn gốc sản phẩm. Chưa kể theo Luật Quảng cáo của nước ta cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Như vậy, ngay cả cờ Việt Nam người ta cũng không cho phép dán vào những nơi nào không trang nghiêm.

Điều 8 - Luật Quảng Cáo quy định: Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này.

2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.

3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật.

7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Thiên Minh - Nguyễn Hoan