Đàn bồ câu Nhà thờ Đức Bà: Thị thành một chốn bình yên

06:45 | 05/08/2016

1,621 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể chưa phải là một biểu tượng, nhưng từ hơn 10 năm qua, đàn bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) đã trở thành hình ảnh thân quen không chỉ với những người bản xứ mà cả với du khách thập phương đến nơi đây. Đó là một hình ảnh đẹp và rất đỗi yên bình ngay giữa chốn thị thành náo nhiệt phồn hoa!

1. Sống ở Sài Gòn bao năm, tôi cũng không để ý là đàn bồ câu ở Nhà thờ Đức Bà có từ khi nào, ai nuôi dưỡng chúng?! Chỉ nhớ những lần đi ngang qua nơi này, dù tâm trạng thế nào thì cảm giác yên bình cũng sẽ luôn tìm đến cùng với đàn bồ câu đang bay lượn trên cao, thỉnh thoảng chúng lại sà xuống bên lề đường nhặt thóc. Bên cạnh chúng thì có rất đông du khách tranh thủ cho ăn và chụp hình.

Mãi đến cuối tuần hôm rồi, có gia đình chị đồng nghiệp ngoài Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Chị nhắn tôi ra nhà thờ chụp hình bồ câu cùng với chị. Tôi lấy làm thắc mắc vì lâu nay chị sống ở Hà Nội sao lại có tình cảm với đàn bồ câu nhà thờ Đức Bà như thế? Hỏi ra mới biết là hơn 10 năm trước, chị có thời gian sống và học tập ở Sài Gòn, đàn bồ câu này vốn đã quen thuộc với chị từ đó.

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen
Đàn bồ câu bay lượn ở Nhà thời Đức Bà

Chị kể ngày trước, đàn bồ câu này chỉ chừng 20 chục con; cuối tuần nào chị và bạn bè cũng kéo nhau ra đây uống nước và mua thóc cho chúng ăn. “Đó là những ngày nghỉ yên bình và vui vẻ nhất của chị thời gian sống ở đây”, chị nói với tôi! Chính vì thế mà bây giờ, lúc nào chị vào Sài Gòn công tác cũng đều dành thời gian đến thăm đàn bồ câu cho bằng được trước khi về Hà Nội!

Không riêng gì với chị đồng nghiệp của tôi, khi tìm hiểu về đàn bồ câu này thì tôi mới được biết rằng có rất nhiều người cũng dành một tình cảm tương tự cho chúng. Với họ, nếu đến Sài Gòn mà không ghé thăm và ngắm nhìn đàn bồ câu bay lượn tự do, xem như là chưa đến Sài Gòn. Với khách du lịch là thế, còn với người dân sống ở thành phố này, đàn bồ câu là một hình ảnh đã trở nên quen thuộc trong tâm thức của họ; để rồi mỗi khi mệt nhọc với dòng đời xuôi ngược mưu sinh, người ta lại đến đây mà tìm lại cảm giác thanh bình.

Chị Nguyễn Thị Hương (38 tuổi, Q.Bình Thạnh) kể, từ ngày mang bầu đứa đầu tiên gần 10 năm trước, chị đã đến đây vào mỗi cuối tuần. Đôi khi chị chỉ đi một mình, chẳng để làm gì, ngoài việc cho đàn bồ câu ăn và ngồi nhìn chúng tung tăng nhặt thóc, rồi chốc chốc lại tung cánh bay lên trời. Và kể từ đó đến bây giờ, chị đều đặn đến đây hàng tháng vài lần cùng với các con. Bây giờ chị đã 3 con, mỗi đứa đều có những bức ảnh kỷ niệm thật đẹp gắn liền với đàn bồ câu này. Chị nói, các con chị ai cũng thích cuối tuần được mẹ đưa ra nhà thờ chơi đùa với chim bồ câu; chim ở đây rất dạn người, chúng thoải mái đậu trên tay khách để nhặt thóc mà không hề sợ sệt, chính điều đó làm mọi người cảm thấy rất thích thú.

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen
Khách tranh thủ chơi đùa khi cho bồ câu ăn

Ở đô thị nào cũng vậy, vẻ đẹp ở mỗi nơi sẽ được thể hiện qua sự tinh tế riêng ở từng góc phố nơi đó; còn với khu vực trung tâm Sài Gòn, có thể nói chính đàn bồ câu nhà thờ Đức Bà đã góp phần tạo nên sự bình yên và là nét đẹp riêng nơi đây!

2. Sở dĩ đàn bồ câu ở nhà thờ Đức Bà khỏe mạnh, sinh sôi từng ngày cũng là nhờ vào bàn tay âm thầm chăm sóc của con người. Cụ thể ở đây chính là chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh (39 tuổi, Q.10).

Ở đời, người ta nói chuyện gì cũng vậy, đủ duyên thì mới gặp. Chị Thanh gắn bó với đàn bồ câu nhà thờ này hơn 10 năm qua cũng là một nhân duyên. Trước đó, chị và chúng chẳng có mối quan hệ gì, chị càng không phải là chủ nhân của chúng. Chị Thanh kể, vào khoảng hơn 10 năm trước, chị không nhớ rõ là khi nào, có đàn bồ câu chừng 20 con ở đâu bay đến khu vực nhà thờ.

Khi đó, chị đã hành nghề bán nước dạo quanh khu vực này. Ngay lần đầu nhìn thấy chúng, chị đã có cảm tình, chồng chị cũng là người đặc biệt yêu bồ câu. Biết là chim từ nơi khác tới, không ai chăm sóc nên chị và chồng không ai bảo ai mà đều tự hiểu rằng, từ đây sẽ chăm sóc chúng!

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen
Chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh gọi bồ câu xuống nhặt thóc

Vợ chồng chị Thanh đều làm thuê, bán dạo, tiền lời hằng ngày của quán nước lề đường không đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà nói chi đến việc đèo bồng mua thóc, mua đậu xanh cho chim trời ăn. Thế vậy mà kể từ hôm đó, đều đặn hằng ngày anh chị đều nhín chút tiền mua thóc mang theo cho chúng.

Chị nói, con người hằng ngày phải ăn mới sống, bồ câu cũng vậy thôi, bỏ đói nó sao đành! Thế là chị và đàn bồ câu gắn bó với nhau từ đó đến giờ. Chị xem nó như một phần của cuộc sống hằng ngày, vắng nó chị cảm giác thiếu vắng một niềm vui!

Hiện tại, đàn bồ câu đã tăng lên 500 con. Áp lực về chi phí đồ ăn cho chúng là rất lớn. Theo chị Thanh thì hằng ngày tiền thức ăn vào khoảng 200 - 300 nghìn, có khi, tiền bán nước của chị cũng không đủ mua thóc và đậu xanh cho chúng ăn. Nhưng không phải vì thế mà vợ chồng chị bỏ đói chúng. Mỗi ngày đều đặn, dù có bán được hay không thì chúng vẫn sẽ được cho ăn no đủ.

Buổi sáng vào khoảng 5 giờ 30 thì một người anh của chị Thanh sẽ cho ăn, từ 10 giờ thì bắt đầu đến chị; chị cho chúng ăn đến 3 giờ chiều, trước khi chị dọn hàng về nhà. Sở dĩ thời gian cho ăn kéo dài như vậy là vì chị muốn tạo điều kiện cho khách đến tham quan, chụp hình cùng đàn bồ câu và cũng nhờ đó giúp chị bán thêm được nước giải khát.

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen

Chị Thanh nói, có những lúc hết tiền, chị cũng chạy đi mượn anh em mà mua thóc chứ nhất định không để chúng đói, càng không có chuyện bắt bồ câu về để bán lấy tiền.

3. Chăm sóc và gắn bó với đàn bồ câu lâu ngày, chị Thanh dành cho chúng một tình thương vô cùng. Và chúng cũng rất đổi quen thuộc với chị, chỉ cần chị lắc lon thóc kêu lạch cạch là từ trên cao đàn bồ câu sẽ lần lượt sà xuống đậu vây xung quanh chị.

Bận rộn buôn bán là thế nhưng không lúc nào chị rời mắt khỏi đàn bồ câu. Chị lo người lạ đuổi bắt chúng, chị phải theo dõi đề kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn. Chị cũng phải canh chúng thường xuyên vì nếu chúng đi ra ngoài đường, không phát hiện kịp thời để đuổi chúng vào lề thì rất dễ bị xe cán phải. Dù đã hết sức cẩn thận nhưng đã có nhiều trường hợp bồ câu bị tai nạn như vậy.

Chị Thanh lý giải thêm rằng, sở dĩ ngày nào chị cũng phải cho chúng ăn thật no còn là để chúng không phải đi tìm thức ăn nơi khác. Bởi nếu đi xa thì chị không thể trong chừng chúng được, dễ bị tai nạn hay bị bắt cũng nên.

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen

Và không phải chỉ cho ăn là đủ, vào những ngày mưa nắng thất thường, chị còn phải mua thuốc ngừa cúm pha vào nước cho chúng uống. Còn khi còn nào bệnh thì chi cách ly đều trị, sau khi khỏi hẳn mới cho tái nhập đàn.

Gắn bó với đàn bồ câu hơn 10 năm qua nên hơn ai hết chị Thanh là người hiểu về đặc tính của chúng cũng như biết được cách chụp hình chúng như thế nào là đẹp nhất. Chị phân tích đến từng nét đẹp của cái sải cánh lúc bồ câu bay lên hay đáp xuống một cách sành sỏi như bất kỳ một tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào.

Chị nói với tôi rằng, chụp ngay khoảnh khắc đàn bồ câu sà xuống là đẹp nhất vì cái sải cánh khi ấy nó thể hiện sự yên bình nhất, nó khác với cái đập cánh vội vã lúc đang bay lên. Tất nhiên điều chị nói là hoàn toàn chính xác!

dan bo cau nha tho duc ba thi thanh mot chon binh yen

Một tay chăm sóc đàn chim bồ câu hơn 10 năm qua nhưng chị Thanh chưa bao giờ nghĩ chúng thuộc quyền sở hửu của riêng mình. Chị Thanh luôn nói rằng, chúng là của thiên nhiên. Chị chăm vì yêu mến chúng và chị tin rằng mình có đủ tình yêu để có thể chăm chúng đến khi nào không còn có sức làm thế nữa!

Giờ đây, đàn chim ấy không chỉ là đàn chim lạ bên đường, nó là một phần thân thuộc trong cuộc sống của chị hằng ngày. Chị sẽ rất buồn nếu một ngày chị không nhìn thấy chúng, chị sẽ thiếu vắng bình yên nếu một ngày chị không nhìn thấy chúng vỗ cánh tung bay cao trên bầu trời tự do!

Trúc Vân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.